Tiêm chất làm đầy da mặt được biết đến là phương pháp làm trẻ hóa gương mặt, xóa nếp nhăn sâu, xóa quầng thâm mắt, tạo hình khuôn mặt V-line, nâng mũi và cải thiện sẹo lõm. Tuy vậy, các chất này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được tiêm đúng cách.
1. Chất làm đầy (filler)
Chất làm đầy (filler) là các chất tổng hợp hoặc tự nhiên được tiêm vào các đường, nếp gấp và mô của khuôn mặt để giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn, phục hồi sự đầy đặn của khuôn mặt đã giảm theo tuổi tác. Khi sử dụng các chất này làm đầy này sẽ giúp xóa các nếp nhăn sâu, làm căng mọng má và môi, tạo hình khuôn mặt, đồng thời cải thiện các vết sẹo mụn.
Hiệu quả của chất làm đầy da mặt có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào chất liệu tiêm và cơ địa của mỗi người.
Chất làm đầy da mặt có thể phù hợp với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn là một trong những trường hợp dưới đây thì không nên áp dụng:
- Đang bị viêm da như: Phát ban, mụn trứng cá, mề đay,…
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào của chất tiêm
- Rối loạn đông máu
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại
2. Tác dụng phụ của chất làm đầy da mặt
Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), các tác dụng phụ sau khi tiêm chất làm đầy da mặt thường xảy ra xung quanh vị trí tiêm. Nhưng các dấu hiệu này sẽ biến mất trong vòng 7 đến 14 ngày. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như:
- Đỏ da
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Ngứa da
- Phát ban
Một số tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn như:
- Nhiễm trùng
- Rò rỉ chất làm đầy qua vị trí tiêm
- Hình thành nốt sần xung quanh chỗ tiêm, có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ
- U hạt
- Tắc hoặc chèn ép mạch máu (dẫn đến hoại tử mô da, mù mắt)
3. Các loại chất làm đầy da mặt
Viện Da liễu Hoa Kỳ cho biết nhiều chất làm đầy da mặt mang lại kết quả tức thì. Một số chất khác sẽ cần thời gian điều trị từ vài lần trong vài tuần hoặc vài tháng để có được những hiệu quả tối ưu.
Các chất làm đầy thường được sử dụng bao gồm:
Axit hyaluronic (HA)
Chất giống như gel này được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể. Nó có tác dụng để “giúp da căng mọng”, tăng thêm thể tích cho những vùng má hóp và làm phẳng các nếp nhăn quanh mắt, môi và trán.
Theo báo cáo của Ủy ban Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ (ABCS), cơ thể sẽ tái hấp thu dần axit hyaluronic theo thời gian, do vậy kết quả thường chỉ kéo dài từ 6 đến 12 tháng.
Canxi hydroxylapatite (CaHA)
Chất làm đầy này sử dụng canxi (ở dạng các hạt siêu nhỏ) kết hợp với một loại gel sau đó được tiêm vào da. Theo ABCS, gel có độ đặc hơn HA nên phù hợp hơn với các nếp nhăn sâu. Hiệu quả của tiêm CaHA có thể kéo dài khoảng 1-2 năm.
Axit poly-L-lactic
Axit phân hủy sinh học này giúp kích thích sản sinh collagen từ da, thay vì “lấp đầy” các nếp nhăn. Điều này mang lại độ săn chắc cho da và giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn.
Polymethylmethacrylate (PMMA)
Chất làm đầy này bao gồm vi hạt và collagen làm đầy đặn làn da. Kết quả khi tiêm chất làm đầy da mặt này kéo dài 5 năm. Tuy vậy, chất làm đầy da có tác dụng lâu dài có tỷ lệ biến chứng cao hơn chẳng hạn như nhiễm trùng, nốt sần, tắc mạch.
Mỡ tự thân (cấy mỡ)
Kỹ thuật này lấy mỡ từ các bộ phận khác trên cơ thể như mông và đưa vào các vùng trên khuôn mặt để làm đầy.
Quy trình này yêu cầu phải thực hiện trong phòng mổ và cơ sở y tế được trang bị đầy đủ phương tiện. Trong hầu hết các trường hợp, cấy mỡ mang lại kết quả lâu dài hơn các chất đề cập ở trên.
4. Biện pháp phòng ngừa an toàn
Mặc dù tiêm chất làm đầy da mặt có thể khiến bạn gặp phải một số rủi ro không mong muốn nhưng nếu thực hiện đúng các bước sau đây, bạn sẽ hạn chế được những tác dụng phụ.
- Thực hiện tiêm chất làm đầy da mặt bởi các chuyên gia y tế có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm.
- Lựa chọn bệnh viện, thẩm mỹ viện có uy tín, an toàn. Tuyệt đối không tự ý tiêm chất làm đầy da mặt tại nhà.
- Tham khảo, xin tư vấn của các chuyên gia về một loại chất làm đầy phù hợp với bạn.
- Không tự ý mua các chất làm đầy da mặt trên mạng.
- Đảm bảo rằng chất làm đầy đang sử dụng được FDA chấp thuận cho mục đích đó.
- Nhận thức được đầy đủ những rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn.
- Đọc kỹ thông tin thành phần chất làm đầy và không tiêm nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của chất làm đầy (ví dụ: collagen).