CÁC BỆNH VỀ TAI THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN

Các bệnh về tai có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tự khỏi hoặc được cải thiện nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà. Bên cạnh đó cũng có các bệnh lý về tai đòi hỏi người bệnh phải được điều trị bài bản bằng chuyên môn y tế.

Dưới đây là 6 bệnh về tai thường gặp.

1. Nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng tai là một trong các bệnh về tai phổ biến ở trẻ em. Nếu trẻ chưa biết nói, bạn hãy quan sát xem bé có thường xuyên bịt tai hoặc có biểu hiện bứt rứt ở tai hay không. Những biểu hiện khác khi bé bị nhiễm trùng tai bao gồm:

  • Có dịch hoặc chất lỏng chảy ra từ tai
  • Trẻ có vấn đề về thăng bằng
  • Bé thường quấy khóc hoặc khó nghe

Trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn do ý thức vệ sinh và đặc tính cấu trúc của ống eustachian nối tai giữa với phía sau cổ họng.

Ống eustachian là bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất khi bé bị nhiễm trùng tai. Ống eustachian của trẻ tương đối ngắn, rộng, thẳng và nằm ngang. Khi bé mắc bệnh sởi, cúm hoặc bị nổi ban đỏ, mầm bệnh sẽ dễ dàng xâm lấn ống eustachian gây ra các bệnh về tai như viêm tai giữa hoặc nhiễm trùng tai.

2. Tích tụ ráy tai

Tai của mỗi người đều có khả năng tự làm sạch. Tuy nhiên, đôi khi vẫn xảy ra tình trạng có quá nhiều ráy tai tích tụ. Khi đó, bạn sẽ bị ngứa, chảy nước, chảy dịch hoặc tai có mùi hôi.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, tích tụ ráy tai cũng được xem là một trong các bệnh lý về tai. Nó làm bạn bị ù tai hoặc gặp vấn đề khác về thính giác ở một hoặc cả hai bên tai.

Bạn có thể áp dụng cách lấy ráy tai tại nhà bằng vài giọt dầu khoáng, dầu em bé hoặc hydro peroxide. Nếu tình hình không được cải thiện, bạn hãy đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và cho lời khuyên phù hợp.

3. Tai súp lơ cũng là một trong các bệnh về tai thường gặp

Tai súp lơ thường xảy ra ở những người chơi môn quyền anh hoặc các đô vật. Nó xuất hiện khi tai chịu một lực tác động lớn như chấn thương hoặc cú đánh mạnh từ người khác.

Trong những trường hợp khác, bệnh tai súp lơ xảy ra khi bạn phải làm phẫu thuật hoặc tiểu phẫu nhiều lần ở tai. Điều này tạo ra các cục máu đông hình thành khiến tai bị thô, sần. Ngoài việc ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, tai súp lơ còn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng tai và gặp các vấn đề về thính giác.

4. Ù tai

Khi mắc chứng ù tai, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy tiếng ù trong tai dù môi trường xung quanh rất yên tĩnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh này có thể do tuổi tác, ráy tai tích tụ quá nhiều, sống ở môi trường ồn ào trong một thời gian dài hoặc là dấu hiệu khởi phát của tình trạng mất thính lực.

Đôi khi chứng ù tai còn do tác dụng phụ của một số loại thuốc bạn đang sử dụng. Nếu nghi ngờ điều này, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được cân nhắc thay đổi thuốc hoặc có những phương án phù hợp hơn.

5. Một trong các bệnh về tai phổ biến: Rối loạn thính lực (meniere)

Rối loạn thính lực còn có tên gọi khác là hội chứng meniere. Tình trạng này xảy ra khi có quá nhiều chất lỏng tích tụ trong tai của bạn.

Các triệu chứng khởi phát bệnh rối loạn thính lực bao gồm ù tai, chóng mặt, mất thính giác tạm thời.

Y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh lý về tai này nên không có cách chữa trị đặc hiệu. Nếu các triệu chứng bệnh không tự biến mất hoặc ngày càng nặng hơn, bạn phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Dựa vào tình trạng tai của bạn lúc đó, bác sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh khác.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đề nghị bạn phẫu thuật để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra như rối loạn tiền đình, mất thính lực vĩnh viễn.

6. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một trong các bệnh về tai phổ biến. Dù bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em.

Ở thể nhẹ, bệnh viêm tai giữa có thể tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách tại nhà. Trong những trường hợp khác, bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh để cải thiện triệu chứng và loại bỏ yếu tố nhiễm trùng.

Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh viêm tai giữa có khả năng khiến bạn mất thính lực. Nó cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng khác. Vì thế, khi nghi ngờ mình (hoặc con trẻ) đang bị viêm tai giữa, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *