CHỮA THOÁI HÓA ĐỐT SỐNG CỔ NHƯ THẾ NÀO? ĐỪNG BỎ LỠ!

Ngày nay, thoái hóa đốt sống cổ không đơn thuần chỉ là nỗi lo của người già mà đang ngày càng trẻ hóa. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh này là 10-15% ở các độ tuổi, hơn 90% người trên 60 tuổi có thoái hóa đốt sống cổ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ có các phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ khác nhau.

Mục tiêu của điều trị là làm giảm nhẹ các cơn đau do bệnh gây nên, duy trì các hoạt động thường ngày càng nhiều càng tốt và hạn chế nguy cơ tổn thương cột sống vĩnh viễn cho người bệnh.

Vậy những cách điều trị thoái hóa đốt sống cổ gồm những gì? Hãy cùng Thuần mộc tìm hiểu qua bài viết sau đây!

1. Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc gì, liệu có tốt hay không?

Tương tự như nhiều bệnh xương khớp mãn tính khác, thoái hóa đốt sống cổ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Một số nhóm thuốc dưới đây thường được kê đơn để giảm triệu chứng của bệnh. Chúng bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid (NSAIDs): Với các trường hợp đau cổ nhẹ, paracetamol và các thuốc NSAIDs không kê đơn như ibuprofen, naproxen có thể cho tác dụng giảm đau tốt. Tuy nhiên, khi cấp độ đau tăng lên, bạn cần đến NSAIDs mạnh hơn như celecoxib, diclofenac, etodolac,…
  • Corticosteroid: Một đợt điều trị corticosteroid đường uống có thể giúp giảm đau do thoái hóa đốt sống cổ. Thuốc tiêm corticosteroid sẽ cần thiết cho các trường hợp đau nặng.
  • Thuốc giãn cơ: Chẳng hạn một số loại như cyclobenzaprin có thể giúp giảm co thắt cơ ở cổ, từ đó làm giảm đau.
  • Thuốc chống động kinh: Gồm gabapentin hoặc pregabalin có tác dụng giảm đau ở các dây thần kinh bị tổn thương.
  • Thuốc chống trầm cảm được chứng minh có khả năng giảm đau, giúp an thần dễ ngủ.

Những nhóm thuốc trên đây thường giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng thuốc chữa thoái hóa đốt sống cổ kể trên mà cần theo chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ để tránh gây ra các tác dụng không mong muốn trên gan, thận, tiêu hóa, thần kinh…

2. Bài tập chữa thoái hóa đốt sống cổ (bài tập hỗ trợ điều trị)

Một số động tác vận động cơ và các khớp ở cổ đơn giản, dễ thực hành tại nhà hay ngay giữa giờ nghỉ trưa tại công ty có thể giúp bạn xoa dịu cảm giác đau do thoái hóa đốt sống cổ. Dưới đây là một vài bài tập tham khảo:

  • Bài tập gập, ngửa cổ: Cúi thấp đầu sao cho cằm chạm vào đến phần ngực, giữ nguyên tư thế trong vòng 3 giây. Ngửa đầu ra sau và tiếp tục giữ nguyên tư thế trong vòng 3 giây. Lặp lại động tác 10 lần cho mỗi lần tập.
  • Bài tập nghiêng cổ: 2 mắt nhìn thẳng, thân mình giữ yên, nghiêng cổ về một bên cho đến khi cảm thấy vùng cổ bên đối diện căng, giữ nguyên tư thế trong 3 giây, rồi đổi bên
  • Bài tập xoay cổ: Giữ cố định phần thân người, vai và lưng, từ từ xoay cổ sang trái, giữ ở tư thế căng cơ này trong 3 giây. Tiếp đó là xoay về vị trí bình thường và đổi bên ngược lại.
  • Bài tập đưa cổ ra trước: Giữ cố định phần thân người, vai và lưng, từ từ đưa cằm ra phía trước, giữ trong 3 giây rồi đưa về vị trí ban đầu

Trong đó các bài tập này chủ yếu là cải thiện tính linh hoạt của vận động cổ và không gây thêm đau đớn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, các bác sĩ đều khuyên người bệnh nên duy trì hoạt động thể chất mỗi ngày, đôi khi chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng. Vì những người đi bộ hằng ngày ít bị đau cổ và thắt lưng hơn là người ít vận động.

3. Vật lý trị liệu

Đây là một trong các phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ không phẫu thuật được bác sĩ chỉ định đầu tiên cho bệnh nhân. Vật lý trị liệu bao gồm nhiều hình thức khác nhau, như máy kéo dãn cột sống cổ, vận động bị động, điện trị liệu (song ngắn, siêu âm, laser, kích thích điện,…), vận động trị liệu,…

Bên cạnh đó, phương pháp vật lý trị liệu cũng mang lại nhiều công dụng như:

  • Hạn chế việc lạm dụng thuốc và tránh được các nguy cơ rủi ro cũng như tác dụng phụ không mong muốn.
  • Một số bài tập và phương pháp trị liệu có thể được thực hiện tại nhà. Điều này mang lại sự tiện lợi tối đa, tiết kiệm thời gian, công sức cho người bệnh.
  • Mang lại hiệu quả lâu dài và hạn chế nguy cơ tái phát.
  • Giúp vai, gáy, cổ hoạt động linh hoạt và hạn chế các nguy cơ tái phát tình trạng thoái hóa khớp và các bệnh xương khớp ảnh hưởng đến vai, gáy.
  • Tránh nguy cơ phẫu thuật.

Phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ bao gồm các mục tiêu như:

  • Giảm đau và hạn chế tình trạng cứng khớp ở cổ, vai, gáy.
  • Cải thiện phạm vi hoạt động của đầu và cổ.
  • Phát triển sức mạnh ở cổ và các cơ bắp hỗ trợ sự linh hoạt của vai gáy.
  • Ngăn ngừa các triệu chứng bệnh và hạn chế nguy cơ tái phát các cơn đau ở cổ.

Ngay cả khi các cơn đau cổ không nghiêm trọng, các phương pháp vật lý trị liệu cũng có thể mang lại hiệu quả cải thiện tư thế và chức năng của cổ. Điều này giúp người bệnh tập luyện được tư thế tốt và hạn chế nguy cơ, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ và các bệnh lý liên quan khác.

Mỗi đợt vật lý trị liệu chữa thoái hóa đốt sống cổ có thời gian khác nhau, nhưng thường kéo dài từ 6 – 8 tuần. Lưu ý rằng vật lý trị liệu cần được thực hành dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp và không tập vật lý trị liệu nếu có tình trạng nhiễm trùng, khối u ở cổ, chấn thương nghiêm trọng ở cổ (như gãy xương, chèn ép tủy,…).

4. Phẫu thuật

Nếu điều trị không xâm lấn thất bại, bạn bị đau cổ dữ dội hay các triệu chứng trên dây thần kinh chuyển biến xấu đi (yếu cánh tay, tê, đi không vững hoặc té ngã), bạn cần phẫu thuật để giải phóng chèn ép bằng cách tạo thêm chỗ trống cho tủy sống và rễ thần kinh.

Các hình thức phẫu thuật chữa thoái hóa đốt sống cổ có thể được thực hiện là:

  • Loại bỏ một đĩa đệm thoát vị hoặc các gai xương.
  • Loại bỏ một phần của đốt sống.
  • Hợp nhất một phần của cổ bằng cách ghép xương và phần cứng.

5. Các phương pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ khác

Ngoài ra, một số cách chữa thoái hóa đốt sống cổ khác cũng rất hữu ích đối với nhiều người. Đó là:

Chườm đá, chườm nóng

Tùy vào mỗi người mà nhiệt lạnh hay nhiệt nóng làm giảm đau và giảm cảm giác khó chịu tốt hơn. Tuy nhiên, dù là cách nào thì bạn cũng chỉ nên chườm cổ khoảng 20 phút mỗi lần và mỗi ngày vài lần.

Xoa bóp

Tùy vào mỗi người mà xoa bóp có giúp giảm các triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ hay không, nhiều hay ít. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hay huấn luyện viên vật lý trị liệu của mình trước khi xoa bóp các cơ khớp ở cổ.

Châm cứu chữa thoái hóa đốt sống cổ

Đây không chỉ là liệu pháp truyền thống của người Trung Hoa mà càng ngày càng có nhiều chuyên gia công nhận lợi ích châm cứu mang lại trong quá trình điều trị các chứng đau mãn, đau cấp,… Tùy thuộc vào triệu chứng và chẩn đoán, mà bác sĩ y học cổ truyền sẽ tiến hành châm cứu cho bệnh nhân ở những huyệt đạo vị khác nhau trong từ 20 – 40 phút.

Nẹp mềm hay vòng đeo cho cổ

Các dụng cụ hỗ trợ này được dùng để cố định phần cổ của người bệnh, hạn chế vận động ở cổ và giúp giãn cơ. Lưu ý rằng đeo vòng cổ hay nẹp mềm cổ quá lâu có khả năng bị teo cơ. Do đó, chỉ sử dụng nẹp mềm khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc nam

Theo y học cổ truyền, một số bài thuốc từ các loại thảo dược có công dụng kháng viêm, giảm đau (hành khí hoạt huyết, khu phong trừ thấp) như: sao ngải cứu, củ gừng, lá lốt, tỏi để đắp lên cổ (dạng túi chườm) hoặc sắc nước uống để giảm đau xương khớp.

Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc nam được nhiều người áp dụng vì tính an toàn cao, chi phí thấp. Tuy nhiên, về hiệu quả của các bài thuốc này đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng nó như liệu pháp bổ trợ bên cạnh chỉ định của bác sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *