BỆNH THOÁI HÓA ĐỐT SỐNG CỔ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN BẠN NÊN TÌM HIỂU

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh xương khớp thường gặp, có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như đau, yếu, tê bì chân tay, teo cơ, đi lại khó khăn, thậm chí tàn phế. Ngoài lý do tuổi tác còn có nhiều nguyên nhân gây nên chứng bệnh này. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời để giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.

Thoái hóa cột sống là thuật ngữ dùng để đề cập đến sự phá vỡ kiến ​​trúc bình thường của các thành phần khác nhau trong cột sống. Thoái hóa cột sống, nhất là bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đang trở nên phổ biến hiện nay. Với người lớn tuổi, nguyên nhân gây thoái hóa cột sống là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Nhưng hiện có không ít người trẻ cũng mắc chứng bệnh này. Vậy những nguyên nhân liên quan đến vấn đề thoái hóa đốt sống cổ ở người trẻ là gì và điều trị thoái hóa đốt sống cổ như thế nào để mang lại hiệu quả tích cực?

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống lưng là những tên gọi của tình trạng thoái hóa cột sống, một biểu hiện bệnh lý của việc thoái hóa hệ thống xương cột sống. Bệnh có xu hướng nặng dần theo thời gian và có sự tác động của một số nguy cơ như:

  • Chấn thương cột sống nhưng không được điều trị dứt điểm
  • Làm việc quá sức
  • Chế độ ăn không đảm bảo dinh dưỡng: Chế độ ăn thiếu các khoáng chất cần thiết như canxi, magie…
  • Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như thức uống có cồn, thuốc lá…
  • Tình trạng thừa cân – béo phì: Điều này gia tăng áp lực lên cột sống, thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn
  • Tập luyện thể thao quá mức không đúng phương pháp, kỹ thuật…
  • Yếu tố di truyền.

Thoái hóa cột sống cổ thường được chẩn đoán và phát hiện thông qua các các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng là chụp hệ thống xương cột sống. Nhiều bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ luôn có cảm giác đau buốt khó chịu, kể cả khi hoàn toàn nghỉ ngơi, mọi cử động vùng đầu cổ hay cánh tay đều có thể gây đau.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dựa vào các dấu hiệu cơ bản của bệnh như: đau vùng sau cổ, mỏi cổ, mỏi bả vai, cánh tay… Có những bệnh nhân phải chịu đựng tình trạng thoái hóa lâu năm có thể có thêm các triệu chứng khác, bao gồm: đau cánh tay, buốt đến bàn tay, luôn cảm thấy đau đỉnh đầu và tức hốc mắt…

Tại sao nhân viên văn phòng hay bị thoái hóa đốt sống cổ?

Do đặc thù công việc nên người làm các công việc văn phòng thường ngồi nhiều thường dễ gặp các vấn đề về cột sống

Nhân viên văn phòng là một trong những đối tượng có nguy cơ bị thoái hóa cột sống cổ cao nhất do đặc thù công việc là ngồi một chỗ lâu, ít vận động…

Ghế và bàn ngồi làm việc không tương thích với chiều cao của từng người. Do đó, vị trí đặt tay trên bàn làm việc hay đối với máy tính có thể quá cao hoặc quá thấp khiến người làm việc phải cố rướn lên hay cúi xuống một cách vô thức. Tình trạng này dần gây ảnh hưởng đến cột sống. Thêm vào đó, trong khi làm việc, vùng cổ và vùng gáy thường giữ nguyên tư thế, ít cử động thường xuyên, chỉ nhìn lên, nhìn xuống.

Ngoài ra, tư thế ngủ sai, có thói quen nằm gối cao, gối quá cứng, nằm nghiêng một bên… cũng là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng thoái hóa cột sống cổ.

Cảm giác đau đớn tăng lên khi người bệnh thoái hóa cột sống bị stress, mệt mỏi. Do đó, bệnh nhân cần ngăn chặn và kiểm soát stress một cách tốt nhất.

Triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ

Người bệnh bị thoái hóa cột sống cổ thường có các cảm giác đau, mỏi, nhức, khó vận động vùng cổ ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc bị đau khi thực hiện bất kỳ cử động ở vùng bị bệnh. Đôi khi trong một thời gian dài, người bệnh có thể không cảm nhận được cảm giác đau hay biểu hiện gì khác thường. Sau đó, những triệu chứng dần xuất hiện:

  • Khi thực hiện các động tác cổ có cảm giác bị vướng và đau, thỉnh thoảng có thể bị vẹo cổ.
  • Cơn đau kéo dài từ gáy lan dần ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, một bên cánh tay hay cả hai bên.
  • Các cử động ở cổ bị hạn chế, có thể có cảm giác cứng gáy, đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, hình ảnh chụp X-quang cột sống cổ cho thấy đường cong sinh lý bị mất, hẹp đĩa liên đốt sống, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương.
  • Với chứng thoái hóa đốt sống cổ diễn ra từ đoạn C1 – C4, người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt.
  • Dấu hiệu Lhermitte: Cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện đi dọc xuống cổ, xương sống, thậm chí cả tay, chân, ngón tay và ngón chân. Biểu hiện này mạnh hơn khi bạn cúi cổ về trước, có thể chỉ diễn ra trong tích tắc hoặc kéo dài.

Thoái hóa đốt sống cổ gây tổn thương vào lỗ tiếp hợp, có thể gây rối loạn tuần hoàn não. Người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh kết hợp với thăm dò siêu âm để xử trí tình trạng thoái hóa này một cách kịp thời.

Cách phòng tránh và điều trị thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả

Thoái hóa cột sống đa phần bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan, mọi người có thể tự điều chỉnh để phòng ngừa. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Ở mức độ nhẹ, cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hay tập luyện đốt sống cổ nhẹ nhàng, đúng phương pháp. Đeo đai cổ một thời gian ngắn để hạn chế chuyển động và giữ tư thế sinh lý đầu cổ…
  • Khi có bệnh rễ thần kinh do lồi, thoát vị đĩa đệm, ngoài việc dùng các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng, người bệnh cần được kéo giãn đốt sống cổ và thư giãn, tránh các tư thế đầu cổ sai lệch hoặc tăng trọng tải vùng đầu cổ.
  • Thay đổi tư thế làm việc sai lệch như ngồi làm việc trước màn vi tính hoặc ngồi xem tivi quá lâu.
  • Không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, vì sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ.
  • Không nên đội vật nặng trên đầu.
  • Cần luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng kết hợp với xoa bóp.
  • Khi ngủ, hãy thường xuyên thay đổi tư thế để tránh bị vẹo cổ. Không nằm sấp, bởi tư thế này sẽ khiến cổ bị gập xuống rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ.

Việc massage cổ cũng là một trong những cách giảm đau mỏi cho cổ rất hữu hiệu. Bạn hãy massage như sau: Đầu tiên, massage phần sau cổ, xoa bằng 1 hoặc 2 tay. Lòng bàn tay áp sát vào cổ, di chuyển từ phần chân tóc ở gáy xuống lưng và phần khớp vai. Tiếp đến, bạn dùng cạnh của lòng bàn tay hay ngón cái bóp mạnh. Dùng mu lòng bàn tay day nhẹ từ gáy đến cổ. Thực hiện khoảng 1 – 2 phút. Tìm đốt sống cổ thứ 7 (to hơn các đốt sống khác) và day xung quanh đốt sống đó.

Massage cổ giúp giảm đau mỏi cổ hiệu quả

Ngoài ra, để tránh bị vẹo cổ, khi ngủ bạn nên dùng gối có độ dày vừa phải, thường xuyên đổi tư thế, tránh nằm sấp để hạn chế tình trạng thoái hóa đốt sống cổ. Để đề phòng hiện tượng trật khớp mỏm nha gây liệt tứ chi hoặc tử vong, người bệnh tuyệt đối không được vặn, ấn cổ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *