TIẾT LỘ TỪ A ĐẾN Z NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ MỤN ĐẦU ĐEN

Mụn đầu đen mang lại cảm giác sần sùi và khiến làn da mất thẩm mỹ, lâu ngày sẽ tạo cho chúng ta sự khó chịu vì không thể thoát khỏi đám mụn đáng ghét này. Tuy nhiên, khó tiêu diệt không có nghĩa là vô phương cứu chữa. Nắm được những điều nên biết về mụn đầu đen sẽ giúp bạn biết được những phương pháp điều trị thích hợp cho bản thân, tránh gặp những rủi ro và sai lầm không đáng có.

1. Mụn đầu đen là gì?

Mụn đầu đen là dạng mụn bít tắc không viêm. Chúng hình thành do phần đầu lỗ chân lông bị bít tắc bởi bụi bẩn, da chết hay sản phẩm trang điểm, hoặc các thành phần gây bí da. Không như mụn đầu trắng, phần tạp chất ở miệng lỗ chân lông tiếp xúc với không khí rồi bị oxy hóa và biến thành màu đen tạo nên mụn đầu đen.

Chúng thường xuất hiện trên mặt, lưng, cổ, ngực và vai. Đây là những vùng có nhiều nang lông hơn các vị trí khác. Mặc dù mụn đầu đen không gây sưng viêm và mang lại cảm giác đau đớn nhưng chúng là một trong những loại mụn lì lợm và khó tiêu diệt nhất.

2. Nguyên nhân gây nên mụn đầu đen

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị mụn đầu đen.

Tuổi tác và những thay đổi nội tiết tố là một yếu tố quan trọng. Cũng giống như mụn trứng cá, mụn đầu đen thường xuất hiện ở độ tuổi dậy thì. Đây là lúc nội tiết tố trong cơ thể thay đổi nhiều nhất và kích thích cơ thể sản xuất nhiều bã nhờn hơn. Tuy nhiên, mụn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Androgen – hormone sinh dục nam làm những tuyến bã nhờn trên da phình to và tiết ra bã nhờn nhiều hơn. Cả nam và nữ đều gặp tình trạng androgen tăng cao ở tuổi dậy thì.

Việc thay đổi nội tiết sau tuổi dậy thì liên quan đến kinh nguyệt, mang thai và sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể gây mụn đầu đen ở phụ nữ.

Các tế bào da của cơ thể khi được sản xuất quá mức cũng có thể gây ra mụn đầu đen.

Những yếu tố khác bao gồm:

  • Dùng mỹ phẩm không đúng, quần áo quá chật chội làm da bị cọ xát và khó thoát mồ hôi làm lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Cạo râu hoặc cạo lông làm nang lông mở ra.
  • Môi trường có độ ẩm cao, nhiều dầu mỡ, khí hậu nóng ẩm.
  • Một số nguyên nhân liên quan đến sức khỏe chẳng hạn như căng thẳng, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
  • Stress, thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
  • Sử dụng một số loại thuốc có gốc steroid, ví dụ như corticosteroid.
  • Các sản phẩm chứa cồn làm da bị khô và mất đi độ ẩm.

Trái ngược với các quan niệm thông thường, việc vệ sinh kém không trực tiếp liên quan đến nguyên nhân gây mụn đầu đen. Ngược lại, cố gắng trị mụn bằng việc làm sạch và kì cọ quá mức sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

3. Phân biệt mụn đầu đen và sợi bã nhờn (hay còn gọi là mụn cám)

Một trong những điều nên biết về mụn đầu đen chính là phân biệt được mụn đầu đen và sợi bã nhờn. Mặc dù chúng khá giống nhau nhưng thực tế lại khác nhau hoàn.

Sợi bã nhờn không phải là mụn mà là hiện tượng bình thường của da, chúng nhỏ hơn, mọc thành vùng (đặc biệt ở vùng có tuyến dầu hoạt động mạnh như vùng mũi, cằm…) và thường không có cảm giác gồ ghề trên da. Sợi bã nhờn đặc biệt xuất hiện ở những nơi có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, hình thành do sự tích tụ các tạp chất ở lỗ chân lông.

4. Trị mụn đầu đen: những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm

Đa số mọi người đều thực hiện những biện pháp trị mụn đầu đen mà không cần tìm đến bác sĩ, nhưng một số phương pháp có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn hay thậm chí là gây sưng viêm và hình thành các loại mụn khác trên da.

♦ Các phương pháp NÊN thực hiện:

Làm sạch da: Phương pháp để làm sạch mụn đầu đen hiệu quả chính là tẩy da chết hóa học và cơ học.

Tẩy da chết cơ học hay còn gọi là tẩy tế bào chết chết vật lý, sử dụng tác động lực để làm bong lớp da chết. Đó có thể là các hạt scrub, gel kì hay các dụng cụ hỗ trợ cho việc rửa mặt. Bạn nên chọn các loại scrub có kích thước nhỏ, không quá bén để có thể làm sạch da một cách an toàn.

Tẩy tế bào chết hóa học là sử dụng các hoạt chất có khả năng nới lỏng liên kết của các tế bào chết để chúng tự bong ra khỏi bề mặt da. Vì tẩy da chết hóa học không cần nhiều lực tác động trong quá trình sử dụng nên phương pháp này được đánh giá là dịu nhẹ cho da.

Giảm lượng dầu thừa trên da là chìa khóa quan trọng để giảm mụn đầu đen. Tuy nhiên, làm sạch da quá mức sẽ gây tác dụng ngược, khiến tình hình mụn trở nên tệ hơn vì dầu sẽ sinh ra nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt độ ẩm.

Đọc kỹ bảng thành phần sản phẩm: Nên tránh xa các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm có chứa cồn, dầu khoáng, paraben, silicone… hoặc các sản phẩm có kết cấu quá đặc vì chúng có làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Thay vào đó, sử dụng các sản phẩm dạng gel, thẩm thấu nhanh, không chứa dầu.

Dùng những sản phẩm đặc trị: Sử dụng các loại thuốc trị mụn không viêm không cần toa chứa các chất như: azelaic acid, salicylic acid và benzoyl peroxide. Những loại thuốc này có ở dạng kem, gel và được bôi trực tiếp lên da của bạn. Chúng hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, giảm tiết dầu thừa và buộc các tế bào da chết phải bong khỏi da.

Những loại thuốc dùng theo toa có chứa vitamin A như tretinoin, tazarotene và adapalene có thể được dùng để làm giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới.

Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ tìm đến các phương pháp đặc trị khi tình trạng mụn đã trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất, bạn nên có những cách điều trị hợp lý để tình trạng mụn được cải thiện trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu các ý kiến của chuyên gia về cách sử dụng thuốc đặc trị. Việc tự ý sử dụng quá nhiều thành phần trị mụn không hợp nhau sẽ khiến tình trạng phát sinh mụn nhiều và nặng hơn.

Điều trị theo thứ tự ưu tiên: Bất kỳ khác vấn đề về da chẳng hạn như bệnh chàm (eczema) hay bệnh rosacea có thể làm cho việc trị mụn đầu đen trở nên khó khăn hơn. Các bệnh lý da liễu này cần được ưu tiên điều trị trước, nếu thành công sẽ có thể giúp cải thiện tình trạng mụn đầu đen trên da.

Nghỉ ngơi và thư giãn: Nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ và tránh xa căng thẳng cũng giúp bạn giảm bớt mụn đầu đen vì căng thẳng có thể kích thích da sản xuất bã nhờn nhiều hơn. Tập thể dục giúp bạn giảm bớt căng thẳng, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn.

Chế độ ăn uống hợp lý: Các nghiên cứu vẫn chưa xác nhận rằng việc loại bỏ thành phần này hay ăn nhiều thành phần khác sẽ hỗ trợ làm giảm mụn trứng cá. Nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây tươi và rau quả sẽ có lợi cho sức khỏe. Nó có thể hỗ trợ làm giảm các nguy cơ khiến da bị tổn thương và viêm nhiễm.

♦ Những việc KHÔNG NÊN làm

Những kích thích do nội tiết tố là không tránh khỏi, tuy nhiên có một số nguyên nhân có thể làm tình trạng mụn đầu đen trở nên tồi tệ hơn.

Nặn mụn: Tránh việc nặn mụn, dù tay bạn đã rửa sạch hay kể cả khi bạn dùng dụng cụ để thực hiện. Việc này có thể làm kích ứng da và khiến da bị tổn thương nhiều hơn.

Xông hơi da mặt: Nhiều ý kiến cho rằng xông hơi giúp giãn nở lỗ chân lông, từ đó có thể trị mụn đầu đen một cách hiệu quả. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được phương pháp này có hiệu quả do lỗ chân lông không có cơ chế co lại hoặc nở ra bởi nhiệt độ. Hơn nữa, nhiệt độ cao và hơi nước liên tục bốc hơi khiến độ ẩm trong da bị mất đi và đôi khi không cẩn thận sẽ khiến da bị bỏng.

Chà xát quá kỹ: ​​Chà xát giúp loại bỏ bã nhờn và các tồn dư trên da. Tuy nhiên, sau đó các tuyến bã nhờn lại làm việc chăm chỉ hơn để bù đắp cho lượng dầu bị mất đi, dẫn đến da đổ nhiều dầu hơn và tăng nguy cơ gây mụn viêm.

Lột mụn: Sử dụng mặt nạ lột mụn chỉ có thể giải quyết tạm thời tình trạng mụn đầu đen ở da. Sau khi sử dụng, bạn có thể thấy được những nốt mụn đầu đen biến mất nhưng chỉ vài ngày sau chúng sẽ nhanh chóng quay lại. Lực kéo mạnh để lấy đi mụn sẽ gây hiện tượng đỏ rát cho da, xuất hiện tình trạng kích ứng sau khi sử dụng. Nếu sử dụng thường xuyên hoặc quá lạm dụng sẽ khiến da dần trở nên yếu và mất đi khả năng bảo vệ vốn có.

Hành trình trị mụn không còn gian nan nữa sau khi bạn nắm được từ A đến Z những điều nên biết về mụn đầu đen. Làn da mịn màng không còn tì vết sẽ không còn là giấc mơ xa vời nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *