Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa mẹ nên kiêng ăn gì? Câu hỏi này được nhiều bà mẹ bỉm sữa quan tâm, nhất là với các chị em lần đầu làm mẹ. Bởi vì, trong giai đoạn này, thức ăn chủ yếu của bé là nguồn sữa mẹ. Do đó, để không khiến tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn, sữa phải đảm bảo chất lượng, không chứa các thành phần gây kích ứng da bé.
Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa mẹ nên kiêng ăn gì?
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh là tình trạng mãn tính có thể do di truyền hoặc do các tác nhân gây dị ứng từ bên ngoài tác động. Thường khởi phát từ giai đoạn 2 tuần tuổi, nhất là ở những em bé bụ bẫm. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ, điển hình là các tổn thương trên da. Ngoài ra, kèm theo đó trẻ sơ sinh còn bị tiêu chảy, viêm tai giữa,…
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh xuất hiện phổ biến ở vùng mặt. Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, vùng da bị tổn thương bắt đầu lan dần xuống các vùng da khác trên cơ thể. Bệnh có thể thuyên giảm khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, đây là bệnh mãn tính nên có nhiều khả năng kéo dài dai dẳng, thậm chí là cho đến hết cuộc đời.
Trong giai đoạn sơ sinh, cơ thể bé khá yếu, hệ thống miễn dịch chưa hoạt động hoàn chỉnh khiến bé dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Thời gian nhũ nhi, thức ăn chủ yếu của trẻ là sữa mẹ hoặc một số loại sữa công thức. Trong đó, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của con.
Chính vì thế, để bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh không nghiêm trọng hơn, mẹ bỉm sữa cần tránh ăn một số loại thực phẩm chứa thành phần gây kích ứng cho da bé. Cụ thể như sau:
Các sản phẩm từ sữa
Một số sản phẩm sản xuất từ sữa như phô mai, sữa chua, kem,… có thể khiến da trẻ sơ sinh bị dị ứng nhiều hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng, trong những sản phẩm này chứa hơn 20 loại chất nguy cơ khiến trẻ bị dị ứng, dẫn đến viêm da cơ địa.
Không những thế, một số bé còn gặp vấn đề về hệ tiêu hóa khi tiếp xúc với protein có trong sữa bò. Lúc này, hệ thống tiêu hóa của trẻ phản ứng lại với protein do nghi ngờ nó là chất dị ứng. Cơ thể trẻ bắt đầu có những triệu chứng phản ứng lại như phát ban. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên bệnh viêm da cơ địa.
Chính vì thế, trong thời gian con bú mẹ, chị em nên hạn chế sử dụng các chế phẩm từ sữa bò, sữa công thức. Mẹ bỉm có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn loại sữa bổ sung phù hợp, tránh tình trạng bé bú mẹ khiến tình trạng viêm da cơ địa trở nặng hơn.
Đậu nành và thực phẩm chế biến từ đậu nành
Đậu nành cũng là một trong số những thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ sơ sinh. Bởi, trong đậu nành chứa một số loại protein tương tự như loại có trong sữa bò, gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa. Chính vì thế, trong thời gian bé bị viêm da cơ địa, mẹ bỉm nên hạn chế ăn đậu nành hoặc sử dụng các sản phẩm chế biến từ đậu nành.
Lúa mì và bắp (ngô)
Một số trẻ có thể bị dị ứng khi ăn lúa mì và ngô. Tuy nhiên, đây cũng là thực phẩm xuất hiện phổ biến trong nhiều sản phẩm đóng gói. Do đó, chị em giai đoạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên đọc kỹ bảng thành phần trước khi ăn. Cố gắng tránh các món có lúa mì hoặc ngô đến khi con giảm triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra.
Trứng – Đậu phộng
Người ta thống kê được rằng có đến 70% trường hợp viêm da cơ địa bùng phát có liên quan đến trứng hoặc đậu phộng. Để tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh nhanh chóng phục hồi, mẹ bỉm nên tránh ăn những món có hai nguyên liệu này.
Hạn chế thực phẩm giàu đạm
Đạm rất tốt cho cơ thể người trưởng thành. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, việc trong sữa mẹ có quá nhiều đạm có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa của trẻ. Do đó, mẹ không nên ăn những thực phẩm chứa hàm lượng đạm quá cao.
Sở dĩ mẹ không nên bổ sung quá nhiều đạm là vì nếu sữa mẹ giàu đạm sẽ khiến bé bị đầy hơi, khó tiêu, nhiều trường hợp con còn bị buồn nôn. Ngoài ra, quá trình chuyển hóa đạm cũng phức tạp hơn, trong khi cơ thể trẻ sơ sinh còn non yếu. Do đó, nếu vô tình bổ sung quá nhiều thực phẩm nhiều đạm, trẻ có thể bị viêm da cơ địa nghiêm trọng hơn.
Vì thế, mẹ bỉm nên tránh ăn một số thực phẩm chứa đạm cao như thịt gà, cừu, bò, trứng sữa, mực, tôm,…
Tránh ăn món ăn nhiều dầu mỡ và gia vị
Mẹ bỉm nên tránh những món ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ hoặc gia vị để đảm bảo chất lượng sữa cho con. Bởi, dầu mỡ, gia vị cũng là một trong những nguyên liệu gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa cho trẻ sơ sinh. Chúng ứ đọng trong cơ thể khiến hệ thống miễn dịch giải phóng ra các chất gây viêm niêm mạc, da.
Ngoài ra, nếu mẹ ăn nhiều thức ăn dầu mỡ và nhiều gia vị, sau khi bú cơ thể trẻ dễ bị đổ mồ hôi, tình trạng này khiến da bé ngứa ngáy nhiều hơn. Chính vì thế, nếu mẹ bỉm muốn tình trạng viêm da cơ địa của con được cải thiện thì nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Chọn lựa thực phẩm lành mạnh để bổ sung dinh dưỡng cho bé khỏe.
Nho
Nếu trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa, mẹ bỉm sữa nên tránh ăn nho hoặc các sản phẩm được chế biến từ quả nho. Bởi vì, trong loại quả này, hàm lượng salicylat và amin khá phong phú. Chúng có thể khiến viêm da cơ địa bùng phát dữ dội. Mẹ có thể thay nho bằng các loại quả khác để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể như táo, lê.
Trái cây sấy khô
Trái cây sấy khô tưởng chừng là một món ăn vặt lành mạnh cho mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, đây cũng là thực phẩm mà mẹ nên kiêng trong giai đoạn trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa. Bởi vì, chúng có chứa hàm lượng salicylat, amin, sulphite, bột tạo ngọt,…khiến cho chứng viêm da của con nghiêm trọng hơn.
Do đó, trong quá trình điều trị bệnh cho con, mẹ nên tránh ăn các loại quả sấy khô như chà là, mận, mơ sấy,…Thay vào đó, mẹ có thể bổ sung các loại trái cây tươi hoặc tự phơi mà không có chất bảo quản để đảm bảo chất lượng sữa chua con.
Thức ăn chế biến sẵn
Trong các thức ăn được chế biến sẵn, đóng hộp lượng chất bảo quản, phụ gia khá cao. Những thành phần này có hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với cơ thể trẻ nhỏ. Điển hình, chất nitrit từ thịt hộp khó đào thải, thường bị tích tụ ở gan, dẫn đến tình trạng mề đay mẩn ngứa bùng phát. Đặc biệt, là tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh.
Không chỉ có thế, mẹ bỉm cũng nên hạn chế ăn xúc xích hoặc các loại chả. Do trong những thực phẩm này có chứa hàm lượng lớn polyphosphate tác động đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể trẻ. Từ đó bé có thể phải đối mặt với tình trạng xương chậm phát triển, dễ tổn thương.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã chỉ ra những tác hại khi mẹ bỉm sữa ăn những món ăn gây dị ứng khiến tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh trở nên nặng nề. Do đó, để tránh những hệ lụy không mong muốn xảy đến với con, chị em nên lưu ý tránh ăn những thực phẩm kể trên để quá trình điều trị chứng viêm da ở trẻ sơ sinh diễn ra mau chóng và an toàn.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa
Như đã đề cập, viêm da cơ địa thực tế là bệnh mãn tính. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, bệnh có thể tái phát dễ dàng hoặc kéo dài dai dẳng không dứt. Trường hợp bệnh nhân là trẻ sơ sinh càng khó khăn trong việc điều trị.
Do đó, một trong các biện pháp giúp con mau chóng khỏi bệnh là việc mẹ thay đổi chế độ ăn uống. Nguồn sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt sẽ giúp sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh được cải thiện. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc và điều trị, mẹ bỉm cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Bổ sung cho cơ thể nhiều trái cây, rau xanh tốt giúp trẻ hấp thụ được nguồn dinh dưỡng hợp lý giúp viêm da nhanh hồi phục.
- Tránh để trẻ tự cào hoặc chà xát mạnh làm cho vùng da bị tổn thương bị trầy xước, chảy máu khiến vi khuẩn có điều kiện xâm nhập.
- Không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc tân dược nào cho con khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các thành phần tá dược, sử dụng không đúng cách có thể khiến bé gặp tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm theo hướng dẫn, thoa kem cho trẻ để cấp ẩm, giảm ngứa, phục hồi da.
- Cách ly trẻ với các dị nguyên có thể gây dị ứng như phấn hoa, lông vật nuôi, kim loại, hóa chất,…
- Cho trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc để nâng cao sức đề kháng giúp bệnh cải thiện nhanh hơn.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc: “Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa mẹ nên kiêng ăn gì?”. Để tình trạng viêm da nhanh chóng phục hồi, mẹ nên kết hợp thăm khám y tế cho con. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.