Từ trước đến nay, mật ong luôn được biết đến là một vị thuốc thiên nhiên chữa bệnh hiệu quả. Mật ong có tính chống viêm và chống oxy hóa. Do đó, nó thường được sử dụng để chữa ho và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, đôi khi phương thuốc này lại phản tác dụng và trở thành “kẻ thù” đối với người bị dị ứng mật ong.
Vậy tại sao nhiều người lại bị dị ứng với mật ong? Triệu chứng diễn ra như thế nào và khi bị dị ứng mật ong phải làm sao? Hãy đọc ngay bài viết sau đây nhé!
Mật ong có thể là chất gây dị ứng
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng bản thân mật ong cũng có thể là chất gây dị ứng với một số người. Trong quá trình sản xuất, mật ong có thể bị lẫn phấn hoa từ các loài cây khác, chẳng hạn như:
- Hoa nhãn
- Hoa vải
- Hoa hướng dương
- Bạch đàn
- Hoa điều
- Hoa tràm
- Hoa bạc hà
- Hoa tam giác mạch
- Hoa chôm chôm
- Các thực vật khác trong khu vực
Nếu bị dị ứng phấn hoa, bạn cũng có thể bị dị ứng với một số loại mật nhất định. Trong nhiều trường hợp, phấn hoa mới chính là thủ phạm gây ra phản ứng, thay vì mật ong.
Triệu chứng dị ứng mật ong
Như đã nói ở trên, mật ong tự nhiên thường hay bị lẫn với phấn hoa và các loài thực vật gây dị ứng khác. Do đó, các triệu chứng dị ứng có thể tương tự với dị ứng phấn hoa, chẳng hạn như:
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Sưng tấy
- Chảy nước mắt
- Ngứa họng
- Phát ban
- Nổi mề đay
- Nổi da gà
Các triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng. Phản ứng này thường xảy ra khi bạn uống hoặc tiếp xúc da trực tiếp với mật ong.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các triệu chứng dị ứng có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Thở khò khè
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy
- Ngất xỉu
- Nhịp tim không đều
- Sốc phản vệ
Nếu bạn phát hiện mình gặp các triệu chứng bất thường sau khi sử dụng mật ong, hãy đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Cũng như các loại dị ứng khác, tình trạng dị ứng này sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Mật ong có an toàn với trẻ nhỏ không?
Mật ong được xem là thực phẩm an toàn với trẻ nhỏ, song không được khuyến khích sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Mật ong có khả năng mang theo vi khuẩn clostridium. Đây là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong bụi bẩn, gây ảnh hưởng đến cơ thể của trẻ. Đối với trẻ lớn và người trưởng thành, hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa đã phát triển đầy đủ nên vi khuẩn này thường không gây hại.
Nếu trẻ nhỏ ăn phải mật ong chứa clostridium, vi khuẩn này có thể sinh sôi trong ruột và ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Tình trạng này được gọi là ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh. Mặc dù hiếm nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như yếu cơ và các vấn đề hô hấp, thậm chí là tử vong.
Các triệu chứng khác từ tình trạng ngộ độc mật ong bao gồm:
- Táo bón
- Khóc yếu ớt
- Giảm vận động
- Khó nuốt
- Ăn kém
- Mất biểu hiện trên khuôn mặt
Chứng ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh có thể được điều trị nhưng điều quan trọng là trẻ cần được phát hiện và thăm khám kịp thời. Nếu con bạn ăn mật ong và xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào nêu trên, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Điều trị dị ứng mật ong
Khi phát hiện có triệu chứng thì dị ứng mật ong phải làm sao? Bạn có thể điều trị các triệu chứng dị ứng bằng thuốc kháng histamine không kê đơn như Benadryl. Nếu cách chữa dị ứng mật ong trên không hiệu quả và các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc không thể cải thiện sau khi dùng thuốc khoảng 1 tiếng, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tình trạng dị ứng này đôi khi không phải do chính mật ong mà là do phấn hoa hoặc các thành phần khác trong mật gây ra. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng thường xuyên xuất hiện sau khi bạn dùng mật ong, cách chữa dị ứng mật ong là ngưng sử dụng và tránh xa nó. Đồng thời, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám sớm. Bác sĩ sẽ giúp bạn ngăn ngừa bất kỳ phản ứng bất lợi tiềm ẩn nào có thể xảy ra với cơ thể.