Trẻ từ 3-12 tháng tuổi có hệ miễn dịch còn rất là non yếu nên bé rất dễ mắc phải những bệnh lây nhiễm liên quan tới đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh,…
Bé bị cảm, ho phải làm thế nào để nhanh khỏi hay làm thế nào để bảo vệ con trước dịch bệnh là trăn trở của rất nhiều bậc cha mẹ. Nếu bạn cũng đang đau đầu vì vấn đề này, vậy hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Thuần mộc nhé.
Tại sao trẻ từ 3 đến 12 tháng lại dễ bị cảm?
Cảm lạnh là bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện nên không đủ sức để bảo vệ bé yêu khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Trong sáu tháng đầu, bé yêu sẽ được bảo vệ bằng các kháng thể của mẹ được truyền qua cơ thể bé trong quá trình mang thai và cho con bú. Nhưng sau sáu tháng, các kháng thể này sẽ dần suy yếu và bé sẽ rất dễ bị cảm cho đến khi hệ miễn dịch hoàn thiện và có thể tự sản sinh ra các kháng thể.
Virus, vi khuẩn gây cảm lạnh, cảm cúm có thể tấn công mọi em bé, tuy nhiên, bé yêu nhà bạn sẽ dễ trở thành “đích nhắm” nếu:
- Không được bú mẹ: Sữa mẹ giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong bốn tháng đầu sẽ ít bị cảm hơn so với những bé nuôi bằng sữa công thức.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá: Những bé thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn những bé khác.
- Cha mẹ có thói quen vệ sinh kém: Không rửa tay cẩn thận bằng nước rửa tay sạch khuẩn trước khi chăm hoặc chế biến thức ăn cho bé sẽ khiến vi khuẩn từ bàn tay người lớn dễ dàng xâm nhập cơ thể trẻ và gây bệnh.
- Tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hay cảm cúm: Việc tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh nhưng không đeo khẩu trang, không thực hành rửa tay đúng cách làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ từ 3 đến 12 tháng bị cảm?
Khi bé bị cảm, đừng bao giờ tự ý cho bé uống thuốc, thay vào đó, bạn nên thực hiện một số điều sau để giúp bé thoải mái và nhanh hồi phục nhất:
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi được xem là phương thuốc quan trọng giúp bé nhanh hồi phục khi bị cảm lạnh. Khi thấy mí mắt bé bắt đầu có vẻ muốn sụp xuống, bạn nên để bé nghỉ ngơi ngay lập tức bởi việc trì hoãn sẽ khiến bé càng khó ngủ và khó chịu. Khi cho bé ngủ, bạn nên để bé nằm ngửa, cho bé ngủ trong nôi hoặc cũi thay vì nằm trên giường bởi giường ngủ của người lớn có thể làm cho bé cảm thấy không thoải mái, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.
Giảm nghẹt mũi
Tình trạng nghẹt mũi không những làm cho bé khó chịu mà còn có thể cản trở hô hấp, khiến bé khó khăn trong việc ngủ và bú. Bạn có thể giúp bé khắc phục điều này bằng một số biện pháp đơn giản sau:
- Dùng bóng hút mũi hút chất nhầy từ mũi để bé hít thở dễ dàng hơn. Đầu tiên hãy nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để làm ẩm và lỏng các chất nhầy, để bé nằm trên gối cao, sau đó bóp bóng để đẩy tất cả không khí ra, đưa đầu hút vào trong mũi bé rồi từ từ nhả bóng. Lấy giấy lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên còn lại. Sau khi thao tác xong, giữ bé nằm yên khoảng 10 giây. Không hút mũi cho bé nhiều hơn 3 lần/ngày vì lực hút từ dụng cụ hút mũi sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm không khí. Bạn nên đặt máy ở trong phòng bé nhưng không đặt quá gần chỗ bé nằm vì điều này có thể khiến bé bị lạnh. Hãy thay nước và vệ sinh máy mỗi ngày để tránh nấm mốc tích tụ.
- Nâng cao phần đầu của nệm, giường, cũi lên một chút giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Bạn không nên đặt gối dưới đầu bé vì tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Bạn chỉ nên đặt một chiếc khăn bên dưới nệm để nâng đầu thêm một chút.
Làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho bé uống thuốc
Đa phần các bé bị cảm thường hiếm khi phải uống thuốc. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt, bạn có thể điều trị bằng thuốc hạ sốt phù hợp. Bạn có thể cho bé uống paracetamol, ibuprofen (nếu trẻ trên ba tháng tuổi) và tuyệt đối không nên sử dụng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm.
Nếu bác sĩ có kê đơn thuốc cho cho bé, ban hãy làm theo đúng hướng dẫn. Không bao giờ cho bé uống vượt quá liều lượng được chỉ định hoặc tự ý cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nếu bé bị nôn mửa hoặc mất nước, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, không cho trẻ uống siro ho trừ khi được bác sĩ kê toa bởi các loại siro này có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
Những lưu ý quan trọng cần nhớ khi chăm trẻ
Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Tránh xa khói thuốc: Trẻ sơ sinh bị cảm nếu hít phải khói thuốc sẽ càng cảm thấy khó chịu do các chất có trong khói thuốc khiến tình trạng nghẹt mũi và đau họng trở nên tồi tệ hơn.
- Không tự ý dùng thuốc: Đừng cho bé uống thuốc trừ khi bác sĩ cho phép bởi các loại thuốc điều trị cảm lạnh được bán trên thị trường đều quá mạnh đối với trẻ sơ sinh, thậm chí một số còn có thể chứa tới 25% cồn. Si-rô ho cũng được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh: Tránh dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy mật ong có hiệu quả trong điều trị cảm lạnh nhưng với trẻ dưới 12 tháng, mật ong có thể gây ngộ độc.
- Không cho trẻ uống kháng sinh: Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn trong khi cảm lạnh thông thường là do virus gây ra. Chính vì vậy, nếu dùng không đúng, trẻ không những không khỏi bệnh mà còn có thể phải chịu các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc.
Phòng ngừa cảm lạnh và viêm hô hấp cấp do coronavirus cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Cảm lạnh không thể được phòng ngừa bằng vắc-xin như các bệnh nhiễm trùng khác. Nguyên nhân là do “đội quân” virus gây bệnh cảm lạnh rất đông đảo. Trong khi đó, bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (2019-nCoV) mới xuất hiện nên cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo bởi có rất nhiều phương pháp khác có thể giúp bạn làm điều này:
- Cho bé bú mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ là điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa cảm lạnh trong năm đầu đời. Sữa mẹ sẽ truyền cho trẻ nhiều kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại virus gây cảm lạnh. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ cung cấp cho trẻ rất nhiều dưỡng chất mà những loại sữa khác không thể đem đến được.
- Rửa tay bằng nước rửa tay sạch khuẩn: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi cho bé ăn, là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa cảm lạnh và cúm cho bé và những thành viên khác trong gia đình. Trước khi chạm vào bé, hãy rửa tay cẩn thận bởi virus gây cảm lạnh có thể tồn tại trên bề mặt tay sau khi bạn ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm khuẩn.
- Diệt khuẩn đồ chơi của bé: Trẻ nhỏ thường thích cho tất cả mọi thứ vào miệng. Nếu không cẩn thận, vi khuẩn bám trên các đồ vật sẽ xâm nhập vào cơ thể bé. Hãy ngăn ngừa nguy cơ này bằng cách làm sạch những vật mà bạn biết bé thích đưa vào miệng.
- Tránh đưa trẻ đi đến những nơi đông người bởi đây là môi trường mà vi khuẩn, virus lây lan nhanh nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV hay 2019-nCoV) đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngoài ra, bạn không nên cho phép bất cứ ai có triệu chứng cảm lạnh hay cảm cúm hoặc người trở về từ các vùng có dịch viêm phổi cấp bế hoặc cho bé ăn hay tiếp xúc gần với bé. Trước khi cho bất cứ ai chạm vào bé, bạn đừng ngại ngần mà hãy yêu cầu họ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Che miệng khi ho và hắt hơi sẽ giúp hạn chế vi khuẩn, virus xâm nhập vào không khí. Nhắc nhở các thành viên trong gia đình duy trì thói quen này và đừng quên rửa tay thật sạch sau mỗi lần ho và hắt hơi nhé.