Lupus là tên gọi ngắn của bệnh lupus đỏ hệ thống. Từ lupus có nghĩa là con sói trong tiếng Latin. Lupus được gọi là bệnh “tự miễn dịch” vì hệ thống miễn dịch, thường bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, chuyển sang chống lại cơ thể, gây hại đến các cơ quan và các mô.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh lupus?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh này. Các tác nhân như bệnh sử gia đình và những thứ trong môi trường ví dụ như nhiễm trùng, nhiễm virus, các hóa chất độc hại hoặc các chất ô nhiễm (khói xe, khói nhà máy) có thể chỉ đóng vai trò trong việc gây ra bệnh. Lupus có thể ảnh hưởng đến mọi độ tuổi, mọi giới tính và mọi chủng tộc. Tuy nhiên, khoảng 90% người được chẩn đoán mắc bệnh lupus là phụ nữ.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus là gì?
Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì thế mỗi người có thể có các triệu chứng bị lupus khác nhau, bao gồm phát ban da, đau khớp, rụng tóc, phát ban nhiều hơn khi ra nắng, mệt mỏi, sụt cân, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau ngực và các triệu chứng liên quan tới thần kinh.
Lupus gây tổn hại cho thận như thế nào?
Bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến thận với nhiều mức độ nặng nhẹ. Bệnh có thể gây tổn thương cho các cầu thận. Các cầu thận có chức năng lọc sạch chất thải khỏi máu, khi các cầu thận này bị tổn thương, thận có thể hoạt động kém hoặc ngừng hẳn.
Bệnh thận có thể tiến triển âm thầm và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như nước tiểu sẫm màu, đau mạn sườn, huyết áp cao, tăng cân do giữ nước và sưng quanh mắt, sưng bàn tay và bàn chân của bạn.
Bác sĩ có thể giúp bạn bằng cách xét nghiệm máu và nước tiểu của bạn để tìm hiểu xem liệu bạn có bị bệnh thận không. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu cho huyết thanh creatinine để ước đoán độ lọc cầu thận (GFR), cho thấy thận có đang lọc chất thải ra khỏi máu hay không.
Nếu thận của bạn bị suy đến mức suy thận giai đoạn cuối, bạn có thể được điều trị bằng cách lọc máu hoặc ghép thận. Bệnh nhân bị lupus cũng có thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp này như các bệnh nhân bị thận khác.
Các bệnh nhân bị lupus thận có thể được ghép thận và dùng các loại thuốc ngăn đào thải thận mới giống các bệnh nhân bị bệnh thận thông thường. Lupus không thường tái phát ở bệnh nhân đã được ghép thận.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh lupus cho bạn như thế nào?
Khi đi khám, bác sĩ sẽ giúp bạn chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng, xem xét tiền sử bệnh án của bạn và làm các xét nghiệm đặc biệt như xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng nhân tế bào (ANA) và kháng thể kháng chuỗi xoắn kép DNA (Anti dsDNA).
Làm thế nào để điều trị lupus?
Lupus được điều trị bằng các thuốc ức chế hệ miễn dịch, bao gồm corticoid, azathioprine, cyclophosphamide hoặc cyclosporine. Một loại thuốc khác mới hơn có thể giúp điều trị bệnh này là belimumab, một kháng thể đơn dòng. Các thuốc kháng sốt rét như hydroxychloroquine và chloroquine cũng có thể được sử dụng để giúp kiểm soát bệnh lupus.
Mỗi thuốc này đều có thể có tác dụng phụ của riêng nó. May mắn thay, những tác dụng phụ này hầu hết đều có thể kiểm soát được. Bạn có thể thảo luận thêm về việc này với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Người bệnh có cần phải tuân theo một chế độ ăn đặc biệt nào không?
Đôi khi, tất cả bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, kiêng cữ một chút khi bệnh đang tiến triển. Vì thế bạn cần phải thảo luận với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để lập ra cho mình một chế độ phù hợp nhất.
Nếu bệnh thận tiến triển, bạn cần phải ăn ít protein và natri (muối). Nếu bạn bị cao huyết áp, bạn nên đảm bảo uống thuốc theo đúng toa để kiểm soát huyết áp. Nếu bạn đang thừa cân, bạn nên giảm cân để kiểm soát huyết áp.
Bạn có thể làm gì để cải thiện tình trạng bệnh lupus?
Bạn nên tìm hiểu thêm về căn bệnh này và các yếu tố gây ra nó để có cách phòng ngừa. Một trong những yếu tố này là ánh mặt trời. Bạn nên tránh các hoạt động ngoài trời trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF cao, đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay. Đồng thời bạn cũng nên làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đầy đủ đúng giờ.
Mệt mỏi cũng có thể khiến bệnh bùng phát. Bạn nên có kế hoạch hoạt động thể chất và có thời gian nghỉ ngơi. Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn cải thiện được đáng kể.
Bệnh nhân khi mắc phải bệnh mạn tính này cũng cần có sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình. Khi mắc bệnh, bệnh nhân lupus có thể không có hoặc ít có khả năng làm việc nhà hoặc công việc. Người nhà nên thay phiên nhau giúp đỡ bệnh nhân, cùng với bệnh nhân học cách sống cùng căn bệnh này.