BỆNH ZONA Ở TRẺ EM CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?

Bạn thấy con có các mụn nước mọc thành chùm trên người? Đây có thể là dấu hiệu bệnh zona ở trẻ em. Trẻ mắc zona có nguy hiểm không, cách chăm sóc trẻ mắc bệnh thế nào?

Zona là một bệnh do virus zoster gây ra, lây lan rất nhanh ra toàn cơ thể, gây ra hiện tượng lở loét. Bệnh này hiếm khi gặp phải ở trẻ nhỏ và trẻ tuổi teen có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Những người trên 60 tuổi và những trẻ có hệ miễn dịch yếu thường có nguy cơ mắc bệnh này. Dù hiếm gặp nhưng bệnh zona có khả năng lây nhiễm cao.

Trong bài viết này, Thuanmoc.vn sẽ giải đáp giúp bạn các thắc mắc như: trẻ bị zona bôi thuốc gì, bé bị zona phải làm sao, trẻ bị zona cần kiêng gì… ? Mời bạn cùng tìm hiểu.

Bệnh zona phát triển như thế nào?

Bệnh zona có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Người chưa từng bị thủy đậu hay chưa chủng ngừa thủy đậu có thể bị thủy đậu khi tiếp xúc với bệnh nhân zona.

Zona thường kéo dài từ 2 – 4 tuần, sau đó sẽ tự biến mất. Thế nhưng, cần lưu ý là bệnh này chỉ xảy ra ở những người đã từng bị thủy đậu.

Nguyên nhân gây bệnh zona

Bệnh zona là do virus varicella zoster. Virus này cũng gây ra bệnh thủy đậu và có liên quan đến virus herpes gây mụn rộp sinh dục và lở miệng. Đó là lý do tại sao bệnh zona còn được biết đến là herpes zoster.

Virus này tấn công cả trẻ em và người lớn, người chưa được chủng ngừa thủy đậu, người mới hồi phục sau cơn bệnh hoặc có tình trạng bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Ở trẻ đã bị thủy đậu, nguyên nhân khiến virus này tái hoạt động vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, tình trạng này hiếm khi xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.

Các triệu chứng của bệnh zona

Bệnh zona đặc trưng bởi các mụn nước mọc thành chùm trên nền da có màu hồng và thường chỉ xảy ra ở nửa bên của cơ thể như một bên mặt, dọc theo một bên thân mình, rất hiếm khi vượt qua đường ranh giới giữa cơ thể. Trẻ mắc bệnh zona đầu tiên sẽ có cảm giác ngứa râm ran, sau đó là đau. Các triệu chứng thường gặp của bệnh zona:

  • Đau dây thần kinh dưới da. Mỗi vùng da đều có một nhánh thần kinh chi phối. Do đó, trẻ sẽ có cảm giác đau nhức tùy theo nhánh thần kinh bị tổn thương.
  • Sốt đi kèm với sự xuất hiện của các mụn nước, tập trung thành từng chùm. Nếu bệnh phát triển đến giai đoạn nhiễm trùng, các mụn nước này sẽ biến thành các mụn rộp đầy mủ. Sau đó, chúng sẽ vỡ ra và kết vảy trong vòng 7 – 10 ngày.

Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như:

  • Nhức đầu
  • Sốt
  • Đau nhức toàn thân
  • Mệt mỏi.

Đôi khi, trẻ bị đau dây thần kinh nhưng lại không bị nổi mụn nước. Nếu bạn không tìm được nguyên nhân khiến trẻ đau, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Bệnh zona ở trẻ em: Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Bệnh zona rất dễ phát hiện. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu:

  • Xuất hiện nhiều mụn nước nghiêm trọng ở mặt và mắt
  • Mụn nước không biến mất sau 10 – 14 ngày
  • Đau và ngứa ở những nơi nổi mụn nước
  • Bạn không chắc chắn những mụn nước này có phải là bệnh zona không. Có thể những mụn nước này là do tác dụng phụ của một loại thuốc mà trẻ đang uống.
  • Trẻ bị sốt, mệt mỏi và những mụn nước có dấu hiệu nhiễm trùng.

Zona không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng lại khiến cho trẻ mắc bệnh cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, đây cũng là một căn bệnh có thể lây. Do đó, trẻ có thể vô tình lây bệnh cho bạn, anh chị em hoặc những trẻ khác. Nếu nghi ngờ trẻ đã mắc phải bệnh này, tốt nhất, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để chẩn đoán và cách ly con với những trẻ khác để tránh lây bệnh.

Bệnh zona ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ có thể xác định bệnh zona bằng cách quan sát kỹ những mụn nước xuất hiện trên cơ thể trẻ. Nếu trẻ không nổi mụn nước, bác sĩ sẽ hỏi xem trẻ có bị đau ở chỗ nào trên cơ thể hay không. Đôi khi để có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ lấy một ít mủ hoặc màng của mụn nước để xét nghiệm.

Điều trị bệnh zona cho trẻ nhỏ

Trẻ bị zona bôi thuốc gì, trẻ bị zona kiêng gì hay bé bị zona phải làm sao… là thắc mắc của các bậc cha mẹ có con mắc bệnh này. Thực tế, bệnh zona không có phương pháp điều trị nhưng có một số cách để giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Căn bệnh này sẽ biến mất sau khi virus gây bệnh hoàn thành hết vòng đời của nó, nên bệnh có thể kéo dài khoảng một tháng. Vì vậy, không phải trẻ nào bị zona cũng cần phải điều trị. Tuy nhiên, khi điều trị, bác sĩ có thể kê một số thuốc như:

  • Thuốc kháng virus như acyclovir (Zovirax), famciclovir (Famvir) và valacyclovir (Valtrex). Những loại thuốc này không loại bỏ virus ra khỏi cơ thể mà chỉ giúp giảm các biến chứng do virus zoster gây ra.
  • Bác sĩ cũng có thể sẽ cho trẻ sử dụng một số loại kem bôi ngoài da, thuốc xịt, thuốc dán hoặc thuốc uống để giảm bớt các cơn đau dây thần kinh. Một số thuốc có thể sử dụng như tylenol, ibuprofen… Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ dùng aspirin vì có thể dẫn đến hội chứng Reye.
  • Nếu bị đau nặng, morphine, oxycodone hoặc gabapentin sẽ trở nên cần thiết.
  • Nếu các mụn đỏ xuất hiện ở mắt, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc kháng virus với steroid.

Đôi khi, corticosteroid cũng giúp giảm viêm da, nhưng bạn chỉ nên sử dụng thuốc này dưới sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thuốc kháng histamin để giảm các cơn ngứa.

Một số thảo dược hữu ích cho bệnh zona

Một số loại thảo dược dưới đây giúp trẻ giảm bớt cảm giác đau đớn và khó chịu do zona gây ra:

  • Bột yến mạch giúp giảm sự lây lan của các mụn nước và giảm ngứa. Do đó, hãy cho bé ngâm mình trong bồn tắm có đầy bột yến mạch nhé.
  • Hỗn hợp giấm và nước giúp giảm cảm giác ngứa ở những vùng nổi mụn nước.
  • Calamine lotion cũng giúp điều trị các mụn nước.
  • Bạn cũng có thể sử dụng gel lô hội và những loại kem dưỡng có chứa vitamin E để giúp trẻ giảm cảm giác ngứa. Tuy nhiên, trước khi dùng, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Baking soda cũng có thể giúp giảm cảm giác ngứa. Trộn bột này với nước, sau đó thoa lên da, để khoảng 10 – 15 phút rồi rửa sạch.

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh zona

Những trẻ mắc bệnh zona cần phải được chăm sóc cẩn thận để tránh lây sang cho người khác. Dưới đây là một vài điều bạn nên và không nên làm khi trẻ mắc bệnh này:

Nên làm

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Luôn giữ cho da trẻ khô và sạch sẽ để tránh lây sang các bộ phận khác
  • Cho trẻ mặc quần áo thoải mái để tránh các mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều và hạn chế tình trạng chúng bị vỡ
  • Đắp khăn lạnh, chườm đá để giảm đau.

Không nên làm

  • Không cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai nếu các mụn nước bị chảy mủ
  • Không băng các vết mụn nước lại
  • Không sử dụng các loại kem có chứa kháng sinh vì chúng làm chậm quá trình lành bệnh
  • Chạm hoặc ấn vào các mụn nước.

Phòng ngừa bệnh zona cho trẻ như thế nào?

Bệnh zona không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh này bằng cách thực hiện một số biện pháp sau:

  • Đảm bảo rằng trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin thủy đậu. Mặc dù bệnh zona có thể xuất hiện nhiều lần nhưng việc tiêm vắc xin có thể làm giảm kh nguy cơ bùng phát bệnh.
  • Nếu trẻ có anh chị em, không nên để những đứa trẻ khác dùng chung các vật dụng cá nhân với trẻ bị bệnh zona.
  • Hệ miễn dịch yếu làm cho trẻ dễ bị bệnh zona hơn. Do đó, bạn nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Các loại thực phẩm này gồm cam, ngũ cốc, rau có màu xanh, đậu, cà chua, thịt gà, sữa và trứng. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp trẻ chống lại bệnh tật.

Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *