Sử dụng lá lốt chữa đau nhức xương khớp là phương pháp điều trị theo dân gian quen thuộc và được rất nhiều người tin tưởng áp dụng.
Vậy, chữa đau nhức xương khớp bằng lá lốt có hiệu quả không, sử dụng loại dược liệu này như thế nào và cần lưu ý những gì để đảm bảo hiệu quả? Mời bạn cùng Thuần mộc tìm hiểu và khám phá trong bài viết này nhé!
Chữa đau nhức xương khớp bằng lá lốt có hiệu quả không?
Lá lốt (cây rau lốt, lá lốp) có tên khoa học là Piper lolot C. DC., là một loại cây thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Cây lá lốt mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi tại miền Bắc nước ta. Trong đời sống hàng ngày, lá lốt có thể được dùng làm rau gia vị hay làm thuốc.
Theo Đông Y, lá lốt có vị cay, tính ấm và có mùi thơm đặc trưng. Khi đi vào cơ thể, lá lốt có thể giúp trừ hàn, ôn ấm, cầm nôn và giảm đau khá hiệu quả. Lá lốt có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian của các vùng miền với công dụng chữa đau nhức xương khớp, thấp khớp, phong tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng, tiêu chảy). Toàn cây lá lốt đều có thể dùng để làm thuốc.
Theo y học hiện đại, phần lá và thân của cây rau lốt có chứa tinh dầu với những thành phần chủ yếu bao gồm beta-caryophylen và chất benzyl axetat. Đây đều là những thành phần có công dụng chống viêm và giảm đau vô cùng hiệu quả. Chúng được dùng để chữa bệnh ngoài da, thấp khớp, nhức đầu, tiêu chảy và đau răng.
Những bài thuốc từ lá lốt chữa đau nhức xương khớp phổ biến
Lá lốt có thể dùng uống bên trong hoặc xoa bóp bên ngoài để tăng hiệu quả làm giảm đau nhức. Sau đây là một số bài thuốc lưu truyền trong dân gian từ lá lốt chữa xương khớp mà bạn có thể tham khảo:
1. Sử dụng lá lốt ngâm chân
Bạn sử dụng 30g lá lốt tươi đem rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 – 5 phút. Sau đó, cho vào thêm ít muối, để ấm rồi dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân. Ngâm cho đến khi nước nguội. Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Bạn nên kiên trì ngâm chân trong khoảng 14 ngày, các dấu hiệu đau nhức sẽ giảm bớt. Bạn cũng nên sử dụng lá lốt già hoặc cả phần thân rễ của cây để đạt hiệu quả cao nhất. Khi sử dụng lá già, thân, rễ thì thời gian đun sẽ lâu hơn, cần 10 – 15 phút để lấy hết dược chất có trong thuốc.
2. Bài thuốc uống từ lá lốt chữa đau nhức xương khớp
Bạn dùng 5-10g lá lốt phơi khô hoặc 15-30g lá tươi sắc lần 1 với 2 bát nước, cho đến khi còn một bát. Làm tương tự với lần 2. Sau đó, chia nước sắc từ lá lốt thành 2-3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm và nên uống sau bữa ăn tối. Áp dụng trong 7-14 ngày bạn sẽ thấy các dấu hiệu đau nhức thuyên giảm đáng kể.
3. Lá lốt ngâm rượu
Bạn có thể sử dụng cả thân và rễ của cây lá lốt để ngâm với rượu trắng. Đem thân, rễ lá lốt rửa sạch rồi cắt nhỏ ngâm trong rượu trắng trong vòng 1 tháng là có thể dùng được. Sau đó, dùng để xoa bóp nhẹ nhàng ở khu vực xương khớp bị đau nhức 2-3 lần mỗi ngày, sẽ giảm nhanh triệu chứng đau..
Những lưu ý khi sử dụng lá lốt chữa đau nhức xương khớp
Lá lốt chữa trị chứng đau nhức xương khớp là mẹo dân gian khá đơn giản, tiết kiệm, dễ kiếm và có hiệu quả trong một vài trường hợp khi mức độ đau nhức từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, bạn cần phải áp dụng đúng cách và kiên trì trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được hiệu quả.
Lưu ý rằng bạn chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 100g. Vì nếu dùng nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải…
Bệnh nhân đang mắc bệnh táo bón, nhiệt miệng, nóng bức trong người thì không nên sử dụng lá lốt. Ngoài ra, lá lốt còn gây mất sữa nên đối tượng là phụ nữ cho con bú cần cân nhắc khi dùng.
Bên cạnh đó, khi muốn sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào thì chúng ta cũng nên cân nhắc đến liều lượng và cách dùng, khả năng tương tác với các phương pháp điều trị khác. Vì vậy, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định áp dụng bất kỳ bài thuốc nào.
Ngoài ra, các bài thuốc từ lá lốt dành cho người bị đau xương khớp đều là mẹo dân gian, chưa được chứng minh là có hiệu quả trong mọi trường hợp. Loại dược liệu này chỉ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng chứ không thực sự giải quyết được nguyên nhân gây bệnh đau nhức xương khớp.
Vì vậy, nếu áp dụng mà không thấy triệu chứng đau nhức xương khớp thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bệnh nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày thì bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp hơn.
Hi vọng những thông tin về việc sử dụng lá lốt chữa đau nhức xương khớp kể trên đã giúp bạn có thêm một mẹo nhỏ, giúp giảm cơn đau ngay tại nhà bên cạnh những phương pháp điều trị chính của bác sĩ.