ĐIỀU TRỊ VIÊM HỌNG NGAY TẠI NHÀ. 5 THỨC UỐNG GIÚP XUA TAN ĐAU HỌNG!

Đau họng uống gì? Một vài thức uống với các nguyên liệu dễ tìm, có sẵn trong gian bếp có thể giúp bạn “đánh bay” triệu chứng viêm họng, tăng sức đề kháng mà thậm chí không cần dùng đến thuốc.

Đau, ngứa cổ họng là một phần trong phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Đây là một triệu chứng rất thường gặp khi mắc các bệnh như cảm lạnh thông thường, cảm cúm, dị ứng, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, khói thuốc, do la hét hoặc nói to.

5 thức uống “đánh bay” viêm họng không cần dùng thuốc

Mách bạn 5 thức uống với các nguyên liệu dễ tìm, giúp “xua tan” nhanh cơn đau họng ít ai ngờ:

1. Uống nước chanh ấm với mật ong

Uống nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng, ho và sổ mũi. Nếu pha thêm vài giọt chanh sẽ giúp bổ sung một lượng nhỏ vitamin C cho cơ thể, giúp tăng sức đề kháng và thậm chí, có thể giúp bạn vượt qua cảm lạnh dễ dàng hơn.

Việc thêm mật ong vào nước chanh có thể giảm nhanh các triệu chứng đau họng và ho. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 cho thấy mật ong có thể giúp làm dịu nhanh tình trạng đau họng do đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn.

2. Đau họng uống gì? Thử ngay trà gừng

Trà gừng có thể làm dịu cơn đau họng rất hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng chiết xuất gừng tươi có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi virus hô hấp hợp bào, một loại virus có nguy cơ lây nhiễm cao thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Còn theo các tài liệu Đông y, gừng là gia vị mang vị cay, tính ấm có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm. Do đó, có thể giúp giảm nhanh cơn đau họng.

Bạn có thể dùng trà gừng với mật ong và chanh tươi hoặc với quế và cam thảo. Hãy uống khi trà gừng còn ấm, mỗi ngày khoảng 1 – 2 cốc để có hiệu quả tốt nhất.

3. Trà hoa cúc – “Vị cứu tinh” khi bị đau họng

Nếu không thích trà gừng, bạn có thể chọn trà hoa cúc để làm dịu cơn đau họng. Từ lâu, trà hoa cúc đã nổi tiếng với phương thuốc trị bệnh tự nhiên nhờ đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, giảm đau.

Không những vậy, trà hoa cúc còn có thể đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên, giúp giảm tình trạng khàn tiếng. Đặc biệt, thói quen uống trà hoa cúc 2 lần một ngày còn giúp thư giãn, ngủ ngon, tăng sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lặt vặt như cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh nhiễm trùng.

4. Uống trà bạc hà là cách giảm đau họng hiệu quả

Trà bạc hà có chứa rất nhiều hợp chất chống viêm, có thể làm giảm sưng. Do đó, thức uống này nổi tiếng với tác dụng làm giảm đau họng hiệu quả.

Ngoài ra, bạc hà còn có thể làm tê nhẹ cổ họng, giúp giảm đau tự nhiên. Uống một tách trà bạc hà nóng với hít hơi nước từ cốc trà bạc hà tỏa ra còn có thể giúp giảm nghẹt mũi.

5. Sinh tố – Câu trả lời cho câu hỏi “Bị đau họng nên uống gì?”

Khi cơ thể muốn bệnh, bạn có thể cảm thấy chán ăn. Điều này có thể khiến cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng và làm cho việc chống lại các tác nhân gây bệnh trở nên khó khăn hơn.

Đây là lý do tại sao uống một ly sinh tố chứa nhiều chất dinh dưỡng là một lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể lựa chọn các loại trái cây và rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch như:

  • Quả việt quất
  • Dâu tây
  • Xoài
  • Cải xoăn
  • Cải bó xôi (rau bina).

Ngoài những thức uống kể trên, bạn có thể dùng súp ấm hoặc nước hầm xương để làm dịu cơn đau và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Bạn nên tránh các loại nước trái cây họ cam quýt do chúng có chứa axit, có thể gây kích ứng niêm mạc cổ họng đang bị viêm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh uống rượu, bia, thức uống có cồn vì có thể gây cảm giác đau nhói và mất nước, không tốt khi bị đau họng.

Một số lưu ý khi trị đau họng tại nhà

Đi cùng với tình trạng đau họng thường còn có các triệu chứng như khó nuốt, sưng hạch, khàn giọng, amidan bị sưng, đỏ. Ở giai đoạn đầu khi triệu chứng mới khởi phát, bạn có thể giảm đau họng nhanh bằng các biện pháp điều trị tại nhà. Ngoài các thức uống kể trên, bạn có thể giảm nhanh đau họng bằng cách:

  • Uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày) để làm loãng chất nhầy và giữ ẩm cho cổ họng
  • Súc miệng bằng nước muối ấm 3 lần một ngày (hòa tan 1 thìa cà phê muối ăn trong 240 ml nước ấm, súc miệng trong vài giây)
  • Hạn chế tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nếu phải tiếp xúc hãy sử dụng khẩu trang, đồ dùng bảo hộ cần thiết.

Nếu đau họng kéo dài vài ngày và có đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, ho khan, đau nhức người…, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Bên cạnh đó, đau họng uống thuốc gì nhanh khỏi cũng là băn khoăn rất phổ biến. Câu trả lời là:

  • Để giảm đau và giảm viêm: Bạn có thể dùng ibuprofen (ví dụ Motrin, Advil), acetaminophen (ví dụ Tylenol) theo hướng dẫn trên bao bì
  • Nếu đau họng là do trào ngược dà dày: Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI)
  • Không tự ý dùng kháng sinh để điều trị đau họng: Nguyên do là kháng sinh chỉ có tác dụng với đau họng do vi khuẩn. Ngoài ra, việc dùng kháng sinh khi điều trị đau họng do vi khuẩn cũng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến là penicillin, amoxicillin và erythromycin.

Đi khám ngay nếu đau họng đi kèm với các triệu chứng như:

  • Khó nuốt khiến bạn không thể ăn uống hoặc đau rát dữ dội đến mức không thể nuốt nước bọt
  • Có các đốm trắng hoặc vàng trong cổ họng
  • Đau dai dẳng, dữ dội hoặc ngày càng tăng
  • Khó thở
  • Phát ban hoặc sốt
  • Dấu hiệu mất nước như khát, khô miệng, nước tiểu sẫm màu…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *