NHỮNG CÁCH CHỮA CHẢY MÁU CHÂN RĂNG HIỆU QUẢ TẠI NHÀ

Ít nhất một lần trong đời, bạn từng một lần gặp hiện tượng chảy máu chân răng trong lúc đánh hoặc xỉa răng. Lúc ấy, bạn cho qua vì nghĩ điều đó rất bình thường. Đừng chủ quan, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe răng miệng.

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng

1. Viêm nướu

Dù chải răng kỹ mức nào, dùng chỉ nha khoa chăm chỉ đến đâu, bạn cũng khó lòng loại bỏ triệt để thức ăn thừa. Lâu ngày, những mảng bám, thức ăn thừa tích tụ thành cao răng, về lâu dài dẫn đến tình trạng viêm nướu và gây chảy máu khi bạn đánh răng quá mạnh.

2. Viêm nha chu

Đây là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, gây tổn thương các mô mềm và phá hủy men răng, khiến bạn thường xuyên bị chảy máu nướu dù không tác động mạnh đến nướu. Bệnh nha chu thường là hậu quả của việc vệ sinh răng miệng kém.

3. Tiểu đường

Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của tiểu đường tuýp 1 hoặc 2. Khi bạn mắc bệnh này, miệng sẽ không đủ khả năng để chống lại vi trùng, do đó sẽ có khả năng cao bị nhiễm trùng như viêm nướu. Lượng đường trong máu cao sẽ khiến cơ thể khó chữa lành hơn, vì vậy các bệnh về nướu răng sẽ nghiêm trọng hơn.

4. Bệnh Von Willebrand hoặc Hemophilia

Nếu bị chảy máu viêm nướu chân răng hoặc ở khu vực nào trên cơ thể, bạn có khả năng mắc bệnh Von Willebrand hoặc Hemophilia. Những bệnh này làm máu không đông lại đúng cách, khiến bạn dễ bị chảy máu chân răng.

5. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng

Chảy máu chân răng phần lớn bắt nguồn từ việc cơ thể thiếu hụt vitamin C, vitamin K – các loại vitamin cần thiết cho quá trình đông máu.

  • Thiếu vitamin C nghiêm trọng sẽ dẫn đến bệnh Scorbut – liên quan đến dinh dưỡng kém. Bệnh này sẽ làm cho bạn yếu, gây thiếu máu và chảy máu dưới da.
  • Vitamin K giúp máu đông đúng cách và rất tốt cho xương chắc khỏe. Thiếu vitamin K sẽ gây chảy máu chân răng.

Ngoài ra còn có canxi và magie là những chất chống viêm, giúp nướu răng khỏe mạnh.

6. Kinh nguyệt

Việc thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Những người bị biến đổi hormone khi đang trong ngày đèn đỏ có nguy cơ phát triển viêm nướu hoặc viêm nha chu, gây ra tình trạng chảy máu chân răng.

7. Thuốc

Một số loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc huyết áp… sẽ làm sưng tấy bất thường ở vùng nướu, gây viêm nướu và chảy máu.

8. Stress

Nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng và lo lắng quá độ, hệ miễn dịch sẽ suy yếu, giảm khả năng phòng tránh viêm nướu. Khi nướu yếu đi, đương nhiên sẽ dễ bị chảy máu.

9. Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu – một loại ung thư, có triệu chứng là chảy máu nướu răng. Thông thường, tiểu cầu sẽ giúp cơ thể cầm máu. Khi bạn bị bệnh bạch cầu, số lượng tiểu cầu sẽ rất ít, khiến cơ thể khó cầm máu hơn cho dù ở khu vực nào, bao gồm cả nướu răng.

Khắc phục chảy máu chân răng bằng cách nào?

Khi đã xác định nguyên nhân, bạn có thể chọn 1 trong 10 cách sau để ngăn chặn tình trạng chảy máu chân răng:

1. Vệ sinh răng miệng tốt

Nếu bạn chảy máu nướu do vệ sinh răng miệng kém, hãy khắc phục điều này bằng cách loại bỏ mảng bám bao phủ quanh răng và nướu. Dùng bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa là tốt nhất. Hai dụng cụ này sẽ len lỏi vào từng kẽ răng để loại sạch thức ăn thừa.

Sự biến động nội tiết tố trong thai kỳ cũng có thể khiến nướu yếu đi, dẫn tới chảy máu. Vậy nên, vệ sinh răng miệng tốt đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai.

2. Súc miệng bằng dung dịch hydrogen peroxide (oxy già)

Oxy già là một chất khử trùng nhẹ, được sử dụng như nước súc miệng để loại bỏ mảng bám, cầm máu và tăng cường sức khỏe nướu. Bạn súc miệng bằng dung dịch này ngay sau khi chải răng.

3. Ngừng hút thuốc

Ngoài việc tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim mạch và đột quỵ, hút thuốc lá còn có liên quan đến bệnh nướu răng. Nghiên cứu cho thấy thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng hoặc khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Bởi lẽ, hút thuốc có thể làm giảm hệ thống miễn dịch, làm cho cơ thể khó chống lại vi khuẩn mảng bám. Hậu quả là nướu dễ bị chảy máu.

4. Đẩy lùi stress

Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh nha chu và trạng thái căng thẳng. Theo đó, stress có tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, khiến khả năng chống lại nhiễm trùng nướu của cơ thể suy giảm rõ rệt. Cho nên muốn điều trị chảy máu chân răng, trước tiên bạn cần tránh xa stress.

5. Bổ sung vitamin C

Chế độ ăn uống không đủ vitamin C sẽ khiến bệnh viêm nướu của bạn khó thuyên giảm. Bởi lẽ, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường mô liên kết và bảo vệ niêm mạc nướu. Lượng vitamin được khuyên dùng hàng ngày cho người lớn là từ 65–90 miligam, có nhiều trong quả cam, cà rốt, khoai lang, ớt đỏ…

6. Tăng cường vitamin K

Bổ sung vitamin K cũng có tác dụng giảm chảy máu chân răng. Vitamin K là chất dinh dưỡng quan trọng, có ích cho sự đông máu. Nếu thiếu hụt nó, bạn dễ bị chảy máu nướu. Các thực phẩm giàu vitamin K là rau bó xôi, cải xoăn, mù tạt…Bạn cần cung cấp cho cơ thể 90–120 microgam vitamin K/ ngày.

7. Chườm đá

Nếu nướu của bạn bị chảy máu do chấn thương hoặc mô nướu, cách cầm máu hiệu quả nhất là chườm đá lạnh tại vị trí chảy máu. Việc làm này sẽ làm giảm sưng và hạn chế lượng máu mất đi. Nên bọc đá vào một chiếc túi rồi chườm trong 20 phút, vài lần một ngày.

8. Ăn ít carbs

Nghiên cứu đã phát hiện ra việc cắt giảm lượng carbohydrate (carbs) cũng góp phần cải thiện sức khỏe nướu và ngăn ngừa chảy máu chân răng. Nguyên nhân là carbohydrate và thực phẩm chứa đường sẽ tạo cơ hội cho mảng bám tích tụ trên nướu, khiến bạn dễ viêm nướu và chảy máu.

9. Uống trà xanh

Trà xanh có chứa catechin, một chất chống oxy hóa tự nhiên có khả năng làm giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn trong miệng. Uống nhiều trà xanh sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm nha chu và cầm máu hiệu quả. Lượng trà xanh được khuyến nghị uống mỗi ngày là 3–4 tách.

10. Súc miệng bằng nước muối

Vì vi khuẩn và tình trạng viêm trong miệng gây ra bệnh nướu răng, nên thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm sẽ làm giảm vi khuẩn và cầm máu. Cho nửa thìa cà phê muối vào 200ml nước ấm rồi súc miệng trong vài giây, vài lần một ngày.

Nếu tình trạng chảy máu chân răng vẫn không cải thiện sau 7-10 ngày, hãy đến nha sĩ. Lúc đó, nha sĩ sẽ làm sạch răng, loại bỏ cao răng và tư vấn dịch vụ điều trị viêm lợi thích hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *