Bạn có biết sức khỏe răng miệng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể? Những vấn đề ở khoang miệng có khả năng tác động đến nhiều bộ phận khác của cơ thể. Do đó, tìm hiểu các bệnh về răng miệng sẽ giúp bạn biết cách phòng ngừa hiệu quả và bảo vệ sức khỏe nói chung.
Sức khỏe răng miệng bao hàm tình trạng sức khỏe của răng, nướu và toàn bộ hệ thống khoang miệng – những thứ giúp chúng ta cười, nói và nhai. Một số tình trạng/ bệnh lý phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng là sâu răng, bệnh nha chu và ung thư miệng.
Các yếu tố góp phần gây ra bệnh răng miệng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh với lượng đường nhiều, hút thuốc và tác hại của rượu, bia. Thế nhưng, điều đáng mừng là hầu hết các bệnh về răng miệng đều có thể phòng ngừa được và điều trị tốt trong giai đoạn đầu.
Các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng thường gặp
Theo Nghiên cứu về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (Global Burden of Disease Study) năm 2017, ước tính các bệnh về răng miệng gây ảnh hưởng đến gần 3,5 tỷ người trên toàn thế giới, trong đó sâu răng vĩnh viễn là tình trạng thường gặp nhất.
Sâu răng
Sâu răng xảy ra do các mảng bám hình thành trên bề mặt răng và chuyển hoác các loại đường tự do (có trong đồ ăn chế biến sẵn, gia vị tự thêm vào món ăn hay đường tự nhiên có trong siro, mật ong, nước trái cây) thành axit phá hủy lớp men răng theo thời gian.
Việc tiêu thụ nhiều chất đường, không bổ sung đủ flour và không loại bỏ mảng bám nhờ đánh răng có thể dẫn đến sâu răng, gây đau và đôi khi gây mất răng, nhiễm trùng.
Bệnh nha chu
Bệnh nha chu ảnh hưởng đến các mô bao quanh và nâng đỡ răng. Bệnh lý này đặc trưng bởi biểu hiện chảy máu hoặc sưng nướu (viêm nướu), đau đớn và có thể khiến hơi thở có mùi. Trường hợp nặng, nướu có thể tách ra khỏi răng và xương nâng đỡ khiến răng lung lay, có thể rụng răng.
Các bệnh nha chu nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số thế giới. Nguyên nhân chính là do vệ sinh răng miệng kém và hút thuốc lá.
Ung thư miệng
Ung thư miệng bao gồm ung thư môi và các phần khác của khoang miệng và hầu họng. Tỷ lệ bị ung thư này cao hơn ở nam giới và người cao tuổi, thay đổi mạnh theo điều kiện kinh tế xã hội.
Ở một số nước châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ mắc ung thư miệng đứng trong top 3 các loại ung thư. Thuốc lá, rượu bia và nhai trầu cau là những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư miệng.
Chấn thương răng miệng
Chấn thương hay tổn thương xảy ra ở răng, miệng hoặc khoang miệng có thể do các yếu tố răng miệng (như răng mọc không đều) và yếu tố môi trường (như bạo lực, tai nạn…). Quá trình điều trị các thương tổn này thường tốn nhiều chi phí và kéo dài, đôi khi gây mất răng và ảnh hưởng đến khuôn mặt, tâm lý hay chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng của bệnh răng miệng
Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo sức khỏe răng miệng của bạn đang có vấn đề và bạn nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt gồm:
- Viêm loét hoặc đau, nhạy cảm một khu vực trong miệng mà không lành sau 1–2 tuần
- Chảy máu hoặc sưng nướu sau khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa
- Hôi miệng lâu ngày
- Nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Đau nhức răng
- Răng lung lay
- Tụt nướu
- Sưng mặt và má
- Hay bị khô miệng
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên kèm theo sốt cao, sưng mặt và cổ, hãy tìm đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sức khỏe chung
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và tình trạng sức khỏe tổng thể. Khoang miệng bình thường chứa rất nhiều loại vi khuẩn dù hầu hết đều không gây hại. Thế nhưng, miệng cũng là “cửa vào” đường tiêu hóa và hô hấp và nếu có vi khuẩn gây bệnh ở đây, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể dễ dàng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn ở miệng và tình trạng viêm liên quan đến bệnh nha chu có vai trò trong một số bệnh lý khác. Ngược lại, có những bệnh lý như đái tháo đường, HIV/ AIDS, loãng xương, Alzheimer… có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm cho bệnh răng miệng nghiêm trọng hơn.
Sức khỏe răng miệng có thể góp phần gây ra nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe như:
- Viêm nội tâm mạc. Nhiễm trùng ở lớp niêm mạc trong các buồng tim hoặc van tim do vi khuẩn từ nơi khác (có thể từ miệng) theo dòng máu đến tim.
- Bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh tim, tắc nghẽn động mạch và đột quỵ có liên quan đến tình trạng viêm và nhiễm trùng do vi khuẩn ở miệng.
- Các biến chứng mang thai và sinh nở. Viêm nha chu có liên hệ đến tình trạng sinh non và sinh con nhẹ cân.
- Viêm phổi. Một số vi khuẩn trong miệng có thể đi vào phổi và gây viêm phổi hay các bệnh hô hấp khác.
Bạn nên làm gì để chăm sóc sức khỏe răng miệng?
Để phòng ngừa các bệnh về răng miệng và bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn nên xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng tốt hàng ngày. Những việc cần làm chủ yếu giúp giảm bớt các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tăng sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, ít đường và nhiều trái cây, rau củ quả, ưu tiên uống nước lọc thay cho các loại thức uống khác.
- Bỏ hút thuốc, nhai trầu cau và hạn chế uống bia rượu hay thức uống có cồn.
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày với bàn chải mềm và sử dụng kem đánh răng có chứa flour.
- Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày để lấy hết thức ăn thừa còn sót lại trong kẽ răng.
- Thay bàn chải đánh răng mới sau mỗi 3 tháng sử dụng hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị tòe, mòn.
- Đặt lịch hẹn đi khám nha khoa và cạo vôi răng định kỳ, tốt nhất là 2 lần/ năm.
Để bảo vệ răng miệng tránh khỏi các chấn thương từ tác động bên ngoài, bạn cũng cần mang đồ bảo vệ miệng khi chơi các môn thể thao có tính đối kháng hay đua xe đạp…
Hãy nhớ rằng sức khỏe răng miệng không chỉ gây ảnh hưởng đến khoang miệng mà còn gây ra nhiều vấn đề khác. Nhiều bệnh răng miệng có thể phát triển mà không gây ra triệu chứng đáng chú ý. Do đó, đến gặp nha sĩ định kỳ là cách tốt nhất để chăm sóc và phát hiện sớm các vấn đề, bảo vệ sức khỏe răng miệng.