Một khi bạn bị cúm dạ dày tấn công, nó sẽ tấn công bạn một cách mạnh mẽ. Khi đó, bạn sẽ mắc phải rất nhiều triệu chứng như ớn lạnh, sốt, buồn nôn sau đó chuyển sang nôn mửa, tiêu chảy và đau nhức dữ dội.
Vì vậy, thật tồi tệ nếu không có cách chữa trị cúm dạ dày triệt để. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng. Nếu bạn biết kiểm soát, điều trị đúng cách, bệnh sẽ lành tính và không để lại bất kì hậu quả nào nghiêm trọng nào.
Các biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn giảm bớt các triệu chứng trong giai đoạn khó khăn nhất của bệnh.
Uống nhiều nước
Trong giai đoạn mắc cúm dạ dày, việc cung cấp đủ nước là hết sức cần thiết, vì cơ thể bị mất nước trầm trọng thông qua tuyến mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nạp chất lỏng vào người, hãy thử uống đều đặn từng ngụm nhỏ hoặc nhai đá viên. Các chất lỏng tốt nhất để nạp vào cơ thể trong giai đoạn này là:
- Nước suối, nước lọc, nước đun sôi để nguội
- Thực phẩm chức năng bù nước và điện giải như oresol, hydrite…
- Đồ uống thể thao có chứa chất điện giải
- Một số loại trà chẳng hạn như gừngvà bạc hà giúp làm dịu dạ dày và giảm buồn nôn. Nên tránh sử dụng loại trà chứa nhiều caffeine.
Không nên uống gì?
Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà đen, trà đậm và sô cô la sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn trong thời gian nghỉ ngơi. Vì đối với bệnh đau dạ dày, nghỉ ngơi đầy đủ là điều rất quan trọng.
Bạn cũng cần tránh sử dụng rượu, các loại nước, thuốc có tác dụng lợi tiểu để tránh mất nước.
Thử chế độ ăn BRAT
Trong giai đoạn mắc bệnh, bạn sẽ cảm thấy ngán ăn, kể cả loại thức mình thích nhất. Vì vậy, đừng ép bản thân mình phải ăn khi nhận thấy không thể nạp thêm lượng thức ăn vào. Tốt nhất hãy ăn một cách chậm rãi và chia nhỏ khẩu phần ăn ra.
Chế độ ăn Brat bao gồm chuối, gạo, táo và bánh mì nướng. Khi dạ dày khó chịu, bạn hãy thử sử dụng 4 thực phẩm này. Chúng dễ tiêu hóa, chứa carbohydrate để cung cấp năng lượng cho bạn và bổ sung chất dinh dưỡng. Cụ thể:
- Chuối: dễ tiêu hóa và rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Hoặc bạn thay thế chuối thành thực phẩm bổ sung chứa chất kali. Vì chất kali trong cơ thể có thể bị mất đi do nôn mửa và tiêu chảy, và kali cũng giúp củng cố niêm mạc dạ dày.
- Gạo: Gạo trắng cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho cơ thể.
- Táo: giàu carbs và đường. Bên cạnh đó, nó có chứa pectin giúp hạn chế tiêu chảy và dễ dàng tiêu hóa.
- Bánh mì nướng: Tránh bánh mì làm từ lúa mì nguyên chất vì chất xơ sẽ gây khó khăn cho hệ tiêu hóa. Bánh mì trắng được chế biến qua sẽ dễ cho hệ tiêu hóa hơn.
Không nên ăn gì?
Bạn cần tránh các thực phẩm được chế biến từ sữa, chất xơ, thực phẩm có chứa chất béo và cay.
- Sữa: Không phải ai cũng gặp vấn đề với sữa khi bị cúm dạ dày, nhưng nó sẽ gây khó tiêu, làm đầy hơi và tiêu chảy.
- Chất xơ: Bạn không cần thêm chất xơ vì chất xơ có tác dụng nhuận tràng.
- Dầu mỡ: Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và mặn như thịt xông khói, xúc xích…
- Gia vị: Tránh xa các món ăn làm từ cà chua, cà ri và tương ớt.
Thử bấm huyệt để giảm buồn nôn
Bấm huyệt đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị một số loại buồn nôn. Bạn hãy thử tìm điểm áp lực P-6 (là điểm nằm bên trong cánh tay của bạn). Bạn có thể thực hiện bấm huyệt ở điểm này để giảm buồn nôn và ói mửa.
Bước 1: Đặt một bên bàn tay phải trước mặt hoặc song song với ngực miễn sao bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Bước 2: Để tìm điểm áp lực P-6, hãy đặt 3 ngón tay (trỏ, giữa, áp út) của bàn tay còn lại trên cổ tay phải. Sau đó, đặt ngón tay cái vào vị trí ngay dưới ngón tay trỏ. Nếu cảm thấy 2 gân lớn dưới ngón tay cái là bạn đã tìm đúng vị trí huyệt P-6 rồi nhé.
Bước 3: Sử dụng ngón tay cái nhấn vào điểm P-6 này, day tròn trong khoảng thời gian từ 2-3 phút, nhớ đừng đè quá mạnh sẽ gây cảm giác đau.
Bước 4: Tương tự, hãy lặp lại quá trình trên ở cổ tay còn lại.
Bạn có thể thực hiện bấm huyệt ở điểm P-6 nhiều lần trong ngày hoặc khi cần thiết, tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên làm điều này trước mỗi bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Nghỉ ngơi nhiều
Khi bạn bị cúm dạ dày, cơ thể cần nghỉ ngơi để chống lại virus gây bệnh. Bạn nên ngủ nhiều và giảm hoạt động thường làm trong ngày.
Trong khi bạn nghỉ ngơi, cơ thể đang làm việc chăm chỉ để chống lại virus gây bệnh và sửa chữa các thiệt hại.
Thận trọng khi sử dụng thuốc
Căn bệnh cúm dạ dày không thể chữa khỏi bằng thuốc. Thuốc kháng sinh sẽ không thể giúp ích được gì khi virus là thủ phạm chính gây ra căn bệnh. Còn kháng sinh là thuốc được dùng để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, không có tác dụng trên các loại vi sinh vật khác như virus.
Bạn thử dùng thuốc không kê đơn để điều trị các triệu chứng nhưng hãy sử dụng với liều lượng vừa đủ. Đối với sốt hoặc đau nhức, ibuprofen sẽ giúp ích được cho việc giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng nó với liều lượng hợp lý và sau khi ăn.
Acetaminophen thường được khuyên dùng cho bệnh cúm dạ dày. Nó làm giảm sốt, đau nhức và có ít tác dụng phụ hơn ibuprofen, đồng thời ít gây kích ứng cho dạ dày.
Nếu bạn đang tìm kiếm thuốc làm giảm bớt buồn nôn hoặc tiêu chảy thì có một số loại thuốc được kê toa của bác sĩ sẽ làm giảm các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như promethazine, prochlorperazine, metoclopramide hoặc ondansetron để ngăn chặn buồn nôn và nôn.
Bạn hãy thử một số loại thuốc chống tiêu chảy không kê đơn: loperamide hydrochloride hoặc bismuth subsalicylate và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Khuyến cáo không nên sử dụng bismuth subsalicylate cho trẻ em.
Biện pháp khắc phục cho trẻ nhỏ
Nếu các triệu chứng của trẻ sơ sinh không giảm bớt trong một hoặc hai ngày, hãy đưa bé đến bác sĩ.
Bác sĩ sẽ đảm bảo con bạn hồi phục mà không có bất kỳ biến chứng nào. Khuyến khích trẻ tiếp tục uống từng ngụm nước, trẻ sơ sinh nên uống sữa mẹ hoặc sữa bột theo từng ngụm. Thay thế chất lỏng bị mất là rất quan trọng để ngăn ngừa mất nước. Tất cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng uống được dung dịch chứa chất điện giải.
Nguyên nhân gây cúm dạ dày
Cúm dạ dày còn được gọi là viêm dạ dày ruột thường do virus khác nhau có trong cơ thể tấn công hệ thống tiêu hóa của bạn.
Vi khuẩn cũng gây ra bệnh điển hình là do nước bị ô nhiễm hoặc thực phẩm được chuẩn bị không hợp vệ sinh.
Ngăn ngừa
Nếu bạn biết bệnh cúm dạ dày đang diễn ra xung quanh thì cần hết sức thận trọng. Tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và rửa tay thường xuyên.
Một số cách cơ bản để tránh bị cúm dạ dày và bệnh nói chung bao gồm rửa tay thường xuyên và nghỉ ngơi nhiều. Dưới đây là các phương pháp phòng ngừa bổ sung:
- Sử dụng máy rửa chén thay vì rửa chén bằng tay.
- Sử dụng xà phòng thay vì chỉ rửa tay bằng nước thường.
- Cách ly thành viên mắc bệnh trong gia đình và hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, cố gắng hạn chế vào chung một phòng tắm.
- Lau sạch tay cầm giỏ hàng.
- Làm sạch mặt bàn và bề mặt bằng bình xịt khử trùng, và nhớ giặt cả quần áo và khăn trải giường.
Cúm dạ dày có lây hay không?
Cúm dạ dày có lây lan. Các triệu chứng xuất hiện một đến ba ngày sau khi tiếp xúc, vì vậy người bệnh trong giai đoạn chưa có bất kì các triệu chứng gì cũng có thể lây cho người khác. Và ngay cả sau khi đã hồi phục, bạn vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác tới hai tuần.
Để giảm nguy cơ truyền nó cho người khác, bạn hãy hạn chế hoặc không đi làm, đi học. Nếu bạn bị sốt, hãy đợi cho đến 24 giờ sau khi hết sốt rồi hãy quay lại với các sinh hoạt hàng ngày.
Con đường hồi phục
Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ biến chứng nào sau khi bị cúm dạ dày. Giữ nước trong suốt quá trình bệnh là điều quan trọng nhất mà bạn phải làm.
Bạn nên đi cấp cứu nếu không thể giữ chất lỏng trong 24 giờ hoặc có dấu hiệu mất nước, nôn ra máu, tiêu chảy ra máu hoặc bị sốt trên 38°C.