BỆNH HEN SUYỄN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Hen suyễn là một căn bệnh phổi kinh niên gây viêm và thu hẹp đường hô hấp. Căn bệnh này gây ra nhiều triệu chứng như: tái diễn những chu kỳ thở khò khè (tạo ra âm thanh giống như tiếng huýt gió khi thở), ho, tức ngực và khó thở. Bệnh nhân thường ho nhiều hơn vào buổi đêm hoặc sáng sớm.

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh hen suyễn nhưng thường sẽ phát bệnh từ khi còn nhỏ. Ở Mỹ có khoảng 25 triệu người mắc căn bệnh này và trong số đó có đến 7 triệu trẻ em.

Bệnh hen suyễn là gì?

Để hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn, chúng ta cần biết cách đường hô hấp hoạt động. Đường hô hấp là những đường ống dẫn không khí ra và vào phổi. Với những người bị hen suyễn, đường hô hấp của họ đã bị viêm, trở nên sưng tấy và rất nhạy cảm. Lúc này, chúng có khuynh hướng phản ứng mạnh với một số chất hít được.

Khi đường hô hấp phản ứng, các cơ quanh đường ống sẽ co thắt lại, đường hô hấp cũng bị thu hẹp lại theo và dẫn đến không có nhiều không khí vào được phổi. Các tế bào trong đường hô hấp sẽ tạo ra nhiều đờm (một chất dịch nhầy, dày và dính) hơn bình thường và chất này thì dính nên có thể khiến đường thở hẹp hơn nữa.

Chuỗi phản ứng này sẽ tạo ra các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Những triệu chứng này sẽ xuất hiện mỗi khi đường hô hấp bị viêm.

Hình A chỉ ra vị trí của phổi và đường hô hấp trong cơ thể. Hình B cho thấy một phần cắt ngang của đường hô hấp bình thường. Hình C là hình ảnh cắt ngang của đường hô hấp đang bị các triệu chứng hen suyễn.

Đôi khi các triệu chứng của bệnh hen suyễn nhẹ và sẽ tự hết hoặc biến mất sau khi được điều trị một ít với thuốc hen suyễn. Còn với một số trường hợp khác, các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn.

Khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hay xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác thì có nghĩa là bạn đang lên cơn hen suyễn, còn gọi là bộc phát cơn hen hay cơn hen trầm trọng.

Chữa trị các triệu chứng hen suyễn ngay khi bạn nhận biết được là rất quan trọng. Việc này sẽ giữ cho các triệu chứng không diễn tiến nặng hơn và không bị lên cơn hen suyễn nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân bị bộc phát cơn hen một cách gay gắt, họ cần được chăm sóc khẩn cấp, nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Mối quan hệ giữa hen suyễn và trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý về đường tiêu hóa còn hen suyễn là một bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp. Tuy nhiên, hai căn bệnh này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những bệnh nhân hen suyễn có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản và bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm cho bệnh hen suyễn thêm trầm trọng hơn.

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit dịch vị trào ngược trở lại thực quản. Điều này làm tổn thương đến lớp niêm mạc ở cổ họng và đường hô hấp, gây ra tình trạng khó thở và ho dai dẳng. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với dịch axit sẽ khiến phổi trở nên nhạy cảm hơn với các chất kích thích khiến cơn hen bộc phát như bụi và phấn hoa.

Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày thực quản có thể kích hoạt các phản xạ thần kinh tự vệ. Phản xạ này khiến đường hô hấp co thắt lại để ngăn chặn không cho axit dạ dày tràn vào phổi, dẫn đến những triệu chứng hen suyễn như khó thở.

Bệnh hen suyễn gây trào ngược dạ dày thực quản

Hen suyễn có thể tác động tiêu cực đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Những thay đổi về áp lực bên trong ngực và bụng khi cơn hen bộc phát có thể làm cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm. Nguyên nhân do khi phổi bị sưng viêm và áp lực bên trong dạ dày tăng lên sẽ khiến các cơ đóng vai trò ngăn chặn axit trở nên mềm yếu, tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược vào trong thực quản.

Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở người hen suyễn

Ợ nóng là triệu chứng chính của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở người trưởng thành. Tuy nhiên, một số người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản đôi khi không có triệu chứng này. Thay vào đó, họ lại có các triệu chứng tương như tự như các triệu chứng của bệnh hen suyễn, điển hình là ho khan hoặc khó nuốt.

Tình trạng hen suyễn có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản nếu:

  • Triệu chứng hen suyễn bộc phát vào giai đoạn trưởng thành
  • Triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng sau khi ăn no hay tập thể dục
  • Triệu chứng hen suyễn xảy ra khi uống rượu bia
  • Triệu chứng hen suyễn xảy ra vào buổi tối hoặc khi đi ngủ
  • Thuốc trị hen suyễn không phát huy tác dụng hiệu quả.

Rất khó để xác định triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, đặc biệt nếu trẻ còn quá nhỏ. Sau đây là một số dấu hiệu bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ:

  • Hay quấy khóc
  • Thường cong lưng (đặc biệt là sau khi ăn)
  • Chán ăn
  • Tăng trưởng kém (về cả cân nặng và chiều cao)
  • Ợ liên tục
  • Buồn nôn
  • Ho và khó thở.

Làm gì khi mắc trào ngược dạ dày thực quản kèm hen suyễn?

Nếu bạn mắc đồng thời bệnh hen suyễn và trào ngược dạ dày thực quản thì các bác sĩ sẽ tập trung điều trị bệnh trào ngược dạ dày bởi nếu bệnh này được cải thiện thì các triệu chứng hen suyễn cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Bên cạnh việc dùng thuốc thì bạn cũng có thể thực hiện những biện pháp sau để làm dịu các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản:

  • Kê gối ngủ cao từ 15 đến 20 cm
  • Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ
  • Tránh xa những thực phẩm giàu chất béo và axit
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Mặc quần áo rộng rãi, tránh bó chặt cơ thể.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lơ là trong việc điều trị hen suyễn. Điều này có nghĩa là bạn phải dùng thuốc trị hen suyễn thường xuyên bởi vì ngoài tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thì có rất nhiều yếu tố khác gây kích hoạt cơn hen.

Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn là gì?

Chúng ta chưa thể biết được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh hen suyễn. Các nhà nghiên cứu cho rằng: một số yếu tố môi trường và di truyền đã tương tác với nhau, thường gây ra bệnh hen suyễn ngay từ những giai đoạn đầu đời. Các yếu tố bao gồm:

  • Xu hướng hình thành dị ứng di truyền, gọi là tạng dị ứng
  • Cha mẹ mắc bệnh hen suyễn
  • Bị hiễm trùng hô hấp khi còn nhỏ
  • Dị ứng với không khí; mắc bệnh lây nhiễm virus ở trẻ sơ sinh hoặc trong thời thơ ấu khi hệ miễn dịch đang phát triển.

Nếu bệnh hen suyễn hoặc tạng dị ứng có xuất hiện trong gia đình bạn, việc tiếp xúc với các chất kích thích (ví dụ: khói thuốc lá) có thể làm đường hô hấp của bạn phản ứng mạnh hơn với các chất có trong không khí.

Đối với một số người nhất định, sẽ có vài yếu tố dễ gây ra bệnh hen suyễn cho họ hơn so với những người khác. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục làm việc để khám phá xem còn những yếu tố nào khác gây ra căn bệnh này.

Nuôi thú cưng là tác nhân gây bệnh hen suyễn

Nhiều người cho rằng lông thú cưng chính là thủ phạm gây dị ứng ở bệnh nhân hen suyễn. Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự ở đây chính là một loại protein có trong nước bọt, nước tiểu và vảy da chết ở động vật.

Do đó, bản thân lông thú cưng không phải là nguyên nhân gây hen suyễn, nhưng khi thú cưng tự liếm mình thì loại protein gây dị ứng có thể bám vào lông chúng và trở thành tác nhân khiến các cơn hen bộc phát.

Nếu nghi ngờ thú cưng chính là nguyên nhân khiến các triệu chứng của bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm xác định xem liệu lông thú cưng có phải là tác nhân khiến bạn dị ứng hay không.

Nếu thực sự bị dị ứng với lông thú cưng nhưng vẫn muốn giữ chúng trong nhà thì bạn hãy áp dụng phương pháp miễn dịch (tiêm kháng nguyên dị ứng).

Đồng thời, bạn cũng nên lưu ý những điều sau để tránh lên cơn hen khi nuôi thú cưng trong nhà:

  • Không để cho thú cưng ra vào phòng ngủ của bạn
  • Không ôm hoặc hôn thú cưng
  • Hút bụi thường xuyên để làm sạch các vảy da chết và lông thú cưng trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ của con bạn
  • Nhờ những người thân trong gia đình không mắc bệnh hen suyễn tắm cho thú cưng mỗi tuần 1 lần
  • Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình rửa tay sau khi vui đùa với thú cưng
  • Giữ vệ sinh nơi ở của thú cưng bởi vì vảy thú cưng là thức ăn ưa thích của mạt bụi – một tác nhân khác khiến các triệu chứng của hen suyễn trầm trọng hơn.

Nếu những phương pháp trên vẫn không hiệu quả thì tốt nhất bạn nên tìm một chủ mới cho thú cưng của mình.

Bạn nên lưu ý rằng dù không giữ thú cưng trong nhà nữa nhưng các tác nhân gây dị ứng vẫn còn tồn tại khoảng vài tháng sau đó. Vì vậy, bạn nên dùng thuốc thường xuyên để phòng ngừa các cơn hen bộc phát một cách tốt nhất.

Những ai có nguy cơ bị hen suyễn?

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị hen suyễn, thường xuất hiện ngay từ thời thơ ấu. Có đến 8,3% dân số ở Mỹ bị mắc căn bệnh này và trẻ em chiếm 28% trong số đó.

Những trẻ em thường thở khò khè và bị nhiễm trùng hô hấp cũng như các yếu tố nguy hiểm khác sẽ có nguy cơ cao phát triển hen suyễn trong hơn 6 năm tuổi. Các yếu tố nguy hiểm khác bao gồm: dị ứng, chàm (tình trạng da dị ứng) hoặc ba mẹ bị hen suyễn.

Ở trẻ em, các bé trai thường sẽ dễ bị hen suyễn hơn bé gái. Nhưng đối với người lớn, phụ nữ lại mắc căn bệnh này nhiều hơn nam. Chưa thể khẳng định được liệu giới tính và hormone giới tính có góp phần gây ra hen suyễn hay không và gây ra như thế nào.

Phần lớn mọi người khi bị hen suyễn thì sẽ bị dị ứng. Một số người bị mắc căn bệnh này do tiếp xúc với một số hóa chất kích thích hoặc bụi rác công nghiệp tại nơi làm việc, được gọi là hen suyễn lao động.

Chẩn đoán bệnh hen suyễn

Để chẩn đoán bệnh hen suyễn, các bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe của trẻ, các vấn đề về hô hấp và tiểu sử bệnh tình của gia đình. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tình trạng dị ứng, các căn bệnh và vật tiếp xúc có thể gây khó khăn trong việc hô hấp.

Trẻ em sẽ được khám lâm sàng và kiểm tra chức năng của phổi. Để tiến hành, thường thì các bác sĩ sẽ kiểm tra việc hô hấp bằng cách dùng hô hấp kế, một loại máy dùng để phân tích luồng không khí đi qua đường hô hấp.

Điều trị hen suyễn

Bệnh hen suyễn vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, vẫn có cách để bạn kiểm soát và ngăn chặn việc bộc phát cơn hen. Có hai yếu tố quan trọng trong việc điều trị hen suyễn: tránh các tác nhân gây bệnh và sử dụng thuốc.

Tránh xa các tác nhân thúc đẩy diễn tiến bệnh

Có rất nhiều cách để tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh hen suyễn. Sau khi đã xác định được các tác nhân gây bệnh, các bác sĩ có thể tư vấn cho bạn cách ngăn chặn các tác nhân này.

Ví dụ, nếu lông thú cưng hoặc nấm mốc trong nhà làm bạn bộc phát các triệu chứng hen suyễn, bạn hãy lau dọn nhà cửa bằng cách thường xuyên thay khăn trải, hút bụi đều đặn và không để vật nuôi vào phòng ngủ. Nếu vấn đề nằm ở các chứng dị ứng ngoài trời (như dị ứng với phấn hoa), bạn nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào những ngày có lượng phấn hoa tăng cao.

Nếu việc tập thể dục là một tác nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê một đơn thuốc để bạn uống trước khi tập luyện, giúp ngăn chặn đường hô hấp thu hẹp lại. Với những người thuộc trường hợp này, thay vì yêu cầu họ ngưng tập, các bác sĩ sẽ giúp họ kiểm soát các bài tập luyện để không gây ảnh hưởng xấu đến bệnh. Việc tập thể dục đúng cách sẽ tác động tích cực đến bệnh nhân hen suyễn.

Tiêm phòng cúm hàng năm cũng là việc rất quan trọng vì các căn bệnh như cúm có thể thúc đẩy bệnh hen suyễn bộc phát.

Thuốc trị hen suyễn

Phần lớn thuốc trị hen suyễn là dạng khí hít trực tiếp vào phổi, tuy nhiên, vẫn có thuốc ở dạng viên hoặc dạng lỏng. Thuốc trị hen suyễn có 2 loại, gồm:

  • Thuốc hỗ trợ nhanh: giúp nới lỏng nhanh chóng các đường hô hấp bị thu hẹp, thường được dùng khi bộc phát cơn hen. Loại thuốc này sẽ có hiệu quả rất nhanh nhưng không kéo dài, còn được gọi là thuốc “hoạt động nhanh” hay thuốc “giải cứu”.
  • Thuốc điều trị dài hạn: giúp kiểm soát bệnh và ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn xuất hiện. Chúng giúp đường hô hấp giảm viêm nhiễm, nguyên nhân gây ra sưng tấy và đờm. (Các loại thuốc hỗ trợ nhanh chỉ điều trị các triệu chứng do viêm nhiễm gây ra). Thuốc điều trị dài hạn, còn được gọi là thuốc “kiểm soát” hay thuốc “duy trì”, cần phải sử dụng mỗi ngày, kể cả khi bạn cảm thấy khỏe.

Một số bệnh nhân bị hen suyễn chỉ cần dùng thuốc hỗ trợ nhanh, một số khác lại cần dùng cả 2 loại thuốc thể có thể giữ bệnh trong tầm kiểm soát.

Cách chăm sóc trẻ bị hen suyễn

Chăm sóc trẻ bị bệnh hen suyễn mát rất nhiều công sức, nhất là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều công cụ sẽ hỗ trợ bạn chăm sóc con mình.

Kế hoạch đối phó với hen suyễn là một chương trình chăm sóc được thảo luận với bác sĩ để có kết quả phù hợp. Kế hoạch này sẽ hướng dẫn chi tiết cách thức kiểm soát hen suyễn, bao gồm:

  • Thời điểm và các loại thuốc mà trẻ cần dùng
  • Các tác nhân thúc đẩy bệnh phát triển và cách phòng tránh chúng
  • Các xử lý cơn hen bộc phát
  • Các trường hợp cần đi cấp cứu.

Thực hiện đúng kế hoạch sẽ giúp trẻ có thể sinh hoạt bình thường hằng ngày mà không gặp các triệu chứng hen suyễn.

Viết nhật ký quá trình hen suyễn cũng là một cách để kiểm soát căn bệnh này. Theo dõi các triệu chứng và thuốc trẻ đã dùng sẽ giúp bạn biết được những thời điểm nào trẻ có khả năng bộc phát cơn hen suyễn.

Lưu lượng đỉnh kế, loại dụng cụ cầm tay dùng để đo lường khả năng hô hấp, cũng rất có ích. Lưu lượng khí giảm đi là một dấu hiệu cho thấy đường ống thở đang bị hẹp lại.

Bằng việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, dùng thuốc theo đơn và tránh xa các tác nhân thúc đẩy bệnh, bạn sẽ giúp con mình luôn được khỏe mạnh và hô hấp tốt.

Nếu không muốn đối mặt với triệu chứng bệnh hen suyễn, bạn nên xây dựng cho mình một thói quen sống lành mành cùng theo dõi tình trạng sức khỏe theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn để tìm lại được chất lượng cuộc sống như mong muốn.

Bệnh hen suyễn chưa có phương pháp chữa trị. Dù bạn cảm thấy tình trạnh sức khỏe của mình đang tốt thì bạn vẫn có thể mắc bệnh và bộc phát bệnh bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, với trình độ và kỹ thuật y khoa hiện hay, phần lớn những người mắc bệnh hen suyễn đều có thể tiết chế được bệnh của mình, nếu có phát bệnh cũng chỉ gặp một ít triệu chứng. Họ có thể sống, hoạt động bình thường và ngủ một giấc dài mà không bị cơn hen suyễn làm gián đoạn.

Vì vậy, nếu bạn mắc bệnh hen suyễn, hãy chủ động trong việc kiểm soát bệnh của mình. Đồng thời, bạn nên đến gặp bác sĩ thường xuyên để nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *