10 BĂN KHOĂN PHỔ BIẾN VỀ BỆNH CHĂN TAY MIỆNG Ở TRẺ EM

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là căn bệnh quá đỗi quen thuộc nhưng phần đông các bậc cha mẹ có con mắc căn bệnh này vẫn có nhiều nỗi băn khoăn, thắc mắc chưa có lời giải đáp.

Chân tay miệng (hay tay chân miệng) đang là căn bệnh gây ra nhiều nỗi hoang mang cho các gia đình có trẻ nhỏ. Để phòng bệnh cho con yêu, quan trọng nhất vẫn là bạn phải hiểu rõ về nó. Hiểu được nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh có con nhỏ, Thuần mộc đã tổng hợp 10 câu hỏi phổ biến về bệnh chân tay miệng ở trẻ em và tiến hành giải đáp để bạn có thêm một số thông tin hữu ích về căn bệnh này.

Câu hỏi 1: Làm thế nào để phát hiện trẻ bị bệnh chân tay miệng?

Sau khi bị lây nhiễm virus gây bệnh, các triệu chứng của bệnh tay chân miệng sẽ khởi phát sau 3 đến 7 ngày. Sốt là triệu chứng đầu tiên, đi kèm với đó là chán ăn, khó chịu, đau họng và sổ mũi. Sau 1 đến 2 ngày, trẻ bắt đầu cảm thấy đau trong miệng, các đốm đỏ như vết phỏng rộp xuất hiện. Sau đó, chúng sẽ vỡ ra phát triển thành các vết loét.

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ bị phát ban trên da. Đa phần, các vết phát ban này chỉ là những tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, không gây ngứa, một số có thể kèm theo bọng nước.

Câu hỏi 2: Ngoài tay chân miệng, các nốt ban đỏ còn có thể nổi ở đâu? Có trường hợp nào không nổi bóng nước mà trẻ vẫn bị chân tay miệng không?

Ngoài các vị trí điển hình như miệng, lòng bàn tay, bàn chân, các nốt ban đỏ do bệnh chân tay miệng ở trẻ em còn có thể nổi ở mông, quanh hậu môn, bụng, ngực nhưng tỷ lệ này không nhiều. Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nhưng các triệu chứng không điển hình như trẻ chỉ bị sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, các nốt phồng không thể hiện rõ hoặc không có. Những trường hợp này chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm.

Câu hỏi 3: Con đường lây nhiễm của bệnh chân tay miệng ở trẻ em diễn ra như thế nào?

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gồm: Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột EV71 và coxsackie A16. Những virus này thường lây lan qua:

  • Tiếp xúc trực tiếp với các bóng nước ở lòng bàn, bàn chân người bệnh
  • Các giọt nước bắn ra từ miệng người bệnh khi nói chuyện, ho, hắt hơi…
  • Bàn tay nhiễm virus từ môi trường có người bệnh hiện diện (đồ đạc, vật dụng… thường hay tiếp xúc với bàn tay). Bàn tay bị nhiễm bẩn không được rửa tay, nếu đưa lên mắt, miệng, mũi sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất lớn.
  • Do đây là nhóm virus đường ruột phát triển trong hệ tiêu hóa nên bệnh còn có thể lây qua đường ăn uống (đường phân, miệng: virus theo phân ra ngoài nhiễm vào thức ăn, nếu không may sử dụng phải thức ăn bị nhiễm, nguy cơ mắc bệnh là rất lớn).

Câu hỏi 4: Lứa tuổi nào dễ bị tay chân miệng nhất?

Thực tế là tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đều có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, trẻ nhỏ vẫn là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ cao gây ra biến chứng.

Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có ít kháng thể hơn người lớn và khả năng miễn dịch còn yếu khi tiếp xúc môi trường lây nhiễm. Cách phòng ngừa bệnh chân tay miệng ở trẻ em hữu hiệu nhất là vệ sinh ăn uống và vệ sinh cơ thể, đặc biệt tuân thủ việc rửa tay đúng cách, bảo đảm bàn tay mẹ hay người chăm sóc bé và bàn tay bé không bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, đồ chơi và sàn nhà cũng phải sạch vì đây là những nơi virus gây bệnh có thể trú ẩn.

Câu hỏi 5: Khi mắc bệnh, phần lớn trẻ đều tự khỏi, chỉ một số trẻ mới bị biến chứng sang viêm màng não hoặc suy hô hấp. Vậy tỷ lệ biến chứng là bao nhiêu và nếu phát hiện sớm thì có thể ngăn chặn được các nguy cơ không?

Theo các chuyên gia, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng gặp phải biến chứng là khoảng 10%, trong số ca có biến chứng thì tỷ lệ tử vong là dưới 10%. Việc phát hiện sớm trẻ mắc bệnh không ngăn ngừa được biến chứng nhưng nếu các biến chứng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ ngăn ngừa được nguy cơ tử vong.

Nhìn chung, phần lớn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều thuộc thể nhẹ, trẻ sẽ hồi phục sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ gặp phải các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong.

Câu hỏi 6: Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị mắc tay chân miệng thể nặng và cần nhập viện?

Khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, bạn cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để các bác sĩ xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý những triệu chứng cảnh báo bệnh chân tay miệng ở trẻ em đã bước vào tình trạng nguy hiểm dưới đây để đưa trẻ đi khám kịp thời:

  • Quấy khóc liên tục kéo dài: Nếu trẻ quấy khóc liên tục cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 – 20 phút lại quấy khóc thì bạn đừng lơ là bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
  • Sốt cao liên tục không hạ: Khi bệnh trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38 độ C liên tục hơn 48 giờ dù bạn đã cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng và thời gian. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh đang diễn ra trong cơ thể trẻ, có thể dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
  • Hay giật mình: Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Bạn cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình, ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Câu hỏi 7: Trẻ đã bị bệnh chân tay miệng một lần có nguy cơ mắc bệnh nữa không?

Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Nếu trẻ mắc bệnh với loài nào thì sẽ miễn nhiễm với loài đó. Tuy nhiên, do đa số trường hợp mắc bệnh đều thuộc thể nhẹ, có thể khỏi trong vòng 7 – 10 ngày nên trẻ thường không được làm xét nghiệm để biết nguyên nhân gây bệnh là do loài virus nào gây ra. Do đó, trẻ đã bị bệnh chân tay miệng vẫn có thể mắc bệnh do lây nhiễm một loài virus khác.

Câu hỏi 8: Phân biệt loét miệng và bệnh tay chân miệng như thế nào?

Tình trạng loét miệng thông thường và tay chân miệng có rất nhiều điểm tương đồng nên khiến bạn khó phân biệt. Bệnh viêm loét miệng do nhiều nguyên nhân, có thể do các loại virus, do nhiễm vi khuẩn hoặc do trẻ thiếu một số loại vitamin trong chế độ ăn uống. Biểu hiện chính cũng là những nốt loét, có khi có mủ.

Tuy nhiên, trẻ sẽ không có các biểu hiện khác của bệnh chân tay miệng như không có các nốt ở chân tay và toàn thân. Trẻ không quá mệt mỏi, quấy khóc, không sốt cao, không nôn bất thường. Nếu vẫn nghi ngờ trẻ mắc bệnh chân tay miệng, tốt nhất bạn nên cho trẻ đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác, đặc biệt là trong thời điểm dịch tay chân miệng đang bùng phát.

Câu hỏi 9: Làm thế nào để phòng chống bệnh chân tay miệng ở trẻ em đơn giản và hiệu quả nhất?

Về lý thuyết, việc phòng bệnh tay chân miệng rất là đơn giản. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy bởi từ nhận thức đúng cho đến hành động đúng là điều rất xa vời. Phần lớn chúng ta đều biết để phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì cần rửa tay đúng cách, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, sát khuẩn, diệt khuẩn đồ chơi, vệ sinh nơi sinh hoạt của trẻ nhưng việc thực hiện thì lại rất lơ là, chủ quan, nhất là những gia đình chưa có trẻ mắc bệnh.

Rửa tay đúng là rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn dưới vòi nước để rửa trôi đi các chất có chứa virus bám trên tay. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có thói quen rửa tay vội vàng, trong khi đó, các loại xà phòng hay nước rửa tay thông thường thì rất khó làm sạch được vi khuẩn. Do đó, bạn nên chọn những loại sản phẩm có thành phần diệt khuẩn “siêu tốc” để đảm bảo bàn tay của trẻ luôn sạch sẽ.

Không chỉ nhắc nhở bé, bạn và những người chăm sóc trẻ cũng cần phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chăm sóc trẻ, chế biến đồ ăn thức uống cho trẻ, khi vừa ở bên ngoài về…. Bởi bàn tay của người lớn thường là tác nhân trung gian dễ lây bệnh cho trẻ nhất.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong sinh hoạt, sát khuẩn đồ chơi, sàn nhà và các nơi mà bé có thể chạm tay thường xuyên để tránh nguy cơ lây bệnh.

Câu hỏi 10: Có nên cho trẻ không mắc bệnh đến thăm trẻ bị bệnh không? Sau khi thăm, bạn cho bé rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thì liệu có thể phòng bệnh chân tay miệng ở trẻ em?

Theo các bác sĩ, để hạn chế lây nhiễm, bạn không nên cho con đi thăm trẻ bị bệnh chân tay miệng. Thông thường, nhân viên y tế sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sẽ phải tắm, vệ sinh thay quần áo thì mới đảm bảo không mang mầm bệnh. Nói chung việc thăm nuôi trẻ bị tay chân miệng hay những bệnh dễ lây nhiễm khác cần phải hạn chế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *