NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH THIẾU MÁU CƠ TIM VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Điều trị thiếu máu cơ tim là một quá trình dài, nên bệnh nhân cần kiên nhẫn và tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ.

Thiếu máu cơ tim còn có tên gọi khác là bệnh mạch vành. Bệnh xảy ra khi các mạch máu chính bị tổn thương và gián đoạn quá trình cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim hoạt động. Khi đó, lượng cholesterol xấu trong động mạch trở thành mảng bám gây viêm hoặc suy yếu chức năng động mạch.

Khi có mảng bám tích tụ, động mạch bị thu hẹp làm giảm lượng máu bơm đến tim. Điều này có thể gây ra các cơn đau ngực, khó thở hoặc nặng hơn là cơn đau tim nghiêm trọng.

Bệnh thiếu máu cơ tim có diễn biến từ từ nên hầu hết bệnh nhân không nhận ra dấu hiệu bệnh trong giai đoạn đầu. Đến khi bệnh gây ra nhiều cơn đau ngực hoặc đau tim thì bệnh nhân đã tiến đến giai đoạn nặng. Điều đáng mừng là bạn hoàn toàn có thể điều trị bệnh thiếu máu cơ tim bằng nhiều cách. Trong đó, duy trì lối sống lành mạnh là cách ngăn ngừa và điều trị hữu hiệu nhất.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim

Khi thành bên trong động mạch bị tổn thương, các mảng bám từ cholesterol xấu và chất thải của tế bào khác có xu hướng tích tụ tại vị trí tổn thương tạo nên hiện tượng xơ vữa động mạch. Nếu các mảng bám bị vỡ ra, tế bào máu (tiểu cầu) sẽ tự động đóng cục tại vị trí đó để cố gắng hỗ trợ động mạch duy trì chức năng của mình. Tuy nhiên, những khối cục này cũng có khả năng ngăn chặn máu chảy trong động mạch và gây ra cơn đau tim.

Bệnh thiếu máu cơ tim cũng xuất hiện khi động mạch vành bị tổn thương. Nó có thể khởi phát bẩm sinh hoặc do các nguyên nhân như:

  • Hút thuốc lá
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin
  • Lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động.
  • Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

Tuổi tác

Theo quy luật lão hóa tự nhiên, tuổi càng cao thì càng có nguy cơ bị tổn thương và hẹp động mạch.

Di truyền

Nếu bạn có ông bà, cha mẹ mắc các bệnh lý về tim mạch khi còn nhỏ thì có thể bạn cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Hút thuốc

Người trực tiếp hút thuốc hoặc sống trong vùng có nhiều khói thuốc lá cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về tim, đặc biệt là bệnh thiếu máu cơ tim.

Huyết áp cao

Người mắc bệnh huyết áp cao không được kiểm soát có thể khiến thành động mạch cứng và dày lên. Từ đó, động mạch cũng bị thu hẹp làm cản trở dòng màu chảy đến tim.

Nồng độ cholesterol trong máu cao, tiểu đường và béo phì

Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gián tiếp gây ra chứng thiếu máu cơ tim.

Không vận động và ăn uống không lành mạnh

Khi bạn không tập thể dục, các tế bào tim mất đi cơ hội đàn hồi, co bóp. Điều này làm gia tăng khả năng tích tụ mảng bám gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống mất cân bằng, ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa và muối khiến tim bị thiếu hụt dưỡng chất để hoạt động nhịp nhàng. Lâu dần, tim không lấy được đủ lượng máu cần thiết gây ra bệnh thiếu máu cơ tim.

Triệu chứng bệnh thiếu máu cơ tim

Khi động mạch vành bị thu hẹp, chúng không thể cung cấp đủ máu và oxy cho tim hoạt động, đặc biệt là trong những lúc tim đập mạnh do bạn lao động quá sức hoặc chơi thể thao. Lúc đầu, lưu lượng máu bị thiếu hụt có thể không gây ra triệu chứng nào đáng chú ý nhưng lâu dần, bạn có thể phát hiện các bất thường ở hệ tim mạch. Những dấu hiệu này bao gồm:

Đau ngực (đau thắt ngực)

Bạn có thể cảm thấy vùng ngực của mình đang bị một vật nặng đè lên hoặc thắt chặt bên trong gây ra cơn đau. Cơn đau này được coi là đau thắt ngực. Nó thường xảy ra ở khu vực giữa hoặc bên trái ngực, xuất hiện khi bạn bị mệt mỏi thể chất và căng thẳng cảm xúc.

Cơn đau thắt ngực thường biến mất trong vài phút hoặc khi các hoạt động căng thẳng ngưng lại. Ở một số người, đặc biệt là phụ nữ, cơn đau thắt ngực có thể thoáng qua hoặc khiến bệnh nhân đau dai dẳng ở cổ, cánh tay và lưng.

Khó thở

Nếu tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, bạn có thể bị khó thở hoặc mệt mỏi cực độ khi gắng sức làm một việc gì đó.

Đau tim

Động mạch vành bị chặn hoàn toàn sẽ gây ra cơn đau tim. Dấu hiệu cơn đau tim dễ nhận thấy nhất là cảm thấy áp lực lớn ở ngực và đau ở vai. Đôi khi người bệnh thấy khó thở và đổ mồ hôi dù không vận động hoặc làm việc nặng.

Cơn đau tim ở phụ nữ thường khó nhận biết hơn ở nam giới vì đôi khi nó khiến người bệnh nhầm lẫn với đau cổ và đau quai hàm.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải một trong các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim, bạn hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người thân, hàng xóm đưa đến bệnh viện gần nhất. Để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự lái xe khi các triệu chứng này chưa được xử lý.

Tại bệnh viện, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim như cao huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch thì hãy thông báo cho bác sĩ. Những thông tin này sẽ giúp ích cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh và xác định nguyên nhân của triệu chứng bạn đang gặp phải.

Điều trị thiếu máu cơ tim

Dù là căn bệnh tương đối nguy hiểm và cần thời gian chữa bệnh lâu dài nhưng bạn hoàn toàn có thể điều trị thiếu máu cơ tim bằng 3 phương pháp phổ biến sau đây:

Thay đổi lối sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng

Như đã phân tích, lối sống và chế độ dinh dưỡng là 2 yếu tố quan trọng giúp bạn ngăn ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim hiệu quả. Không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi, xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực. Bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay bằng cách:

  • Không hút thuốc.
  • Kiểm soát các bệnh lý liên quan như cao huyết áp, mỡ trong máu cao, tiểu đường…
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm có lợi cho tim như dầu cá, rau củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm chứa nhiều vitamin E… Đồng thời, bạn phải hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và thức ăn có nhiều muối.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Không để bản thân lao động nặng nhọc, làm việc quá sức và rơi vào trạng thái căng thẳng.
  • Tập thể dục thường xuyên và đều đặn.

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng thuốc

Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim dùng những loại thuốc sau:

  • Aspirin
  • Nhóm nitrat
  • Nhóm chẹn beta
  • Ranexa
  • Nhóm ức chế men chuyển angiotensin

Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp. Bệnh nhân không được dùng đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh cho mình.

Điều trị thiếu máu cơ tim bằng phương pháp phẫu thuật

Với những trường hợp thiếu máu cơ tim không đạt hiệu quả khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng đến phương pháp phẫu thuật. Có 3 loại phẫu thuật điều trị thiếu máu cơ tim được bác sĩ cân nhắc bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch: Thủ thuật này áp dụng cho những bệnh nhân bị hở tim. Bác sĩ sẽ dùng một đoạn mạch từ bộ phận khác trong cơ thể để tạo ra một nhánh ghép cho máu lưu thông xung quanh khu vực bị tắc nghẽn.
  • Phẫu thuật cơ học: Đây là phương pháp điều trị mới dành cho những bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim mãn tính và có những triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đủ điều kiện tiến hành những phương pháp phẫu thuật khác.
  • Phẫu thuật để nong và đặt stent: Ở thủ thuật điều trị thiếu máu cơ tim này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông mỏng vào phần hẹp trong động mạch của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một sợi dây và quả bóng y khoa nhỏ luồn vào trong để mở rộng động mạch rồi đặt cuộn dây lưới (được gọi là stent) vào để giữ cho động mạch giãn mở ra

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *