Thời tiết chuyển mùa nóng lạnh thất thường, tỷ lệ người bệnh nhập viện vì các bệnh hô hấp lại tăng cao. Tại sao bệnh hô hấp lại bùng phát khi thời tiết chuyển mùa? Cần làm gì để phòng và kiểm soát bệnh hiệu quả?
Bệnh hô hấp bùng phát khi thời tiết chuyển mùa
Đường hô hấp được tính từ mũi ngoài đến tận các phế nang trong phổi; được phân chia thành hai phần là đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên gồm từ mũi đến vùng hầu họng, thanh quản. Đường hô hấp dưới gồm phế quản, phổi đến các phế nang.
Đường hô hấp là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nhiều nhất nên những yếu tố độc hại từ môi trường có thể xâm nhập và gây ra nhiều bệnh lý khác nhau.
Những bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển mùa gồm: Cảm cúm, viêm mũi xoang, viêm hầu họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính…. Ghi nhận trực tiếp tại các cơ sở y tế, tỷ lệ người bệnh đến khám chủ yếu là các nhóm bệnh như viêm phổi, hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng chủ yếu mắc bệnh.
Đi khám sớm khi có các triệu chứng hô hấp
Các bệnh viêm đường hô hấp thường có các triệu chứng chung là: Sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khạc đàm…Các bệnh hô hấp mạn tính như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính thường có các triệu chứng đặc trưng và dễ nhận biết.
Nếu xuất hiện các cơn thở rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm thì nên nghĩ đến bệnh hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn. Hen phế quản có biểu hiện triệu chứng đặc trưng như vậy là do phản ứng co thắt phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục khi được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao… Khác với hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục nên các đợt cấp của COPD thường nặng nề, nếu không được xử trí và cấp cứu đúng cách, người bệnh có thể tử vong.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới sáu tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, thường rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm chuyển mùa. Khi trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng và khó lường. Nếu không được phát hiện sớm bệnh có thể diễn biến nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cha mẹ nên theo dõi trẻ sát sao khi có những dấu hiệu khác thường, đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng và kịp thời. Trẻ cần tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa.
Với người cao tuổi, thay đổi thời tiết có thể làm tái phát các bệnh mạn tính của hệ hô hấp, các yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, nhất là các bệnh lý tuổi tác như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến dễ mắc bệnh hô hấp hoặc làm các bệnh hô hấp mạn tính tăng nặng. Bệnh hô hấp gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ, đặc biệt đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Điều đó cũng lý giải vì sao người cao tuổi thường đi khám muộn, khi bệnh đã nặng, điều trị thường khó khăn và dai dẳng.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng cần quan tâm đến vào thời điểm chuyển mùa vì sức đề kháng trong giai đoạn mang thai yếu hơn bình thường. Hơn nữa, khi mắc cảm cúm, phụ nữ mang thai thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với thai phụ, bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp. Những phụ nữ có bệnh hô hấp mạn tính cũng cần theo dõi và kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe trong giai đoạn mang thai, nếu mắc hen phế quản thì cần kiểm soát bệnh tốt trước khi mang thai.
Phòng bệnh hô hấp bùng phát khi giao mùa
Bệnh đường hô hấp thường do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, nấm, vi khuẩn, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa, thời tiết nóng/lạnh, mưa – nắng thất thường.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần chú ý các biện pháp sau:
– Hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm vi rút.
– Rửa tay thường xuyên, không đưa tay lên mắt mũi miệng.
– Khi đi ra đường phải đeo khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn tồn tại trong môi trường.
– Giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát. Vệ sinh chăn chiếu thường xuyên.
– Khi mưa lạnh cần giữ ấm cơ thể, uống nước ấm thường xuyên, uống đủ nước mỗi ngày.
– Khi có dấu hiệu bị viêm đường hô hấp thì chú ý các triệu chứng để sớm điều trị.
– Cho trẻ đi tiêm phòng cúm và phế cầu.
– Chủ động kiểm soát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính.