CÁC NHÓM THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG VÀ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

Thuốc chống dị ứng bao gồm nhiều nhóm thuốc có khả năng kiểm soát và giảm bớt triệu chứng dị ứng. Ngoài ra, một số thuốc còn hoạt động theo cơ chế ngăn ngừa giải phóng các hóa chất gây ra phản ứng dị ứng. Để xác định đâu là thuốc dị ứng tốt nhất dành cho bạn và dùng với liều lượng bao nhiêu để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Dị ứng là kết quả từ phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch sẽ bảo vệ cơ thể trước những tác nhân ngoại lai gây hại như virus, vi khuẩn. Thế nhưng, một số người lại có hệ miễn dịch phản ứng “thái quá” với những tác nhân vô hại và tấn công nó như những tác nhân gây bệnh dẫn đến tình trạng dị ứng.

Tác nhân khiến cho hệ miễn dịch phản ứng quá mức như vậy được gọi là chất gây dị ứng. Mỗi người sẽ bị dị ứng với một hoặc nhiều dị nguyên khác nhau, thường thấy là:

  • Bụi bặm
  • Phấn hoa
  • Lông thú cưng (lông chó, mèo…)
  • Thực phẩm (như trứng, sữa, các loại hạt…)
  • Ong đốt/ côn trùng cắn
  • Thuốc
  • Cao su

Các triệu chứng dị ứng có thể chỉ khiến bạn khó chịu hoặc thậm chí gây đe dọa đến tính mạng trong một số trường hợp nghiêm trọng. Do đó, thuốc chống dị ứng rất cần thiết trong việc ngăn chặn phản ứng dị ứng nguy hiểm.

Một số nhóm thuốc chống dị ứng phổ biến

Bạn có thể giảm bớt triệu chứng dị ứng bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng nhìn chung thì sử dụng thuốc vẫn là cách thường gặp và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Thuốc chống dị ứng có ở nhiều dạng khác nhau cho bạn lựa chọn như thuốc viên, dung dịch uống, thuốc hít, xịt mũi, nhỏ mắt, kem bôi ngoài da hay cả dạng tiêm chích.

Với trường hợp dị ứng nhẹ, bạn có thể sử dụng những loại thuốc trị dị ứng không kê đơn tự mua ở nhà thuốc dưới sự tư vấn của dược sĩ. Trường hợp dị ứng nặng hoặc không rõ dị ứng do đâu, bạn nên đến gặp bác sĩ và sẽ được chỉ định các thuốc kê đơn.

Thuốc kháng histamin

Nhóm thuốc này giúp điều trị dị ứng bằng cách ngăn chặn tác động của histamin, thường dùng khi bị viêm mũi dị ứng hay các dị ứng khác. Histamin là một hóa chất được phóng thích bởi hệ miễn dịch trong suốt quá trình xảy ra phản ứng dị ứng, gây ra triệu chứng dị ứng bên ngoài cơ thể như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt…

Các thuốc kháng histamin có ở rất nhiều dạng dùng, bao gồm thuốc không kê đơn và kê đơn. Đối với các thuốc chứa hoạt chất kháng histamin thế hệ 1 (như diphenhydramine, chlorpheniramine), ngoài giúp giảm nhẹ triệu ứng dị ứng thì chúng còn gây buồn ngủ. Do đó, những người cần lái xe, vận hành máy móc hay cần tỉnh táo nên tránh sử dụng các thuốc này. Một số tác dụng phụ phổ biến khác của các thuốc kháng histamin thế hệ 1 gồm:

  • Khô miệng
  • Chóng mặt
  • Táo bón
  • Mờ mắt
  • Bí tiểu

Sau này, thuốc kháng histamin thế hệ 2 đã khắc phục được tác dụng gây buồn ngủ và ít gây ra tác dụng phụ hơn, ngoại trừ cetirizine. Các hoạt chất trong thuốc thế hệ 2 này gồm desloratadine, fexofenadin, levocetirizine, loratadine. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng các thuốc này là:

  • Đau đầu
  • Khô mũi
  • Khô miệng
  • Buồn nôn và khó chịu

Thuốc thông mũi

Nhóm thuốc này giúp làm thông thoáng mũi, giảm tắc nghẽn xoang nhanh chóng, tạm thời. Thuốc gây co mạch máu trong mũi và mở rộng đường thở ở mũi. Tuy nhiên, thuốc thông mũi không được khuyến cáo dùng cho người tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch, glôcôm, cường giáp và phụ nữ có thai.

Thuốc thông mũi chống dị ứng có cả những thuốc không kê đơn như oxymetazoline, phenylephrine và thuốc kê đơn, chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ như pseudoephedrine. Thuốc cũng có nhiều dạng khác nhau như viên uống, dung dịch uống, dạng xịt hay nhỏ mũi. Một số thuốc chống dị ứng còn phối hợp cả chất kháng histamin cùng thuốc thông mũi.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng nhóm thuốc này là:

  • Lo lắng, bồn chồn
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Khô miệng
  • Khô hoặc chảy nước mũi
  • Hắt xì, kích ứng mũi
  • Khó ngủ

Thuốc xịt mũi corticosteroid

Đây là nhóm thuốc kê đơn được dùng để giảm nhẹ triệu chứng bằng cách giảm bớt viêm xảy ra khi tiếp xúc với các dị nguyên. Một số thuốc thuộc nhóm này là budesonide, fluticasone, mometasone, tricamcinolone.

Các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi dùng như:

  • Miệng có vị khó chịu
  • Hôi miệng
  • Kích ứng mũi
  • Chảy máu mũi

Ngoài ra, thuốc corticosteroid còn có những dạng khác phù hợp cho các trường hợp dị ứng khác nhau, như:

  • Corticosteroid dạng ống hít thường dùng hàng ngày trong điều trị hen suyễn hay dị ứng với các tác nhân trong không khí.
  • Thuốc nhỏ mắt corticosteroid giúp giảm bớt triệu chứng ngứa mắt, đỏ mắt hay chảy nước mắt khi các biện pháp khác không hiệu quả.
  • Corticosteroid dùng đường uống thường được chỉ định điều trị các triệu chứng nghiêm trọng của các loại dị ứng khác nhau. Tuy nhiên, dạng dùng này thường gây ra nhiều tác dụng phụ.
  • Kem bôi ngoài da chứa corticosteroid làm giảm bớt các phản ứng dị ứng trên da như ngứa, mẩn đỏ hay bong da, tạo vảy.

Thuốc chống dị ứng ổn định tế bào mast

Các thuốc này sẽ ngăn chặn tế bào mast (tế bào sản xuất và dự trữ histamin) phóng thích ra các hóa chất tham gia phản ứng dị ứng vào trong hệ miễn dịch. Thuốc ổn định tế bào mast dùng để điều trị triệu chứng viêm nhẹ đến trung bình ở những người bị dị ứng.

Thuốc có ở nhiều dạng dùng như thuốc nhỏ mắt cho bệnh viêm kết mạc dị ứng, thuốc xịt mũi cho các triệu chứng dị ứng ở mũi. Nhóm thuốc này nhìn chung tương đối an toàn nhưng cần sử dụng trong nhiều ngày để phát huy tối đa tác dụng.

Một số hoạt chất thuộc nhóm này gồm:

  • Cromolyn
  • Lodoxamide-tromethamine
  • Nedrocromil
  • Pemirolast

Thuốc kháng leukotriene

Thuốc kháng leukotriene có tác dụng ngăn chặn tác động của một hóa chất cũng gây ra triệu chứng dị ứng tên là leukotriene. Thuốc này làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi và hắt hơi. Thuốc duy nhất được chấp thuận để điều trị viêm mũi dị ứng là montelukast.

Một số người khi dùng thuốc chống dị ứng này có thể gặp phải tác dụng phụ về mặt tâm lý như lo lắng, trầm cảm, khó ngủ, có suy nghĩ và hành vi muốn tự tử.

Tiêm epinephrine

Tiêm thuốc epinephrine (hay adrenalin) là lựa chọn trong điều trị trường hợp dị ứng nghiêm trọng gây đe dọa đến tính mạng – sốc phản vệ. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc khi muốn đảo ngược các triệu chứng có khả năng gây tử vong như khó thở, sưng họng, mạch yếu và nổi mề đay, phát ban.

Các phương pháp thay thế điều trị dị ứng

Bên cạnh việc sử dụng thuốc chống dị ứng, bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị thay thế tại nhà để giảm bớt triệu chứng khó chịu.

Rửa mũi là một lựa chọn đơn giản, dễ thực hiện để rửa sạch các chất gây dị ứng và chất nhầy ra khỏi mũi, giúp việc hít thở dễ dàng hơn. Bạn hãy xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi ra khỏi mũi. Nước muối sinh lý cũng ít gây kích ứng hơn các thuốc xịt mũi khác.

Ăn uống lành mạnh cũng mang lại nhiều lợi ích, có thể giúp giảm viêm liên quan đến dị ứng. Những người bị dị ứng thực phẩm sẽ cần ghi lại nhật ký ăn uống và tránh các đồ ăn/ uống có thể gây dị ứng và cân bằng chế độ ăn bằng các thực phẩm thay thế.

Một số thực phẩm có khả năng kháng viêm bạn nên cân nhắc bổ sung gồm:

  • Quả bơ
  • Bông cải xanh
  • Cải xoăn
  • Dưa hấu
  • Gừng
  • Rau kinh giới
  • Nghệ

Bạn có thể chườm mát lên vùng xoang/ mắt để giảm sưng đau.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu thêm về các nhóm thuốc chống dị ứng thường dùng. Đồng thời, bạn cũng nên tìm ra cách để hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *