BỆNH CẢM LẠNH: TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

Cảm lạnh hay trông y học cổ truyền còn được gọi là cảm phong hàn, là một bệnh thường gặp trong mùa đông, gây ra các triệu chứng khó chịu cho cơ thể. Các bạn hãy cùng Thuần mộc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để có biện pháp phòng tránh và chữa trị kịp thời nhé.

1. Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh cảm lạnh?

Cảm lạnh là một trong những bệnh lý con người hay mắc phải với tần suất 4 – 8 lần/năm đối với trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi) và 2 – 4 lần/năm đối với người lớn. Bệnh cảm lạnh xuất hiện khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, bị các chủng virus tấn công.

Nguyên nhân sinh bệnh: Do làm việc không điều độ, lao lực hoặc lao tâm; do ăn uống nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong với khí lạnh bên ngoài xâm nhập kinh mạch và tạng phủ; do lo buồn thái quá, ăn uống kém, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể làm giảm sức chống đỡ của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.

Triệu chứng: Nhức đầu, đau mỏi cơ thể, ban đầu sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh dọc xương sống, chân tay lạnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng một ngày, người bệnh đột ngột sốt cao, rét run, thường kéo dài 3-5 ngày. Sau đó thân nhiệt hạ dần, người bệnh mệt mỏi, đau đầu dữ dội, đau các khớp, chân tay vô lực, da khô nóng, mắt đỏ, chói mắt, rát họng, có đờm, sổ mũi, đôi khi chảy máu cam, miệng đắng, chán ăn, buồn nôn…

Sau 5-7 ngày, các triệu chứng giảm dần. Tuy nhiên cần đề phòng các biến chứng của cảm lạnh như viêm phổi cấp dẫn đến khó thở… cần theo dõi và xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Bị cảm lạnh phải làm sao?

2.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt

  • Ăn uống đầy đủ: Nên tăng cường dùng nước, nước trái cây, súp và nước canh để giảm nghẹt mũi và ngăn ngừa mất nước. Các loại vitamin C và kẽm cũng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, chống lại cảm lạnh. Đồng thời, người dùng chú ý nên tránh uống rượu, cà phê và đồ uống có ga vì chúng có thể gây mất nước nhiều hơn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau khi bị cảm lạnh.
  • Làm dịu cổ họng: Súc miệng bằng nước muối ấm, ngậm kẹo trị viêm họng để giảm đau họng và ngăn chặn nguy cơ cảm lạnh trở nên nặng hơn.
  • Làm đổ mồ hôi: Cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi là tập thể dục khi bị cảm lạnh nhẹ để giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có một bệnh tiềm ẩn như bệnh tim, hen suyễn hay các bệnh nội khoa khác thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập các bài tập khi bị cảm lạnh.
  • Làm thông mũi: Việc xì mũi mạnh, thường xuyên có thể gây kích ứng bên trong, gây ảnh hưởng tới niêm mạc mũi và xoang mũi, dễ dẫn đến viêm xoang. Để làm thông mũi, tốt nhất bệnh nhân nên nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mũi để làm mềm chất nhầy, giúp mũi bớt nghẹt.
  • Duy trì độ ẩm trong phòng để tránh tình trạng không khí khô hanh khiến vi khuẩn gây cảm lạnh sinh sôi mạnh, tấn công cơ thể.

Ăn uống đầy đủ giúp phòng bệnh cảm lạnh

2.2. Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định

Các nhóm thuốc thường dùng cho người bị cảm lạnh gồm:

  • Thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi

Gồm các thuốc kích thích thần kinh giao cảm đường uống (pseudoephedrine, ephedrine, phenylephrine,…) và thuốc dùng qua mũi (oxymetazolin, xylometazoline, naphazolin,…). Khi sử dụng các thuốc này có thể gặp các nguy cơ như mất ngủ, đau đầu, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa,… hoặc nghẹt mũi mạn tính nếu dùng trong thời gian dài. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới 2 tuổi;

  • Thuốc kháng histamin

Giúp hạn chế tiết dịch đường hô hấp, giảm phù nề niêm mạc đường hô hấp, giảm nghẹt mũi và kích ứng. Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 (alimemazin, promethazine, clorpheniramin,…) giúp an thần, giảm chảy nước mũi, hắt hơi nhưng có thể gây tác dụng phụ gồm buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn tâm thần – vận động,… Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 (cetirizin, fexofenadin, desloratadin, loratadine,…) có thể ngăn hắt hơi, chảy nước mũi và chống ngạt mũi nhưng không có hiệu quả rõ ràng. Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc kháng histamin thế hệ 2 gồm khô miệng, đau đầu, buồn nôn, loạn nhịp tim, đánh trống ngực,…

Sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh

  • Thuốc corticosteroid dùng qua mũi

Gồm các thuốc budesonide, fluticason furoat/propionate,… có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh nhưng cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ như rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, phản ứng loạn thần,…

  • Thuốc giảm đau và hạ sốt

Thường dùng nhóm thuốc acetaminophen (paracetamol) và nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid (aspirin, ibuprofen, naproxen, diclofenac,…). Thuốc acetaminophen có tác dụng giảm đau, hạ sốt tốt, chỉ nên dùng khi đau đầu và sốt cao. Thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid có tác dụng giảm đau đầu. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng 2 nhóm thuốc này gồm: dị ứng da, phù, rối loạn tiêu hóa hoặc phản ứng phản vệ (rất hiếm gặp).

Thuốc hạ sốt Paracetamol

Lưu ý khi dùng thuốc

  • Đối với người lớn: Sử dụng thuốc nhỏ mũi và thuốc kháng histamin sử dụng tối đa 7 ngày khi có những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh. Sau đó, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh để cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt và các loại thuốc khác. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nặng và kéo dài. Người lớn không nên dùng thuốc giảm ho vì sẽ hạn chế ho khạc đờm, gây ứ đọng đờm kéo dài, làm nặng thêm tình trạng bội nhiễm.
  • Đối với trẻ nhỏ: Sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Không nên sử dụng thuốc thông mũi và thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ dưới 6 tuổi, cân nhắc khi sử dụng cho trẻ 6 – 12 tuổi, vì chúng có thể gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn tiêu hóa, thậm chí gây co giật, tăng nhịp tim và tử vong. Không nên sử dụng các thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ dưới 2 tuổi vì có thể gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

3. Mẹo đẩy lùi cảm lạnh từ thực phẩm quen thuộc

Một số loại thực phẩm có thể làm dịu các triệu chứng cảm lạnh, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phục hồi nhanh hơn. Đó là:

  • Nước nóng, chanh và mật ong: Pha 1 thìa mật ong và nước chanh vào ly nước ấm, uống 2 lần/ngày. Nước nóng làm dịu cổ họng bị kích thích, chanh giàu vitamin C giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và mật ong là chất kháng khuẩn tự nhiên có thể tiêu diệt virus gây bệnh. Sự kết hợp của 3 loại nguyên liệu này có thể hỗ trợ điều trị cảm lạnh hiệu quả;
  • Tỏi: Trộn hỗn hợp 2 nhánh tỏi với 1 cốc nước ấm, uống mỗi ngày cho tới khi giảm các triệu chứng khó chịu. Tỏi có chứa vitamin C, selen và các khoáng chất khác, có khả năng phòng ngừa và điều trị cảm lạnh. Đồng thời, tỏi còn hoạt động như một chất dung môi, giúp thông mũi và loại bỏ các chất nhầy hiệu quả;
  • Nước dừa: Có đầy đủ các chất điện giải, giúp bổ sung nước cho cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và cảm lạnh. Ngoài ra, nước dừa còn chứa axit caprylic và axit lauric có tính chống nấm, kháng khuẩn;
  • Nghệ: Trộn 1/4 muỗng cà phê bột nghệ với 1 ly sữa ấm, uống hằng ngày. Nghệ có chứa chất chống viêm, giúp làm giảm viêm xoang mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi và giảm chất nhầy dư thừa;
  • Gừng: Thêm 1 miếng gừng tươi vào nước nóng cùng 1 lát chanh và 2 muỗng mật ong, dùng uống hằng ngày. Đây là phương thuốc tuyệt vời giúp chữa ho, cảm lạnh nhờ khả năng ngăn ngừa ho, giảm nghẹt mũi và kháng virus tốt.

Sử dụng gừng trị cảm lạnh

Ngoài những biện pháp trên, mỗi người nên tự giác phòng ngừa cảm lạnh bằng cách mặc ấm khi ra đường, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng, luyện tập thể dục thể thao đầy đủ, tắm nước ấm,…

Chỉ cần áp dụng những cách trên, song song với đó bạn chú ý duy trì một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học sẽ giúp các triệu chứng cảm lạnh được đẩy lùi và giảm nguy cơ tái phát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *