BỆNH ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP LÀ GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ?

Tìm hiểu chung

Bệnh đau nhức xương là bệnh gì?

Đau nhức xương là bệnh gây cảm giác đau đớn hay khó chịu ở xương. Bệnh này ít phổ biến cũng như không giống với bệnh đau cơ và khớp vì cơ thể luôn bị đau dù đang di chuyển hay ngồi yên.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau nhức xương?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh đau nhức xương là cảm giác khó chịu cho dù bạn ngồi yên hay di chuyển. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra chứng đau nhức, (bao gồm):

  • Chấn thương: sưng, gãy xương hoặc biến dạng xương, nghe được tiếng “rắc” hay tiếng “ken két” khi chấn thương;
  • Mang thai: đau và cứng ở xương mu và đau ở các khớp xương chậu;
  • Thiếu khoáng chất: đau cơ và đau các mô cơ thể, rối loạn giấc ngủ, đau bụng, mệt mỏi, yếu ớt;
  • Loãng xương: đau lưng, lưng gù, giảm chiều cao theo thời gian;
  • Ung thư di căn: một loạt các triệu chứng tại nơi mà ung thư lan rộng bao gồm: đau đầu, đau ngực, gãy xương, co giật, chóng mặt, vàng da, khó thở, khối u ở bụng;
  • Ung thư xương: vỡ xương tăng lên, khối u dưới da, tê hoặc ngứa ran (khi khối u chèn ép lên dây thần kinh);
  • Cản trở máu đến nuôi xương: đau khớp, mất chức năng khớp và suy nhược;
  • Nhiễm trùng: vệt đỏ từ vị trí nhiễm trùng, sưng, ấm tại chỗ nhiễm, giới hạn khả năng chuyển động, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng;
  • Bệnh bạch cầu (ung thư máu): mệt mỏi, da xanh tái, khó thở, đổ mồ hôi về đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Các bệnh lý nghiêm trọng thường là nguyên nhân gây ra đau nhức xương, ngay cả đau xương nhẹ cũng có thể báo hiệu tình trạng khẩn cấp. Nếu bạn bị đau xương kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc cơn đau xương đi kèm với sụt cân, chán ăn hay mệt mỏi nói chung thì hãy đi khám. Tương tự như vậy, đau nhức xương do chấn thương gây ra cũng cần được bác sĩ chữa trị kịp thời vì nếu không điều trị thích hợp, xương có thể tự lành nhưng bị lệch và làm bạn khó chuyển động cũng như bị nhiễm trùng.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh đau nhức xương?

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này, chẳng hạn như:

  • Chấn thương: là nguyên nhân phổ biến của đau nhức xương. Thông thường, chấn thương từ tai nạn xe hơi hoặc té ngã có thể gây đau, bể hoặc làm gãy xương. Bất kỳ tổn hại cho xương đều có thể gây đau nhức;
  • Mang thai: đau xương chậu khá phổ biến ở nhiều phụ nữ mang thai. Cơn đau nhức xương đôi khi được gọi là đau thắt lưng chậu do thai kỳ và thường không hết cho đến khi sinh con;
  • Thiếu khoáng chất: để luôn mạnh mẽ, xương của bạn cần nhiều loại khoáng chất và vitamin bao gồm canxi và vitamin D. Thiếu hụt canxi và vitamin D thường dẫn đến chứng loãng xương. Người bị loãng xương giai đoạn cuối thường bị đau nhức;
  • Bị ung thư di căn: là loại ung thư bắt đầu ở bộ phận này nhưng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú, phổi, tuyến giáp, thận và tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường di căn đến xương;
  • Bị ung thư xương: là các tế bào ung thư có nguồn gốc từ xương. Ung thư xương hiếm hơn nhiều so với ung thư di căn tới xương, có thể gây đau xương khi khối ung thư vỡ hay phá hủy cấu trúc bình thường của xương;
  • Mắc các bệnh gây rối loạn cung cấp máu cho xương: một số bệnh như thiếu máu hồng cầu hình liềm gây cản trở việc cung cấp máu đến xương. Nếu không có nguồn cung cấp máu ổn định thì mô xương bắt đầu chết và gây ra đau xương, làm suy yếu xương;
  • Nhiễm trùng xương: có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng là viêm tủy xương. Bệnh viêm tủy có thể giết chết các tế bào xương và gây đau;
  • Bệnh bạch cầu: là bệnh ung thư tủy xương. Tủy xương có trong hầu hết các xương và chịu trách nhiệm cho việc sản xuất các tế bào xương. Những người bị bệnh bạch cầu thường bị đau xương, đặc biệt là ở chân.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh đau nhức xương?

Đau nhức xương có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau nhức xương?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh đau nhức xương, chẳng hạn như:

  • Lão hóa: nguy cơ mắc sẽ tăng theo tuổi;
  • Di truyền: một số người do di truyền về đau nhức xương;
  • Rủi ro nghề nghiệp: nếu nghề nghiệp bao gồm các công việc khiến xương bị căng thẳng liên tục, bạn sẽ có nguy cơ cao bị đau xương;
  • Ít vận động: lối sống thụ động;
  • Béo phì.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh đau nhức xương?

Bác sĩ cần xác định nguyên nhân gây ra cơn đau để đưa ra phương pháp điều trị nhằm giảm triệt để hoặc loại bỏ cơn đau.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc khám sức khỏe và hỏi về bệnh sử. Câu hỏi thường gặp bao gồm:

  • Đau ở đâu?
  • Lần đầu tiên bạn bị đau là khi nào?
  • Cơn đau có trở nên tồi tệ hơn?
  • Bạn còn có triệu chứng nào khác không?

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân là do thiếu vitamin hay có dấu hiệu ung thư đồng thời phát hiện bệnh nhiễm trùng và những rối loạn tuyến thượng thận có thể gây hại cho xương.

Chụp X-quang, MRI và CT scan xương có thể giúp bác sĩ đánh giá các khu vực bị ảnh hưởng do thương tích, tổn thương xương và các khối u trong xương.

Xét nghiệm nước tiểu có thể được sử dụng để phát hiện các bất thường trong tủy xương, như bệnh đa u tủy.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phải làm nhiều xét nghiệm để loại trừ một số bệnh lý và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau nhức xương.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh đau nhức xương?

Khi các bác sĩ đã xác định các nguyên nhân gây đau xương, họ sẽ bắt đầu việc điều trị bằng cách khuyên bạn nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt hoặc kê toa thuốc giảm đau.

Nếu bác sĩ không chắc chắn về nguyên nhân và nghi ngờ khả năng bị nhiễm trùng, họ sẽ chỉ định kháng sinh. Bạn phải tuân thủ liệu trình kháng sinh đầy đủ ngay cả khi các triệu chứng có thể biến mất trong vòng một vài ngày. Bác sĩ thường sử dụng corticosteroid để làm giảm viêm.

Các lựa chọn điều trị cho bệnh đau nhức xương bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: là một trong những loại thuốc thường được kê đơn nhất để giảm đau nhức xương nhưng chúng không chữa được bệnh lý nền. Các thuốc thường được sử dụng là ibuprofen (Advil®) hoặc acetaminophen (Tylenol®), thuốc theo toa như paracetamol hoặc morphine để giảm đau vừa hoặc nặng;
  • Kháng sinh: nếu bị nhiễm trùng xương, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh mạnh để tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm trùng bao gồm: ciprofloxacin, clindamycin hoặc vancomycin;
  • Bổ sung dinh dưỡng: những người bị loãng xương cần phải duy trì mức canxi và vitamin D phù hợp trong cơ thể. Bác sĩ sẽ cho bổ sung dinh dưỡng để điều trị thiếu khoáng chất bằng các dược phẩm dạng lỏng, thuốc viên hoặc dạng viên nhai;
  • Điều trị ung thư: đau xương do ung thư rất khó điều trị. Phương pháp thường gặp bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (có thể làm tăng đau nhức xương). Bisphosphonates là loại thuốc giúp ngăn ngừa tổn thương xương và đau xương ở những người bị bệnh ung thư xương di căn. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thuốc giảm đau dạng thuốc phiện;
  • Phẫu thuật: nhằm loại bỏ các phần xương đã chết do nhiễm trùng, tái tạo các xương bị gãy và loại bỏ các khối u do ung thư. Trong các trường hợp nghiêm trọng như thay thế khớp, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật tái tạo.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh đau nhức xương?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh đau nhức xương nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì một kế hoạch tập thể dục lành mạnh;
  • Bổ sung đủ canxi và vitamin D;
  • Uống bia rượu trong chừng mực;
  • Tránh hút thuốc;
  • Tránh thương tích dẫn đến đau nhức xương: cố gắng hạn chế té ngã bằng cách giữ cho sàn nhà không bừa bộn, để ý xem thảm sàn có mềm không hoặc xem ánh sáng có kém không và đi lên hoặc xuống cầu thang phải cẩn thận;
  • Mặc quần áo bảo hộ thích hợp trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là các môn thể thao tiếp xúc nhiều như bóng đá hoặc đấm bốc.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *