SUY DINH DƯỠNG Ở TRẺ NHỎ – TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHẨN ĐOÁN BỆNH

Theo thống kê, 1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Nếu lo lắng về vấn đề này, bạn hãy trang bị cho mình cách khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.

Thiếu các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này có thể để lại hậu quả nặng nề như trẻ chậm phát triển thể chất, sức đề kháng yếu có thể dễ mắc bệnh, chậm phát triển trí não, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách chăm sóc con thì trẻ sẽ lấy lại được cân nặng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng, khoáng chất và calorie cần thiết làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng này còn giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ bé khỏi bệnh tật.

Suy dinh dưỡng cũng có thể xảy ra nếu trẻ hấp thụ quá nhiều calorie. Vì vậy, bạn nên cho trẻ ăn vừa đủ calorie mỗi ngày, ít quá hay nhiều quá đều dẫn đến suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, quá trình tăng trưởng và các chức năng khác của cơ thể.

Các loại suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Các loại suy dinh dưỡng phổ biến là:

1. Suy dinh dưỡng protein – năng lượng (PEM)

Các thể bệnh suy dinh dưỡng protein – năng lượng đều có liên quan đến khẩu phần ăn thiếu protein và thiếu năng lượng ở các mức độ khác nhau.

Có ba loại suy dinh dưỡng PEM: suy dinh dưỡng cấp tính, suy dinh dưỡng mãn tính và suy dinh dưỡng bao gồm 2 loại trên. Suy dưỡng cấp tính khiến cơ thể trẻ ngày càng gầy còm, sút cân, trong khi suy dinh dưỡng mãn tính sẽ khiến trẻ phát triển còi cọc. Nếu bị cả 2 loại, trẻ sẽ rất gầy và gặp nhiều vấn đề sức khỏe.

2. Thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất)

Thiếu các vi chất dinh dưỡng nhất định có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Các vi chất dinh dưỡng này gồm vitamin và khoáng chất. Bé cần những vi chất dinh dưỡng này để tăng trưởng và phát triển.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Một số nguyên nhân khác dẫn đến suy dinh dưỡng:

1. Chế độ ăn “nghèo nàn”

Nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng thông qua các loại thực phẩm, trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng. Điều này khiến bé gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Chứng khó nuốt cũng là một nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng vì khó nuốt sẽ khiến trẻ không có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

2. Các vấn đề về tinh thần

Trẻ có những căn bệnh về tinh thần rất dễ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân do tinh thần không tốt sẽ khiến trẻ ăn không ngon miệng. Trẻ biếng ăn cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

3. Rối loạn tiêu hóa và các vấn đề về dạ dày

Rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể bé không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Điều đó đã dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu bị bệnh Crohn (bệnh viêm ruột) hoặc viêm loét đại tràng thì bé cũng rất dễ bị suy dinh dưỡng.

Nếu trẻ bị bệnh Celiac (không dung nạp gluten) thì cơ thể trẻ sẽ không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ thực phẩm, dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu bị căng thẳng, nôn mửa hoặc tiêu chảy, trẻ sẽ mất rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.

4. Tiểu đường

Lượng đường trong máu tăng khiến cơ thể trẻ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng quan trọng. Tụy của trẻ bị tổn thương do lượng đường trong máu cao. Ngoài ra, nó cũng làm tổn thương hệ tiêu hóa, khiến cơ thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trưởng của cơ thể. Vì vậy, trẻ tiểu đường rất dễ bị suy dinh dưỡng.

5. Không cho bé bú mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh và không bị bệnh tật. Đôi khi, vì một vài lý do nào đó, mẹ không thể cho bé bú. Điều này sẽ khiến bé không khỏe và dễ bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển

Ở một số nước đang phát triển, tình trạng suy dinh dưỡng ngày một tăng nhanh. Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng này như:

1. Thiếu thực phẩm

Ở các nước đang phát triển, suy dinh dưỡng thường xảy ra do thiếu lương thực. Thiếu tài nguyên nông nghiệp, công nghệ, phân bón và những thứ quan trọng khác. Kết quả là các gia đình ngày càng trở nên khó khăn và trẻ nhỏ ngày càng bị suy dinh dưỡng.

2. Giá thực phẩm cao

Đa số những trẻ bị suy dinh dưỡng đều là những trẻ em nghèo. Ngay cả ở những nước phát triển, một số gia đình vẫn không có đủ tiền mua thức ăn do giá thực phẩm quá cao. Điều này khiến cho con cái họ bị suy dinh dưỡng. Các triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ:

  • Khó thở
  • Sụt cân đột ngột
  • Cáu gắt
  • Mệt mỏi quá mức
  • Trầm cảm
  • Giảm mô mỡ
  • Nhiệt độ cơ thể thấp bất thường
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Giảm cơ bắp
  • Dễ bị cảm lạnh
  • Khó lành vết thương hở
  • Khả năng hồi phục kém
  • Kém tập trung
  • Không hoạt bát

Nếu nghiêm trọng, bé có thể có một số triệu chứng sau:

  • Da khô, nhợt nhạt và lạnh
  • Tóc trở nên khô và dễ rụng
  • Giảm cân quá nhanh
  • Có các vòng đen dưới đáy mắt.

Ngoài ra, trẻ còn gặp các vấn đề về tim, hô hấp và gan.

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến trẻ nhỏ

Nếu bị suy dinh dưỡng nặng, bé có thể bị một số biến chứng sau:

1. Hệ miễn dịch

Suy dinh dưỡng làm hệ miễn dịch của trẻ yếu đi nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nếu bạn không chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, bé càng dễ bị nhiễm trùng hơn. Thiếu kẽm, sắt và vitamin gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và làm hệ miễn dịch của trẻ nhỏ yếu đi. Thậm chí, suy dinh dưỡng còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

2. Quá trình tăng trưởng

Thiếu dinh dưỡng và nhiễm trùng đường tiêu hóa thường xảy ra ở trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ. Một chế độ ăn nghèo nàn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Khi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Do đó, thiếu chất dinh dưỡng kết hợp với nhiễm trùng đường tiêu hóa sẽ làm chậm quá trình tăng trưởng.

3. Gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

Thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng có thể đưa đến một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ví dụ, thiếu sắt, kẽm và magiê khiến bé ngày càng biếng ăn. Lượng lipid thấp khiến cơ thể bị thiếu các vitamin tan trong chất béo như vitamin D và A. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị giác của trẻ. Ngoài ra, thiếu protein và kẽm còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, gây các vấn đề sức khỏe lâu dài.

4. Khả năng hoạt động của các cơ quan

Suy dinh dưỡng làm cho các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn. Các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất là gan, tim và thận.

5. Mắc một số bệnh nguy hiểm

Suy dinh dưỡng kéo dài có thể gây ra một số căn bệnh nghiêm trọng như viêm dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm phổi. Ngược lại, béo phì có thể gây ra các bệnh về tim, đột quỵ, tiểu đường, huyết áp cao và một số loại bệnh khác. Suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến:

  • Chậm phát triển trí não
  • Thiểu năng trí tuệ
  • Sưng phù
  • Khuyết tật học tập
  • Còi cọc
  • Không có khả năng giải quyết vấn đề
  • Ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội
  • Giảm IQ
  • Giảm khả năng chú ý
  • Cơ thể tăng trưởng chậm
  • Trí nhớ kém
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Gặp vấn đề về ngôn ngữ
  • Lâu lành vết thương
  • Ảnh hưởng đến thần kinh.

Chẩn đoán suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

Bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng và chiều cao của trẻ và so sánh với biểu đồ chuẩn theo độ tuổi. Bác sĩ thường áp dụng một số cách sau:

  • Đo chu vi vòng cánh tay, nếu con số này dưới 110mm, nhiều khả năng trẻ đã bị suy dinh dưỡng.
  • Xét nghiệm máu cũng giúp chẩn đoán tình trạng suy dinh dưỡng. Một số xét nghiệm máu cụ thể như xét nghiệm lượng đường trong máu, lượng protein trong máu hoặc albumin.
  • Nếu cần, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho bé thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán, ví dụ như xét nghiệm chức năng tuyến giáp, lượng canxi, kẽm và vitamin.

Suy dinh dưỡng là một vấn đề về sức khỏe khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ vượt qua trình trạng này bằng cách cung cấp cho trẻ một chế độ ăn hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *