CÁC LOẠI THUỐC CHỮA VIÊM XOANG MŨI THƯỜNG DÙNG

Thuốc chữa viêm xoang mũi được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi và viêm xoang. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi theo chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Các loại thuốc chữa viêm xoang mũi cấp tính

Đối với những trường hợp bị viêm xoang cấp do dị ứng, nhiễm lạnh, hoặc nhiễm virus, vi khuẩn,…người bệnh có thể tự chăm sóc và sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm các triệu chứng và giúp bệnh mau chóng phục hồi.

1.1 Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt, nhỏ

Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt và nhỏ có tác dụng rửa mũi, làm sạch mũi, giảm nghẹt mũi gồm các loại sau:

  • Nước muối sinh lý: Sử dụng nước muối sinh lý để xịt và rửa mũi giúp loại bỏ các chất nhầy dư thừa, làm sạch xoang mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi.
  • Thuốc xịt mũi có chứa corticoid: Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa corticoid có tác dụng dự phòng và làm giảm tình trạng viêm mũi. Thuốc làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, phù niêm mạc mũi. Các thuốc corticoid thường dùng là: beclomethasone dipropionate, budesonide, fluticasone propionate, triamcinolone acetonide.
  • Các loại khác: Một số thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt có chứa các chất như chlorzoxazone, naphazoline, phenylephrine hoặc pseudoephedrine… có tác dụng co mạch tại chỗ, giảm viêm, thông mũi. Thuốc khởi phát tác dụng nhanh khoảng 1 – 3 phút sau khi xịt. Tuy nhiên, việc dùng kéo dài các loại thuốc này có thể gây nặng nề hơn tình trạng viêm nên không tự ý dùng dài ngày mà không có chỉ định của Bác sĩ.
Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid
Rửa mũi trước khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt

1.2 Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng uống

  • Thuốc thông mũi: Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng uống (dạng viên nang hoặc siro) chứa các hoạt chất có tác dụng tương tự ephedrine hoặc phenylephrine… gây co mạch, tăng đào thoát dịch đọng trong khoang mũi nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn như: tăng huyết áp, kích thích hệ thần kinh trung ương…
  • Thuốc giảm đau: Trong một vài đợt viêm xoang cấp tính, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thêm thuốc giảm đau và hạ sốt nếu có kèm theo các triệu chứng như đau nhức vùng mặt, trán. Các loại thuốc giảm đau thường dùng là acetaminophen, aspirin, ibuprofen, paracetamol, … Tuy nhiên, cần lưu ý với trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin, ibuprofen. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn.

2. Các loại thuốc chữa viêm xoang mũi mãn tính hoặc do nhiễm trùng

Với các trường hợp bị viêm xoang cấp nặng, mãn tính do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn gây ra thì có thể được bác sĩ chỉ định các loại thuốc sau:

  • Thuốc chữa viêm xoang mũi có chứa corticoid (dạng xịt và uống):

Các thuốc dạng xịt chứa corticoid có tác dụng tại chỗ, giảm được các tác dụng không mong muốn so với đường uống. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng viêm xoang mà Bác sĩ sẽ có chỉ định đường dùng corticoid phù hợp. Việc dùng corticoid dài ngày có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, vì vậy cần thiết phải thăm khám và tuân thủ chỉ định của Bác sĩ.

  • Thuốc kháng sinh:

Kháng sinh được chỉ định đối với những trường hợp viêm xoang nặng và do vi khuẩn gây ra. Tùy vào các yếu tố như triệu chứng của bệnh, phản ứng dị ứng của người bệnh, tiền sử sử dụng kháng sinh… bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh và thời gian dùng kháng sinh phù hợp.

Bên cạnh đó, để xác định loại kháng sinh cần dùng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm loại vi khuẩn có trong chất nhầy ở mũi. Lưu ý, việc sử dụng kháng sinh cần phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần tránh tự ý mua và uống thuốc để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh.

  • Thuốc kháng histamin:

Bao gồm các dạng như viên nén, siro, dạng xịt, có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng đi kèm với viêm xoang như ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi.

uống thuốc
Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng uống có thể được bào chế theo dạng viên nén hoặc siro

3. Tác dụng phụ của thuốc chữa viêm xoang mũi

Việc sử dụng các loại thuốc chữa viêm xoang mũi, bao gồm cả thuốc dạng xịt và dạng uống, có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

Đối với thuốc thông mũi:

  • Tăng huyết áp, tăng nhịp tim
  • Mất ngủ
  • Thần kinh căng thẳng, nhức đầu
  • Lo lắng, bồn chồn, hay run giật
  • Khô miệng, mắt nhìn mờ
  • Bí tiểu
  • Ho, buồn nôn, chảy máu cam

Đối với thuốc Corticoid (đường uống nguy cơ cao hơn đường xịt tại chỗ)

  • Tăng cân
  • Tăng huyết áp
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Tăng đường huyết
  • Loãng xương
  • Suy tuyến thượng thận

Do đó, việc sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi cần có chỉ định và ý kiến của bác sĩ. Người bệnh tránh tự ý mua thuốc để hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Điều trị tăng huyết áp
Tác dụng phụ của thuốc gây tăng huyết áp

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi

Người bệnh khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, để việc điều trị được hiệu quả, cần kết hợp các hoạt động sau:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi
  • Uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây
  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà-phê…
  • Nâng cao đầu khi ngủ để đỡ nghẹt mũi, xoang được lưu thông
  • Có thể xông mũi bằng hơi nước nóng ẩm
  • Tránh tiếp xúc với khí bụi.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng tai mũi họng.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng trong quá trình điều trị như sốt cao liên tục, đau nhức vùng trán, mắt, mặt, đau nhức đầu, khó thở, mắt nhìn mờ… người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Viêm xoang mũi có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc. Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi cần phải có chỉ định và chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua và uống thuốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *