Bệnh viêm ruột là một bệnh lý thường xảy ra do nhiễm phải vi khuẩn hoặc virus từ thực phẩm. Triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh là đau bụng và tiêu chảy, có thể liên tục hoặc gián đoạn.
Hầu hết trường hợp viêm nhẹ đều không cần điều trị nhưng khi bị tiêu chảy nặng, cần chú ý bù nước và chất điện giải kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng ngừa tình trạng này qua bài viết sau.
Bệnh viêm ruột là gì?
Viêm ruột là tình trạng viêm xảy ra ở ruột non, được phân chia thành các loại như viêm ruột do nhiễm vi khuẩn hoặc virus và viêm ruột do bức xạ.
Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến dạ dày (viêm dạ dày) hoặc ruột già (viêm đại tràng) làm suy yếu chức năng của hệ tiêu hóa.
Các dạng viêm ruột
Có hai dạng viêm ruột thường gặp nhất là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
Viêm loét đại tràng được phân loại dựa trên vị trí viêm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:
- Viêm loét đại tràng. Đây là dạng viêm loét đại tràng nhẹ nhất. Vùng bị viêm thường nằm gần hậu môn.
- Viêm đại tràng xích ma. Trực tràng và đại tràng xích ma (đoạn cuối đại tràng) thường bị viêm.
- Viêm đại tràng trái. Chỗ viêm thường mở rộng từ trực tràng sang phần đại tràng xích ma và đại tràng xuống.
- Viêm đại tràng toàn bộ. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng.
- Viêm loét đại tràng cấp tính. Từng được gọi là viêm đại tràng tối cấp, dạng viêm đại tràng hiếm gặp này gây ảnh hưởng lên toàn bộ phần đại tràng.
Bệnh Crohn có thể gây ra những tác động khác nhau lên mỗi người nhưng hồi tràng và đại tràng là hai bộ phận thường hay bị ảnh hưởng nhất.
Bạn nên phân biệt rõ giữa bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS). Đặc trưng của hội chứng ruột kích thích là thành ruột bị co bất thường trong khi viêm ruột gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm ruột
Các triệu chứng bệnh rất đa dạng, thường thấy là tiêu chảy liên tục hoặc gián đoạn, đôi khi có máu, kèm theo cảm giác đau quặn bụng.
Một vài dấu hiệu và triệu chứng khác thường thấy khi bị viêm ruột là:
- Co thắt và đau ở vùng bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Mất cảm giác ngon miệng
- Chảy máu hoặc tiết ra dịch nhầy từ trực tràng,
- Sốt
- Tiêu chảy
- Có máu trong phân
- Sụt cân bất ngờ
- Kiệt sức
- Chán ăn.
Theo thời gian, những vết viêm ở thành ruột sẽ biến thành các vết loét. Sau đó, thành ruột sẽ mất khả năng xử lý thức ăn, loại chất thải và hấp thụ nước, dẫn đến tiêu chảy. Những vết trầy nhỏ hình thành trong ruột có thể gây đau bụng và đi ngoài ra máu.
Ngoài ra, các bộ phận khác trên cơ thể như mắt, da và các khớp xương đều có thể bị ảnh hưởng. Những người bị viêm ruột có thể bị viêm mắt, viêm khớp và mắc các căn bệnh rối loạn về da.
Có những thời điểm mà các triệu chứng bộc phát và có những lúc các triệu chứng này lại bất hoạt. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 35% những người mắc Crohn sẽ bị tái phát một hoặc hai lần trong khoảng 5 năm tiếp theo dù các triệu chứng đã thuyên giảm. Những người bị viêm loét đại tràng có tỷ lệ bệnh thuyên giảm cao hơn và tỷ lệ tái phát trong vòng một năm ở những trường hợp đang có tín hiệu thuyên giảm bệnh là 30%.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Người bệnh viêm ruột không phải lúc nào cũng cần điều trị. Những trường hợp nhẹ và viêm do nhiễm virus hầu hết có thể tự khỏi trong vòng một vài ngày.
Tuy nhiên, bạn nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy:
- Các triệu chứng kéo dài hơn 2 ngày mà không thuyên giảm
- Tiêu chảy trong 3–4 ngày
- Sốt cao hơn 38ºC
- Có máu trong phân
- Có dấu hiệu mất nước như khô miệng, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, da nhăn nheo
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán rõ ràng.
Nguyên nhân gây viêm ruột là gì?
Tình trạng này thường xảy ra do ăn hoặc uống những thực phẩm có nhiễm vi khuẩn hay virus. Các vi sinh vật này xâm nhập vào ruột non và gây sưng, viêm.
Một số nguyên nhân khác có khả năng gây ra viêm ở ruột bao gồm:
- Bất thường trong hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch tấn công thành ruột thay vì vi khuẩn và virus
- Rối loạn tự miễn, chẳng hạn như bệnh Crohn
- Tổn thương do bức xạ (khi thực hiện xạ trị)
- Bệnh Celiac
- Sprue nhiệt đới (tiêu chảy kéo dài)
- Bệnh Whipple
- Di truyền: Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu trong gia đình từng có người bị viêm ruột
- Chế độ ăn uống: Tiêu thụ quá nhiều protein trong thịt và cá có thể làm nhiễm độc tế bào và gây ra các vết loét
- Độ tuổi: Những người từ 35 tuổi trở xuống thường hay bị viêm ruột. Tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh
- Giới tính: Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị viêm ruột. Tuy vậy, tình trạng viêm loét đại tràng xảy ra nhiều hơn ở nam giới trong khi nữ giới có nguy cơ bị bệnh Crohn cao hơn
- Hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh Crohn và khiến các triệu chứng trầm trọng thêm. Có một điều thú vị là những người hút thuốc lại ít có nguy cơ bị viêm loét đại tràng so với những người không hút thuốc hoặc đã từng hút
- Isotretinoin (Amnesteem®, Claravis®, Sotret®; formerly Accutane®): Dù vẫn chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa chứng viêm ruột và isotretinoin nhưng một vài nghiên cứu lại cho rằng loại thuốc trị mụn này chính là một tác nhân tiềm tàng gây viêm ruột
- Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil®, Motrin IB®), naproxen sodium (Aleve®, Anaprox®), diclofenac sodium (Voltaren®, Solaraze®) và các loại thuốc khác có thể làm gia tăng nguy cơ bị viêm ruột hay khiến bệnh trở nặng hơn.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải bệnh lý gồm:
- Vừa bị cúm dạ dày gần đây
- Vừa đi du lịch
- Tiếp xúc với nguồn nước mất vệ sinh
Làm sao để chẩn đoán bệnh viêm ruột?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe và hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải cũng như thời gian xuất hiện các triệu chứng đó. Họ cũng cần biết các thông tin quan trọng khác như bạn có đi du lịch trong khoảng thời gian gần đây không, các bệnh lý đang có hay loại thuốc đang sử dụng. Tất cả sẽ giúp đưa ra chẩn đoán ban đầu.
Xét nghiệm máu
- Tổng phân tích tế bào máu
- Đánh giá dinh dưỡng: Vitamin B12, sắt, lượng folate có trong hồng cầu và các chỉ số dinh dưỡng
- Tốc độ lắng máu và mức protein phản ứng C (CRP) có trong máu
- Hàm lượng calprotectin có trong phân
- Xét nghiệm huyết thanh: Cố định các khuếch tán quanh nhân của kháng thể kháng bào tương có trong bạch cầu đoạn trung tính (p-ANCA) và các kháng thể kháng saccharomyces cerevisiae
- Xét nghiệm phân: Cấy phân, xét nghiệm trứng và ký sinh, cấy tìm vi khuẩn gây bệnh và đánh giá tình trạng nhiễm clostridium difficle.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
- X-quang ngực và bụng thẳng
- Chụp đối quang kép
- Siêu âm bụng
- Chụp cắt lớp (chụp CT) hay chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) ổ bụng và vùng chậu
- Chụp cắt lớp vi tính phần ruột.
Phẫu thuật nội soi
- Nội soi đại tràng và sinh thiết mô/thương tổn
- Nội soi tràng sigma với ống soi mềm
- Nội sôi đường tiêu hóa trên
- Nội soi viên nang hay nội soi hai bóng.
Các cách điều trị viêm ruột hiệu quả
Những trường hợp bệnh nhẹ có thể không cần phải điều trị y khoa.
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng thuốc để điều trị viêm và ngăn ngừa các triệu chứng:
♦ Bước 1. Sử dụng các loại thuốc aminosalicylate để điều trị đợt bùng phát và ngăn ngừa tái phát. Những loại thuốc này mang lại hiệu quả cao hơn trong việc điều trị viêm loét đại tràng so với bệnh Crohn. Các loại thuốc aminosalicylate có dạng uống, dạng thụt và dạng nhét. Các dẫn xuất của axit 5- aminosalicylic như sulfasalazine, mesalamine, balsalazide, olsalazine cũng có thể được sử dụng để điều trị.
- Các loại thuốc kháng sinh (metronidazole, ciprofloxacin, rifaximin) và các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) như natalizumab được sử dụng vừa phải để điều trị tình trạng viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể có nhiều tác dụng phụ.
♦ Bước 2. Các loại thuốc corticosteroid được dùng để điều trị những lần phát bệnh cấp tính. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại cortiscosteroid dạng thuốc uống, thuốc bôi, thuốc nhét hậu môn và dạng tiêm tĩnh mạch, chẳng hạn như hydrocortisone, prednisone, methylprednisolone, prednisolone, budesonide và dexamethasone.
♦ Bước 3. Các loại thuốc điều hòa hệ miễn dịch là biện pháp hiệu quả để điều trị các chứng viêm ruột khó chữa mà không sử dụng steroid. Đây là phương án chính chữa trị các vết rò và giúp bệnh thuyên giảm ở những bệnh nhân không dung nạp hay cơ thể không phản hồi với các loại thuốc aminosalicylate. Một số loại thuốc điều hòa hệ miễn nhiễm bao gồm azathioprine, 6-mercaptopurine, methotrexate và cyclosporine.
♦ Bước 4. Các loại thuốc thử nghiệm lâm sàng có thể được sử dụng cho từng loại bệnh riêng biệt (chẳng hạn một chất hiệu quả với bệnh Crohn nhưng không hiệu quả với viêm loét đại tràng hay ngược lại).
Bạn có thể dùng các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng như tiêu chảy hay co thắt dạ dày:
- Các loại thuốc ức chế histamine (H2-receptor antagonist) như cimetidine, ranitidine, famotidine và nizatidine.
- Các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole, esomeprazole magnesium, rabeprazole sodium và pantoprazole.
- Những loại thuốc chống tiêu chảy như diphenoxylate, atropine, loperamide và cholestyramine.
- Những loại thuốc kháng acetylcholin chống co thắt như dicyclomine, hyoscyamine.
Đôi khi bạn sẽ cần dùng thuốc cầm tiêu chảy nhưng nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Một vài trường hợp người bệnh không nên dùng các thuốc này vì có thể làm cho mầm bệnh không được đào thải ra khỏi đường tiêu hóa.
Điều quan trọng là bạn nên bù nước và chất điện giải nếu thấy có dấu hiệu mất nước. Nếu bị tiêu chảy nghiêm trọng và cơ thể bị mất nước, người bệnh cần được chăm sóc y tế và truyền dịch qua tĩnh mạch, thường là ở trẻ nhỏ.
Nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc ức chế men chuyển và bị tiêu chảy, hãy tạm ngưng dùng các thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tự ý ngưng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Có những trường hợp sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Ở những người mắc bệnh Crohn, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng viêm.
Phẫu thuật
Bạn có thể tiến hành phẫu thuật để điều trị viêm loét đại tràng. Tuy vậy, phương pháp phẫu thuật vẫn có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh Crohn ở một số người.
Phẫu thuật cho những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng sẽ cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng. Bác sĩ sẽ gắn một túi nhỏ bằng da từ cuối phần ruột cho đến hậu môn để bệnh nhân có thể đi ngoài một cách bình thường. Phương pháp này được gọi là ghép nối hồi tràng hậu môn. Nếu phẫu thuật trên không thể thực hiện được, bác sĩ sẽ rạch một lỗ trên bụng và nối ống thông ra một túi nhỏ bên ngoài để chứa phân.
Phẫu thuật cho những bệnh nhân bị bệnh Crohn không đảm bảo rằng bệnh sẽ không tái phát lại. Phần lớn những người bệnh Crohn sẽ được phẫu thuật ít nhất một lần trong quá trình điều trị. Phẫu thuật sẽ loại bỏ phần ruột bị hư hại và nối những phần ruột khỏe mạnh.
Bệnh viêm ruột có gây ra biến chứng nguy hiểm không?
Mất nước là một biến chứng nguy hiểm cần phải phòng ngừa. Khi cơ thể bị mất nước có thể gây ra nhiều vấn đề ở thận và đường tiết niệu, cũng như các vấn đề ở tim. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người cao tuổi hay những người mắc bệnh mạn tính.
Do đó, khi nghi ngờ bị viêm ruột, bạn cần cố gắng uống nhiều nước, tránh để tình trạng mất nước xảy ra.
Phòng ngừa bệnh viêm ruột
Những thói quen và biện pháp sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa được tình trạng viêm do nhiễm vi khuẩn hay virus xảy ra ở ruột hay toàn bộ đường tiêu hóa:
- Luôn rửa tay với xà phòng và nước trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thực phẩm.
- Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay khô gốc cồn với độ cồn ít nhất là 60 độ.
- Tuân theo quy tắc “ăn chín, uống sôi”.
- Lưu trữ, bảo quản thức ăn ở nhiệt độ phù hợp. Không ăn thực phẩm đã ôi thiu.
- Tránh hút thuốc và uống rượu, bia quá mức.
- Cẩn trọng khi dùng một số thuốc như NSAIDs, aspirin, corticosteroid vì chúng có thể tác động đến đường tiêu hóa
>>>Bài viết liên quan:
- NẾU BẠN BỊ VIÊM RUỘT – NHỮNG THỰC PHẨM BẠN NÊN TRÁNH
- BỆNH VIÊM RUỘT Ở TRẺ: HIỂU RÕ ĐỂ GIÚP TRẺ PHÒNG NGỪA
- BỆNH VIÊM ĐƯỜNG RUỘT: NHỮNG BIẾN CHỨNG KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG