Bệnh viêm xoang ở trẻ em thường gặp ở những trẻ dưới 6 tuổi suy dinh dưỡng, gầy yếu, cơ địa dị ứng, thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng,… điều trị không khỏi, lâu ngày dẫn đến viêm xoang.
1. Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em
Hệ thống xoang trên vùng xương sọ mặt bao gồm: xoang hàm, xoang trán, xoang sàng, xoang bướm. Các xoang có cấu trúc là những khoang rỗng được bao phủ bởi lớp niêm mạc, có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp làm nhẹ khối xương mặt, lọc và làm ẩm không khí vào mũi mà còn còn giúp cộng hưởng âm thanh, tạo cho mỗi người giọng nói đặc trưng.
Không chỉ phổ biến ở người lớn,viêm xoang cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi xoang ở trẻ em, trong đó phổ biến nhất là vi-rút, vi khuẩn và nấm. Các vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, E.coli, Klebsiella,… Các vi khuẩn này di chuyển ngược dòng từ vùng hầu họng lên các xoang gây tình trạng viêm xoang cho trẻ.
Bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt là các cháu suy dinh dưỡng, gầy yếu, sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, bếp than hoặc những trẻ có cơ địa dị ứng,viêm VA,viêm amidan. Viêm xoang ở trẻ em thường khởi đầu bằng các bệnh lý như:
- Viêm đường hô hấp trên: Trẻ có triệu chứng ho, ngạt mũi, chảy mũi, sốt nhẹ, trẻ mắc bệnh nhiều đợt trong năm, có khi uống hết thuốc bệnh lại tái phát
- Viêm mũi dị ứng: Trẻ suốt ngày khò khè, chảy mũi, nước mũi trong, kèm ran ở phổi.
- Hen phế quản: Do phế quản co thắt, trẻ khó thở từng cơn, khó thở ở thì thở ra.
- Suy giảm miễn dịch: thường gặp ở những trẻ có cha mẹ mắc AIDS.
Trẻ có các bất thường giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát VA vòm, VA vòi,…
Những bệnh trên điều trị không khỏi, kéo dài dai dẳng làm niêm mạc mũi trẻ bị phù nề, lỗ thông mũi xoang bị tắc dẫn đến ứ đọng dịch trong xoang, lâu ngày dẫn đến viêm xoang.
2. Triệu chứng viêm xoang ở trẻ nhỏ
Hệ thống xoang không phải đã hoàn thiện ngay từ khi trẻ sinh ra. Lúc mới sinh, trẻ chỉ có xoang sàng nằm ở khu vực trên hốc mũi, giữa hai bên mắt, dưới trán một chút. Hệ thống xoang dần phát triển khi trẻ lớn lên, xoang hàm xuất hiện khi trẻ được 3-4 tuổi, xoang bướm và xoang tráng hình thành khi trẻ 7-8 tuổi. Do kích thước xoang của trẻ rất nhỏ do đó các triệu chứng bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ không đặc hiệu như người lớn, mặt khác do trẻ còn nhỏ chưa tự miêu tả được triệu chứng mình gặp phải, do đó việc khai thác bệnh sử để chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn.
Nghi ngờ trẻ mắc bệnh viêm xoang khi: Sau một đợt viêm đường hô hấp cấp kéo dài trên một tuần, trẻ vẫn còn các triệu chứng như sốt nhẹ, nước mũi có màu vàng hoặc xanh đặc, có mùi hôi, hay bị ho nhiều vào ban đêm, dễ nôn ọe, hơi thở ngắn do bị nghẹt mũi, hay ngủ ngáy, quấy khóc, ngủ không ngon giấc, mắt có quầng thâm, cơ thể mệt mỏi. Trẻ lớn hơn hay than phiền bị đau đầu, nặng vùng mặt, phù nề quanh mắt, đau răng,…
Tùy theo thời gian diễn biến bệnh, viêm mũi xoang ở trẻ em chia thành ba thể đó là:
- Viêm xoang cấp tính: thời gian bệnh kéo dài dưới 4 tuần
- Viêm xoang bán cấp: bệnh kéo dài từ 4-8 tuần
- Viêm xoang mạn tính: kéo dài ít nhất từ 8-12 tuần dù có được điều trị
Bệnh viêm xoang ở trẻ em mạn tính: các triệu chứng bệnh kéo dài tuy nhiên mức độ rầm rộ ít hơn. Trẻ bị sốt nhẹ từng đợt, ho kéo dài, khàn tiếng, đau tai, ù tai, ngạt mũi, sổ mũi, mũi mất khả năng ngửi mùi,…
3. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm xoang ở trẻ em
Nếu viêm xoang ở trẻ em không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm họng mạn tính, viêm tai giữa ứ dịch, polyp mũi
- Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh nhức đầu dai dẳng
- Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ
- Viêm cốt-tủy xương, viêm tắc tĩnh mạch hang
- Viêm màng não, viêm não, áp xe não
4. Phòng tránh bệnh viêm xoang ở trẻ em
Các biến chứng của bệnh viêm xoang ở trẻ em là vô cùng nguy hiểm, một số biến chứng thậm chí có thể đe dọa tính mạng trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ không được chủ quan, khi trẻ bị nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị dứt điểm nhằm ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn ở các xoang. Các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ hoặc tự ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị viêm đường hô hấp, bị cảm, tránh xa khói thuốc lá và những tác nhân gây bộc phát dị ứng nếu trẻ có cơ địa dị ứng. Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với người ốm. Vệ sinh mũi mỗi ngày cho trẻ bằng nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý.
Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế nuôi súc vật trong nhà, hạn chế sử dụng máy lạnh. Tránh để trẻ hít thở không khí khô, có thể dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong không khí nơi trẻ sinh hoạt, học tập.
Khi ra khỏi nhà, cho trẻ mang khẩu trang để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm.