Những triệu chứng liên quan đến các vấn đề hay bệnh đường hô hấp thường khá giống nhau nên khó để tự nhận biết. Trong đó, việc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản cũng không hề dễ dàng khi cả hai đều ảnh hưởng đến phổi cũng như có rất nhiều triệu chứng tương đồng. Tuy vậy, hai căn bệnh này hoàn toàn khác nhau và có cách điều trị riêng.
Bạn đang ho, sốt và có cảm giác tức ngực, khó thở hay thở khò khè cùng với tình trạng tăng tiết đờm, chất nhầy? Liệu đó có phải là dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi hay viêm phế quản không? Thực tế, cả hai bệnh lý này đều gây ra nhiều biểu hiện giống nhau ở người bệnh nên khó có thể phân biệt viêm phổi và viêm phế quản khác nhau như thế nào.
Viêm phế quản có phải là viêm phổi không? Mặc dù đều là bệnh ở đường hô hấp dưới, tuy nhiên, viêm phổi và viêm phế quản ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau theo như tên gọi của chúng:
- Viêm phổi xảy ra ở các túi khí (hay phế nang) – nơi oxy sẽ được vận chuyển vào trong máu. Tình trạng viêm ở đây khiến cho các phế nang chứa đầy dịch hoặc mủ.
- Viêm phế quản là bệnh ở lớp niêm mạc bên trong phế quản – con đường mang không khí đi vào và ra phổi. Bệnh có thể ở dạng cấp tính (thường do virus/ vi khuẩn gây ra) hay mãn tính (tình trạng viêm nhiễm kéo dài).
Đôi khi, viêm phế quản có thể diễn tiến nặng và chuyển thành viêm phổi. Hãy cùng so sánh sự giống và khác nhau giữa viêm phổi và viêm phế quản trong bài viết sau.
Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản theo triệu chứng bệnh
Nhìn chung cả hai căn bệnh viêm phế quản và viêm phổi đều gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng tương tự như nhau, chẳng hạn như: ho có đờm, sốt, mệt mỏi. Tuy vậy, vẫn có những biểu hiện khác giúp bạn phân biệt được mình đang mắc phải tình trạng nào. Vậy, triệu chứng viêm phế quản khác viêm phổi như thế nào?
Triệu chứng viêm phế quản
Tùy theo tình trạng cấp tính hay mạn tính mà người bệnh sẽ có những triệu chứng viêm phế quản hơi khác nhau. Viêm phế quản cấp gây ra các triệu chứng rất giống với nhiễm trùng đường hô hấp trên như:
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu nhẹ
Khi ho, bạn có thể nhìn thấy xuất hiện đờm màu vàng hoặc xanh lục. Các triệu chứng viêm phế quản cấp thường tự thuyên giảm sau vài ngày đến 1 tuần nhưng ho có thể kéo dài lâu hơn.
Khác với đó, viêm phế quản mạn tính gây ho dai dẳng hơn, kéo dài ít nhất 3 tháng. Người bệnh hay có những cơn ho theo từng đợt và ngày càng trầm trọng. Mỗi đợt ho xuất hiện và nặng hơn được gọi là đợt bùng phát. Tình trạng này còn là một phần của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên có thể có các triệu chứng khác:
- Thở nông, dễ bị hụt hơi
- Thở khò khè
- Mệt mỏi
- Khó chịu ở ngực, tức ngực
Triệu chứng viêm phổi
Viêm phổi cũng gây ra ho, đôi khi kèm theo đờm màu vàng hoặc xanh lục. Bên cạnh đó, bạn có thể phân biệt viêm phổi và viêm phế quản dựa trên những dấu hiệu và triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi
- Sốt, có thể sốt cao đến 40ºC
- Ớn lạnh, run người
- Đau ngực, nhất là khi hít thở sâu hoặc ho
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn, nôn mửa hay tiêu chảy
- Thở nông
- Lơ mơ, không tỉnh táo (hay thấy ở người cao tuổi)
- Môi tái nhợt, xanh xao do thiếu oxy
Các triệu chứng viêm phổi có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng tùy trường hợp. Khi bạn có các biểu hiện viêm đường hô hấp dưới kèm theo sốt cao, ớn lạnh thì khả năng là bị viêm phổi.
Triệu chứng viêm phổi thường nặng hơn nhiều so với viêm phế quản. Viêm phổi còn có khả năng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt ở người cao tuổi hay các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong một tuần hay kéo dài lâu hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để điều trị đúng cách
Bạn cũng cần phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để có phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị cho bất kỳ bệnh lý nào cũng đều cần dựa trên nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh.
Đối với viêm phế quản, việc điều trị với khả năng chữa khỏi bệnh chỉ dành cho trường hợp cấp tính. Viêm phế quản mạn tính là tình trạng chưa có cách chữa trị hoàn toàn mà chỉ tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế đợt bùng phát và ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh lúc này thường được kê đơn thuốc steroid hoặc các loại thuốc hít giúp giảm viêm và thông thoáng đường thở hơn.
Việc xác định nguyên nhân gây viêm phổi hay viêm phế quản là virus, vi khuẩn hay nấm sẽ do bác sĩ thực hiện. Từ đó, các thuốc điều trị được lựa chọn dựa trên tác nhân gây bệnh. Ví dụ, trường hợp viêm phổi và viêm phế quản cấp đều do nhiễm vi khuẩn thì người bệnh sẽ cần sử dụng thuốc kháng sinh. Thế nhưng, đa số trường hợp viêm phế quản cấp là do virus gây ra thì uống kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả, thay vào đó bác sĩ thường khuyến cáo nghỉ ngơi và uống nhiều nước chờ cơ thể tự phục hồi.
Những trường hợp nghiêm trọng như viêm phổi nặng, người bệnh có khả năng cần sử dụng máy thở hoặc liệu pháp oxy để đảm bảo sự sống.
Kiểm soát, cải thiện bệnh viêm phổi và viêm phế quản tại nhà
Bên cạnh việc phân biệt viêm phổi và viêm phế quản để biết cách điều trị phù hợp và theo đúng chỉ định, bạn cũng nên áp dụng thêm một số biện pháp tại nhà để quá trình chữa bệnh hiệu quả và nhanh chóng hơn, kể cả dù mắc bệnh viêm phổi hay viêm phế quản:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống nhiều nước để làm loãng đờm, nhầy trong nước
- Tránh các thức uống gây mất nước như rượu, bia, caffeine
- Sử dụng máy tạo độ ẩm hay xông hơi để giúp làm loãng dịch nhầy trong phổi
- Tránh tiếp xúc với những yếu tố gây kích ứng như khói thuốc, bụi, hóa chất…
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc trị ho nếu cơn ho khiến bạn mất ngủ
Hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn và biết cách phân biệt viêm phổi và viêm phế quản thông qua một số dấu hiệu, triệu chứng và cách điều trị. Dù nghi ngờ mình đang mắc phải tình trạng nào thì bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé!