BẠN BỊ RA MỒ HÔI NHIỀU BẤT THƯỜNG – NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Nếu thời tiết không nóng bức, bạn cũng không vận động nhiều nhưng luôn ra mồ hôi nhiều thì bạn cần đặc biệt chú ý. Lúc này, ra nhiều mô hôi có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe bất thường.

Tiết mồ hôi là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể với tác dụng chính là cân bằng nhiệt độ và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc thường xuyên đổ mồ hôi quá nhiều gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc. Tại sao bạn lại bị ra mồ hôi nhiều và chứng bệnh này nên được điều trị như thế nào?

Ra mồ hôi nhiều có tốt không?

Thực tế, nếu bạn đổ mồ hôi nhiều hơn người bình thường thì chắc chắn đó không thể là điều bình thường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng thông thường là do:

1. Hội chứng tăng tiết mồ hôi do rối loạn thần kinh thực vật

Đây là căn bệnh có tính di truyền, vị trí đổ mồ hôi thường nằm ở 2 tay, 2 chân, 2 bên nách, đầu, mặt… Đặc biệt, khi bạn càng căng thẳng thì càng ra nhiều mồ hôi.

2. Ra nhiều mồ hôi do nhiễm trùng

Mồ hôi ra nhiều là bệnh gì? Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng lao. Bệnh khiến mồ hôi ra nhiều vào khoảng chiều tối và nửa đêm đi kèm với sốt cao, ớn lạnh, ho dai dẳng kéo dài, sụt cân nhanh… Nếu thấy bản thân có các triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

3. Cường giáp

Ra mồ hôi nhiều cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn có thể bị cường giáp bởi các hormone tuyến giáp có thể kích thích hoạt động của các tuyến mồ hôi. Nếu bạn bị ra mồ hôi nhiều đi kèm với các triệu chứng như: mất ngủ, tim đập nhanh, sụt cân nhanh, hay hồi hộp, lo âu, mắt lồi thì bạn nên nhanh chóng đi khám. Việc khám và chẩn đoán sớm sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả hơn vì nếu để lâu, cường giáp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

4. Hạ đường huyết

Lượng đường trong máu thấp có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm tăng bài tiết hormone adrenaline, gây đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh… Nếu đường huyết hạ xuống quá thấp, bạn sẽ dễ bị chóng mặt, ngất xỉu. Nếu bạn hay bị hạ đường huyết, hãy nhớ luôn mang theo một ít kẹo bánh hoặc socola để khi thấy cơ thể rơi vào tình trạng khó chịu, hãy ăn ngay một ít đồ ngọt để khắc phục các triệu chứng này.

5. Ung thư

Tình trạng mồ hôi tăng tiết bất thường, đặc biệt là vào ban đêm, có thể là một triệu chứng sớm của bệnh ung thư. Các bệnh ung thư như u lympho, bệnh bạch cầu, u tế bào crom… thường gây đổ mồ hôi nhiều, đi kèm với sưng hạch, sốt cao, ớn lạnh, người mệt mỏi…

6. Rối loạn nội tiết

Tình trạng này xuất hiện ở cả nam và nữ. Việc thiếu hụt hormone testosterone và estrogen ở cả hai giới có thể khiến cơ thể truyền thông tin sai lệch cho não, khiến não cho rằng cơ thể đang bị nóng nên tăng tiết mồ hôi để giải nhiệt.

7. Ra mồ hôi nhiều do bệnh đái tháo đường

Ra nhiều mồ hôi là bệnh gì? Tình trạng này có thể là biến chứng thường gặp ở những người bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa đường huyết gây biến chứng lên hệ thần kinh, khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động sai cách, từ đó làm rối loạn hoạt động bài tiết của tuyến mồ hôi. Để khắc phục tình trạng này, người bị đái tháo đường cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì thói quen sinh hoạt khoa học.

Người ra nhiều mồ hôi nên điều trị thế nào?

Phương pháp điều trị dành cho người ra nhiều mồ hôi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Vì thế, việc quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân.

Có 4 phương pháp điều trị phổ biến cho người ra nhiều mồ hôi do rối loạn thần kinh thực vật là:

1. Dùng thuốc

Có 2 loại thuốc được dùng để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi đó là thuốc bôi ngoài da và thuốc kháng cholinergic dạng uống:

  • Thuốc bôi: Đây là cách đơn giản nhất để điều trị chứng ra mồ hôi nhiều. Thông thường, các loại thuốc bôi này sẽ chứa muối nhôm clorua, có tác dụng bịt kín lỗ chân lông khiến mồ hôi không thể thoát ra bên ngoài. Tuy nhiên, do thuốc này chỉ có tác dụng tạm thời và chỉ thích hợp với những vùng da nhỏ như nách, lòng bàn tay, bàn chân nên bạn phải dùng hàng ngày.
  • Thuốc kháng cholinergic: như oxybutynin, glycopyrrolate, propantheline… có thể giúp giảm ra mồ hôi nhờ tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: khô miệng, táo bón, bí tiểu, loạn nhịp tim, mờ mắt… Do đó, bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Điện di ion

Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị đổ mồ hôi tay và chân. Khi thực hiện, bạn sẽ ngâm bàn tay hoặc bàn chân vào một dung dịch điện ly có dòng điện thấp khoảng 10 miliampe trong khoảng từ 20 – 30 phút. Để việc điều trị có hiệu quả, bạn cần thực hiện ít nhất 3 lần/tuần trong tháng đầu tiên, những tháng tiếp theo có thể giảm xuống thành 2 – 4 lần/tháng. Phương pháp này khá an toàn và có thể có hiệu quả trong 6 tháng, sau đó chứng tăng tiết mồ hôi vẫn có thể tái phát. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là phương pháp này không thích hợp dùng cho phụ nữ mang thai, người đang đặt máy tạo nhịp tim, người bệnh động kinh…

3. Tiêm botox

Đây là phương pháp thường được sử dụng để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi ở nách, lòng bàn tay, bàn chân. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm nhiều mũi botulinum dưới da để ngăn chặn cơ thể giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh có thể kích thích tuyến mồ hôi tăng bài tiết. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn khi tiêm botox như giảm thị lực, sụp mí, bí tiểu, tim đập nhanh, dị ứng da, buồn nôn, đau đầu…

4. Phẫu thuật

Cắt hạch giao cảm là phương án được thực hiện cuối cùng nếu các phương pháp trên không có hiệu quả. Khi hạch giao cảm ở ngực bị cắt bỏ, mồ hôi tay và nách sẽ không thể tiết ra được nữa. Nhìn chung, dù phương pháp này có thể điều trị triệt để nhưng nó lại ẩn chứa nhiều biến chứng như nhiễm trùng, dị ứng thuốc gây mê, hội chứng Horner gây sụp mí mắt và phiền toái nhất là ra mồ hôi nhiều ở các vùng khác như chân, lưng, bụng để bù trừ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *