I. Tìm hiểu chung
Đau khớp cổ tay là gì?
Cổ tay được cấu tạo từ nhiều khớp nhỏ chịu trách nhiệm ổn định và hỗ trợ xương bàn tay, cẳng tay hoạt động. Tình trạng đau khớp cổ tay thường xảy ra khi bộ phận này chịu tổn thương bởi nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
II. Triệu chứng
1. Những dấu hiệu và triệu chứng đau khớp cổ tay
Tùy vào nguyên nhân và mức độ mà triệu chứng đau khớp cổ tay ở mỗi người có thể không giống nhau. Ví dụ, đau cổ tay do vấn đề viêm xương khớp (thoái hóa) thường âm ỉ. Trong khi đó, hội chứng ống cổ tay có thể dẫn đến các cơn đau tê liệt đi kèm cảm giác ngứa ran, đặc biệt vào ban đêm.
Ngoài ra, vị trí nơi cổ tay bị đau cũng có khả năng hỗ trợ bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu này.
2. Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Phần lớn trường hợp, triệu chứng đau nhức ở khớp cổ tay không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm lạnh, nghỉ ngơi và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức cổ tay kèm theo sưng kéo dài nhiều ngày hoặc càng ngày trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên sớm đến bệnh viện để kiểm tra. Chậm trễ trong việc điều trị không chỉ làm giảm hiệu quả phục hồi mà còn có nguy cơ để lại biến chứng tàn tật vĩnh viễn.
III. Nguyên nhân
1. Nguyên nhân đau khớp cổ tay là gì?
Cổ tay bị đau nhức có khả năng phát sinh từ nhiều yếu tố. Trong đó, phổ biến nhất là:
✧ Chấn thương vật lý
- Đột ngột va chạm mạnh
Chống tay khi té ngã là một trong nhiều nguyên nhân phổ biến gây chấn thương cổ tay. Lúc này, bạn có thể bị bong gân, trật khớp hoặc thậm chí là nứt, gãy xương.
Đặc biệt, tình trạng gãy xương thuyền có khả năng không thể hiện trên kết quả chụp X-quang ngay sau khi chấn thương xảy ra, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bị trì trệ.
- Lạm dụng cổ tay
Những hoạt động thường ngày, chẳng hạn như chơi quần vợt, kéo đàn cello hoặc lái xe đường trường…, rất dễ gây viêm ở các mô xung quanh khớp cổ tay hoặc nứt xương do áp lực hoạt động quá lớn, từ đó, khiến cho khớp cổ tay bị đau.
- Chấn thương thể thao
Tương tự đầu gối, cổ tay cũng là một trong nhiều bộ phận dễ gặp chấn thương khi bạn chơi thể thao. Những người thường xuyên chơi bowling, golf hay thể dục dụng cụ có rủi ro đau nhức cổ tay cao hơn người khác.
✧ Viêm khớp
Một nguyên nhân khác gây đau khớp cổ tay là do viêm khớp cổ tay, trong đó có thể bao gồm:
- Thoái hóa khớp (viêm xương khớp)
Tình trạng lớp sụn khớp ở các đầu xương bị bào mòn theo thời gian gọi là thoái hóa. Thực tế, so với cổ tay, thoái hóa khớp phổ biến hơn đầu gối. Viêm xương khớp cổ tay chủ yếu phát sinh nếu bạn từng có tiền sử chấn thương ở bộ phận này trong quá khứ.
- Viêm khớp dạng thấp
Đây là một dạng bệnh tự miễn, tức là các tế bào bạch cầu tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể. Cổ tay là một trong các bộ phận dễ chịu ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp nhất. Theo nghiên cứu, bệnh thường xảy ra ở cả hai tay.
✧ Một số vấn đề sức khỏe khác
- Hội chứng ống cổ tay đề cập đến tình trạng diện tích ống cổ tay thu hẹp do bị các cấu trúc xung quanh đè lên, từ đó chèn ép dây thần kinh giữa của cánh tay, gây đau nhức và ngứa ran khó tả.
- Nổi hạch (sưng hạch): hạch là những khối u nhỏ, có dịch bên trong và có thể gây đau khi bạn ấn vào. Chúng thường phát triển từ khớp cổ tay đến bàn tay. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hạch là khối u lành tính.
- Bệnh Kienbock liên quan đến tình trạng tổn thương dần dần của một đoạn xương nhỏ ở cổ tay, phát sinh bởi nguồn cung cấp máu cho bộ phận này bị tổn hại. Người trẻ tuổi thường dễ gặp phải vấn đề sức khỏe này.
✧ Các yếu tố rủi ro gây đau khớp cổ tay
Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bị đau nhức cổ tay, dù cho họ ít vận động hay thường xuyên hoạt động thể chất. Bên cạnh các nguyên nhân trên, cổ tay bị đau cũng có nguy cơ cao diễn ra nếu bạn đáp ứng bất kỳ điều kiện nào dưới đây, bao gồm:
- Một số công việc đòi hỏi các thao tác bằng tay lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian như đan móc, cắt tóc… có thể dễ dàng “vô hiệu hóa” cổ tay, đồng thời kéo theo những cơn đau nhức khó chịu.
- Phụ nữ mang thai, người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, gout hoặc béo phì đều có khả năng cao đối mặt với vấn đề hội chứng ống cổ tay.
IV. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
1. Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau khớp cổ tay?
Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát bằng cách:
- Kiểm tra các biểu hiện đau, sưng hoặc biến dạng ở cổ tay.
- Yêu cầu bạn cử động cổ tay nhằm kiểm tra phạm vi chuyển động của bộ phận này.
- Đánh giá khả năng cầm nắm của bàn tay và sức khỏe của cánh tay.
Sau đó, tùy theo từng trường hợp, các chuyên gia có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác, ví dụ như:
✧ Xét nghiệm hình ảnh
- Chụp X-quang: tìm kiếm dấu hiệu gãy xương hoặc thoái hóa.
- Chụp CT: so với X-quang, xét nghiệm này cung cấp hình ảnh xương cổ tay chi tiết hơn. Từ đó, bác sĩ có thể phát hiện những vết nứt, gãy không xuất hiện dưới ảnh hưởng của tia X.
- Chụp MRI: sử dụng từ trường mạnh và tần số vô tuyến nhằm tạo dựng hình ảnh chi tiết về xương cổ tay và các mô mềm xung quanh.
- Siêu âm: hỗ trợ các chuyên gia đánh giá tình trạng sức khỏe ở gân, dây chằng và u nang (nếu có).
✧ Nội soi khớp cổ tay
Nếu kết quả xét nghiệm hình ảnh không thể giúp bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng, họ sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm xét nghiệm nội soi khớp cổ tay.
Hiện nay, nội soi khớp là thủ thuật được đánh giá rất cao về mặt hiệu quả trong việc kiểm tra tình trạng đau khớp cổ tay mãn tính. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể tiến hành điều trị các vấn đề phát sinh tại đây bằng phương pháp nội soi.
✧ Xét nghiệm thần kinh
Điện cơ đồ (electromyogram – EMG) có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghi người bệnh mắc hội chứng ống cổ tay.
2. Những phương pháp điều trị đau khớp cổ tay
Hiện nay, đau nhức ở cổ tay có thể được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhằm nâng cao hiệu quả tốt nhất có thể, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng trường hợp dựa trên các yếu tố:
- Nguyên nhân gây đau nhức ở khớp cổ tay
- Vị trí đau
- Mức độ nghiêm trọng của chấn thương
- Tình trạng sức khỏe hiện tại và tuổi tác của người bệnh.
Nhìn chung, các phương pháp thường được áp dụng có thể kể đến như sau:
✧ Sử dụng thuốc
Phần lớn trường hợp, thuốc giảm đau sẽ được dùng nhằm đẩy lui các triệu chứng khó chịu. Paracetamol và ibuprofen là những loại thuốc phổ biến trong nhóm giảm đau.
Mặt khác, các chuyên gia cũng lưu ý người bệnh cần tuân thủ chính xác những chỉ định của bác sĩ về việc uống thuốc (liều lượng, thời gian dùng…) nhằm hạn chế rủi ro phát sinh biến cố như viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận… do tác dụng phụ của thuốc.
✧ Các liệu pháp trị liệu
Trong trường hợp xương cổ tay nứt hoặc gãy nhẹ, bác sĩ sẽ nắn chỉnh là các mảnh xương vào đúng vị trí và để cơ thể tự chữa lành thương tổn. Lúc này, bạn có thể cần bó bột hoặc đeo nẹp nhằm cố định những mảnh xương này cho đến khi xương cổ tay bình phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, đeo nẹp cũng có thể đem lại lợi ích đối với tình trạng đau khớp cổ tay do bong gân hoặc giãn, rách dây chằng. Nẹp giúp hạn chế cổ tay vận động, tạo điều kiện cho tình trạng thương tổn ở đây sớm bình phục.
Tập vật lý trị liệu là một phương pháp phổ biến khác dành cho trường hợp đau cổ tay dạng nhẹ. Ngoài ra, người bị đau khớp cổ tay cần phẫu thuật cũng nên thực hiện các bài tập này nhằm phục hồi chức năng hoạt động của cổ tay.
✧ Phẫu thuật
Hầu hết tình trạng đau khớp cổ tay không cần điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, đôi khi đây lại là giải pháp cuối cùng mà người bệnh có thể lựa chọn.
Những trường hợp cần đến phẫu thuật bao gồm:
- Người bệnh không đáp ứng tốt với những liệu trình điều trị trước đó.
- Gãy xương nghiêm trọng: bác sĩ cần phẫu thuật để nối lại các đoạn xương bằng các thanh kim loại chuyên dụng.
- Hội chứng ống cổ tay: nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ cần thiết để mở rộng ống cổ tay, từ đó giải phóng sức ép trên dây thần kinh giữa.
- Đứt gân hoặc dây chằng: đây là tình trạng nghiêm trọng và cần được phẫu thuật để nối lại các dải mô bị đứt.
V. Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau khớp cổ tay?
Bạn không thể ngăn chặn hết tất cả biến cố phát sinh có thể gây chấn thương cổ tay. Tuy nhiên, một vài mẹo nhỏ dưới đây có thể góp phần hỗ trợ bảo vệ bộ phận này:
- Tăng cường sức khỏe xương khớp: người trưởng thành nên cố gắng hấp thụ 1.000mg canxi mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe xương, khớp tốt nhất có thể. Ngoài ra, hàm lượng canxi sẽ cần tăng lên 1.200mg đối với phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.
- Cẩn thận khi đi lại: bạn có thể chủ động tránh té ngã bằng cách đi đứng cẩn thận, chọn mang giày dép phù hợp và dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Đừng quên đảm bảo ánh sáng trong nhà đủ để bạn nhìn rõ đường đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể lắp thêm tay vịn ở cầu thang hoặc trong phòng tắm nếu cần thiết.
- Mặc đồ bảo hộ theo đúng quy định trong công việc hoặc thi đấu thể thao.