Bệnh viêm xương khớp là một dạng của viêm khớp, nó xảy ra khi các mô trong khớp bị phá vỡ theo thời gian. Viêm xương khớp thường gặp và phổ biến hơn cả ở những người lớn tuổi. Các triệu chứng thường thấy bao gồm đau và cứng ở các khớp, khiến người bệnh khó cử động các khớp và gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Cùng Thuần mộc tìm hiểu về bệnh viêm xương khớp trong bài viết dưới đây.
I. Tìm hiểu chung
Bệnh viêm xương khớp là bệnh gì?
Bệnh viêm xương khớp (bệnh khớp thoái hóa) là bệnh mà các khớp trở nên đau và cứng, thường gặp ở đầu gối, háng và xương sống. Đôi khi những khớp khác như khớp ở bàn tay vẫn có thể xuất hiện triệu chứng. Trong các khớp xương này có một bộ phận gọi là sụn, sụn có chức năng đệm khi hai đầu xương ở các khớp này chạm vào nhau. Khi bị viêm khớp, sụn bị hủy hoại và mất khả năng đệm cho xương, do đó sẽ không còn hàng rào bảo vệ giữa hai đầu xương nữa. Các xương sẽ cọ xát vào nhau khi bạn cử động dẫn đến các khớp trở nên sưng và đau đớn.
II. Triệu chứng thường gặp
1. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm xương khớp là gì?
Các triệu chứng của bệnh viêm xương khớp thường nặng dần lên từ từ theo thời gian. Triệu chứng đầu tiên có thể là đau ở khớp xương. Cơn đau sẽ nặng hơn khi tập thể dục và sẽ giảm đau khi nghỉ ngơi. Khi bệnh tiến triển lên, các khớp sẽ trở nên kém linh hoạt. Bạn có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, nhưng nó sẽ dần dần biến mất trong ngày. Khi tình trạng viêm khớp trở nên nặng hơn, các khớp trở nên kém linh hoạt, không co duỗi được và bạn có thể nghe thấy tiếng kèn kẹt khi đang đi.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
2. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu bị đau hoặc cứng ở khớp và không giảm sau vài tuần. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
III. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xương khớp là gì?
Nguyên nhân thường do tuổi già, chấn thương, béo phì hoặc những yếu tố khác. Tình trạng viêm xương khớp xảy ra khi sụn bên trong khớp bị bào mòn hoặc hủy hoại do tuổi tác. Khi sụn bị hỏng, các xương sẽ cọ xát vào nhau khi bạn cử động làm cho các khớp trở nên sưng và đau đớn.
IV. Nguy cơ mắc phải
1. Những ai thường mắc phải bệnh viêm khớp?
Viêm xương khớp rất phổ biến ở người trong độ tuổi 70. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi mắc chứng bệnh thừa cân. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, nhưng sau độ tuổi 55 thì phổ biến ở nữ hơn.
2. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm xương khớp, bao gồm:
- Độ tuổi: nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi.
- Giới tính: phụ nữ có thể dễ mắc bệnh hơn, chưa rõ nguyên nhân tại sao.
- Béo phì: cơ thể càng nặng thì sẽ càng làm tăng áp lực phải chịu lên khớp, từ đó dễ làm khớp bị tổn thương hơn. Ngoài ra, mô mỡ còn tạo ra những protein có hại gây phản ứng viêm ở khớp.
- Bị chấn thương: chấn thương trong khi chơi thể thao hay từ tai nạn có thể tăng nguy cơ bệnh viêm khớp
- Công việc nặng nhọc: nếu công việc của bạn làm tăng áp lực lên khớp, khớp đó có thể dần bị viêm khớp.
- Di truyền: một số người bị di truyền căn bệnh viêm khớp.
- Dị tật xương: một số người bị dị dạng xương khớp bẩm sinh hay khiếm khuyết sụn có thể dễ bị viêm khớp hơn.
- Các bệnh khác: bệnh tiểu đường hoặc bệnh thấp khớp khác như bệnh gút và viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ viêm xương khớp.
V. Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
1. Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm xương khớp?
Thông thường, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán viêm xương khớp thông qua khám lâm sàng và chụp X-quang.
Đầu tiên, khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ kiểm tra:
- Những chuyển động của khớp gây ra tiếng kêu răng rắc.
- Sưng khớp (các xương xung quanh khớp có cảm giác bự hơn bình thường).
- Phạm vi chuyển động bị giới hạn.
- Đau âm ỉ khi ấn vào khớp.
- Các động tác cử động bình thường cũng thường gây đau.
Bên cạnh đó, chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ phát hiện một số vấn đề như:
- Không gian khớp bị giảm.
- Phần cuối xương bị mòn.
- Mọc xương nhánh hay gai xương.
2. Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm xương khớp?
Mục tiêu chữa trị là để kiểm soát cơn đau và ngăn chặn sự phá hủy khớp. Biện pháp chữa trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào lối sống và mức độ viêm khớp. Đối với những cơn đau nhẹ, bạn có thể dùng acetaminophen để giảm đau. Đối với những cơn đau nặng, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm kháng viêm không steroid. Bạn có thể chườm lạnh hoặc dán miếng cao nóng vào chỗ bị đau để giảm bớt triệu chứng. Miếng cao dán nóng hoặc ngâm khớp bị tổn thương trong nước nóng có thể làm giảm bớt triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng. Trong khi đó, chườm lạnh sẽ giúp làm giảm phản ứng viêm sau khi chơi thể thao.
Đối với viêm khớp quá nặng, bác sĩ sẽ cho bạn tập vật lý trị liệu trong một thời gian để bảo tồn khả năng vận động của khớp. Đó thường là những bài tập không tác động mạnh lên các khớp bị tổn thương như bơi lội, đạp xe đạp. Ngoài ra, chúng còn giúp tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai cho cơ bắp. Thay đổi lối sống và giữ cân nặng vừa phải cũng rất quan trọng. Đôi khi, bác sĩ có thể tiêm thuốc kháng viêm có chứa steroid vào khớp để giúp khớp có thể vận động được. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thêm những chất nhờn bổ sung cho khớp như axit hyaluronic. Bạn có thể dùng những dụng cụ hỗ trợ cho việc đi lại như nạng hay khung đi để giảm bớt áp lực lên các khớp bị tổn thương.
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị bạn phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thay thế khớp của bạn bằng một khớp nhân tạo, làm sạch vùng xung quanh khớp.
VI. Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xương khớp?
Để hạn chế diễn tiến bệnh viêm xương khớp, bạn nên:
- Uống thuốc theo quy định của bác sĩ.
- Tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ linh hoạt của khớp háng.
- Thay đổi lối sống để giảm sự khó chịu và sự chống đỡ của đầu gối khi đi. Thử bơi, đi bộ, đạp xe hơn là chạy bộ hay nhảy dây.
- Giảm cân nếu bạn thừa cân.
- Sử dụng các loại kem giảm đau.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ, nạng hoặc một cây ba toong có thể giúp giảm trọng lượng tác động lên đầu gối của bạn khi di chuyển.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.