Thoái hóa khớp gối (viêm xương khớp) là một dạng viêm khớp phổ biến. Bên cạnh dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên ăn gì để tốt cho xương khớp, hỗ trợ quá trình điều trị thoái hóa khớp gối?
Bệnh nhân thoái hóa khớp gối cần kiểm soát cân nặng để không bị thừa cân (sẽ tạo áp lực lên khớp gối) cũng như giúp giảm viêm đau khớp gối, làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi “ăn gì tốt cho khớp gối” để cân bằng dưỡng chất lẫn khối lượng cơ thể.
Mối liên hệ giữa ăn uống và quá trình điều trị thoái hóa khớp gối
Các nhà khoa học chứng minh rằng khi tình trạng viêm xảy ra, cơ thể tạo ra các phân tử được gọi là gốc tự do. Các gốc tự do hình thành trong cơ thể để đối phó với độc tố và các quá trình tự nhiên trong đó có phản ứng viêm.
Khi quá nhiều gốc tự do tích tụ, hiện tượng stress oxy hóa xảy ra, góp phần làm tổn thương tế bào và mô trên toàn cơ thể, trong đó có hoạt mạc (lớp tế bào ở mặt trong của bao khớp) và sụn, đóng vai trò giảm lực sốc cho khớp gối. Stress oxy hóa cũng có thể kích hoạt tình trạng viêm nặng nề thêm.
Chất chống oxy hóa là những phân tử có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do. Chúng có mặt trong cơ thể và bạn cũng có thể bổ sung từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Thực hiện một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp người bệnh duy trì cân nặng một cách lành mạnh, cũng như hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng viêm, đau khớp.
Nên ăn gì trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối?
Thực phẩm giàu omega -3
Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3. Các axit này giúp giảm mức độ của protein phản ứng C (CRP) và interleukin-6 gây viêm. Nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối có định lượng CRP cao, khiến cơn đau khớp gối cũng như tình trạng sưng phù đầu gối gia tăng.
Các axit béo omega-3 trong cá có thể giúp ngăn chặn tình trạng viêm trước khi khớp bị hủy hoại. Theo Tổ chức Viêm khớp, những người thường xuyên ăn cá giàu omega-3 sẽ ít có khả năng bị viêm khớp dạng thấp (RA) hơn. Tổ chức trên cũng cho biết bổ sung omega-3 có thể bảo vệ sụn khớp khỏi bị phá hủy hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Vì vậy, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên bổ sung ít nhất một phần cá béo mỗi tuần (cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá trích…) nhằm giảm các triệu chứng viêm khớp, cứng khớp cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Nếu không thích ăn cá, bạn cũng có thể chọn nguồn thực phẩm chứa omega-3 khác như hạt chia, dầu hạt lanh và quả óc chó hay các chất bổ sung có chứa omega-3, chẳng hạn như dầu cá, dầu nhuyễn thể (krill oil) hoặc dầu hạt lanh.
Thoái hóa khớp gối nên ăn gì? Câu trả lời là các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Trái cây và rau quả có vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng cũng giàu các chất dinh dưỡng tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối.
Chất xơ
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị viêm khớp thường có mức cholesterol cao. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân nên bổ sung nhiều ngũ cốc nguyên hạt và các dạng chất xơ khác trong chế độ ăn kiêng vì chúng có thể cải thiện nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu, hỗ trợ giảm cân. Kiểm soát cân nặng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong chất xơ giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, giúp làm giảm viêm.
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa hỗ trợ hệ miễn dịch và chống viêm. Các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên ăn nhiều loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi…) vì chúng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao.
Bên cạnh đó, bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể bổ sung thêm resveratrol có trong nho đỏ hoặc nho đen tươi và isoflavone trong các sản phẩm từ đậu nành. Đây đều là những chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể.
Các chất chống oxy hóa khác có thể kể đến như vitamin A, C và K có trong cải bó xôi, bông cải xanh và các loại rau màu xanh đậm. Chúng giúp bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương từ gốc tự do. Ngoài ra, chúng cũng chứa hàm lượng canxi cao, góp phần bảo vệ sức khỏe xương. Vitamin C còn hỗ trợ xây dựng collagen và mô liên kết, tốt cho cơ bắp và sụn.
Chất béo tốt
Quả bơ, dầu ô liu và các loại hạt chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn (omega-9) và vitamin E có tác dụng chống viêm. Bổ sung nhiều chất này sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương khớp trong viêm khớp sớm.
Oleocanthal
Quả ô liu và dầu ô liu nguyên chất có chứa oleocanthal. Đây là một hợp chất chống viêm tự nhiên có đặc tính tương tự như thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Dùng khoảng 3,5 thìa súp dầu ô liu sẽ giúp giảm đau khớp tương tự như khi uống 200mg thuốc ibuprofen. Tuy nhiên, lượng dầu ô liu này có hàm lượng calo cao (khoảng 400 calo). Vì vậy, để sử dụng dầu ô liu vào chế độ ăn uống mà vẫn hạn chế được nguy cơ tăng cân, bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể dùng dầu ô liu thay cho các chất béo khác như dầu thực vật, bơ nhạt (butter).
Điều trị thoái hóa khớp gối: Hãy chọn các sản phẩm từ sữa
Những loại sữa, sữa chua hay phô mai rất giàu canxi và vitamin D. Không chỉ tốt cho xương khớp, các sản phẩm từ sữa còn có thể cải thiện những triệu chứng đau do viêm khớp.
Bên cạnh đó, sữa cũng chứa protein giúp xây dựng hệ cơ bắp. Bệnh nhân thoái hóa khớp đang trong giai đoạn quản lý cân nặng nên lựa chọn các loại sản phẩm sữa ít béo, ít đường.
Dùng thêm các thuốc bảo vệ khớp trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể sử dụng thêm chất bổ sung bên cạnh nguồn thực phẩm tự nhiên. Theo Harvard Health, glucosamine sulfate tinh thể có thể hỗ trợ bảo vệ khớp và giảm các triệu chứng đau khớp từ nhẹ đến trung bình, đặc biệt là khớp gối.
Ở nhiều nước châu Âu, glucosamine là một phần trong liệu trình điều trị theo quy định đối với bệnh nhân viêm khớp, ngay cả trong giai đoạn dự phòng. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối giai đoạn sớm cũng có thể sử dụng glucosamine trước khi dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Ngoài ra, glucosamine còn góp phần bảo vệ các tế bào sụn (chondrocyte), giúp duy trì cấu trúc sụn. Về lý thuyết, chất bổ sung này có khả năng làm chậm sự suy giảm sụn ở khớp gối cũng như giảm đau trong quá trình thoái hóa khớp.
Trước khi sử dụng, người bệnh nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ để phát huy tối đa công dụng của glucosamine.
Bệnh nhân thoái hóa khớp gối kiêng ăn gì?
Ngoài nắm được tình trạng thoái hóa khớp gối nên ăn gì, bạn cũng nên chú ý đến những loại thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế. Người bị thoái hóa khớp gối cần tránh một số loại thực phẩm sau trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối vì chúng có thể làm tình trạng viêm nặng thêm:
- Đường và thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế (như bánh mì trắng, gạo trắng…). Ngoài việc gây tăng cân, đường và những thực phẩm này còn có thể kích hoạt quá trình giải phóng các tế bào gây viêm.
- Muối. Muối có thể khiến các tế bào ngậm nước, làm nặng thêm bệnh viêm khớp. Sưng khớp là triệu chứng phổ biến việc cơ thể hấp thụ lượng muối quá nhiều. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên tránh dùng thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn.
- Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Các chất béo xấu này thường có nhiều trong đồ hộp và các món bánh nướng, chúng có thể gây ra tình trạng viêm.
- Bột ngọt (mì chính) và các chất phụ gia khác như chất làm ngọt nhân tạo aspartame là các chất mà người bị viêm khớp nên tránh sử dụng.
- Axit béo omega-6. Nếu omega-3 đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối thì omega-6 có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất ra các chất gây viêm sưng và đau nhức. Omega-6 có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu bắp, dầu mè, dầu đậu nành và dầu hoa hướng dương hay trong trứng gà, mỡ…
- Thức uống có cồn và thuốc lá. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên hạn chế uống rượu, bia và tránh hút thuốc. Rượu, bia có thể tương tác với một số loại thuốc giảm đau trong khi thuốc lá làm chậm quá trình hồi phục.