Trẻ bị bệnh vảy nến cần học cách kiểm soát các triệu chứng, cũng như giữ được sự tự tin trước làn da không bình thường của mình. Những phương pháp chăm sóc trẻ bị vảy nến phù hợp sẽ giúp chúng dễ dàng sống chung với bệnh và hòa nhập với cộng đồng.
1. Học cách chấp nhận bệnh vảy nến ở trẻ em
Ngay cả sau khi được nghe bác sĩ giải thích về bệnh vảy nến ở trẻ em, một số trẻ vẫn hy vọng rằng tình trạng này không có thật hoặc sẽ biến mất một cách kỳ diệu. Nếu trẻ bị bệnh vảy nến không hợp tác điều trị, bạn sẽ phải gặp rất nhiều sự kháng cự và giận dữ từ con.
Để giúp trẻ bị bệnh vảy nến hiểu thêm về tình trạng bệnh và tăng cường ý thức kiểm soát bản thân, bạn có thể:
- Đưa cho bé tự đọc những cuốn sách hoặc các trang web viết về bệnh vảy nến ở trẻ em (tốt nhất là được viết bởi chính những đứa trẻ khác cũng mắc bệnh này). Sau đó cũng thảo luận, trao đổi với trẻ về những gì đọc được;
- Giải thích rằng bệnh vảy nến ở trẻ em không phải là do lỗi của con. Hãy cho con biết nếu có thành viên khác trong gia đình hoặc bất kỳ người quen nào cũng mắc bệnh tương tự;
- Khuyến khích trẻ chủ động đặt câu hỏi trong những lần thăm khám, gặp gỡ bác sĩ;
- Dạy cho trẻ bị bệnh vảy nến có trách nhiệm điều trị từ nhỏ. Ngay cả học sinh lớp một cũng đã biết cách sử dụng kem bôi để điều trị bệnh vảy nến và những đứa trẻ lớn hơn hoàn toàn có thể tự kiểm soát các triệu chứng của mình.
2. Dạy trẻ bị bệnh vảy nến cách trả lời những câu hỏi thường gặp
Trẻ bị bệnh vảy nến thường lo lắng khi được bạn bè xung quanh hỏi về căn bệnh của mình. Bố mẹ nên nghĩ đến tình huống một bạn khác nhận xét không tốt về tình trạng da của con khi bắt gặp trong phòng thay đồ tại trường học. Để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ này, hãy hướng dẫn con một số câu trả lời cơ bản, chẳng hạn như:
- Bệnh vảy nến là phổ biến;
- Đây không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy không ai có thể bị lây từ trẻ;
- Nguyên nhân gây bệnh vảy nến không phải là do trẻ kém vệ sinh sạch sẽ hoặc lười đi tắm;
- Hiện tại không có cách chữa trị bệnh vẩy nến nhưng các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu các biện pháp để chăm sóc trẻ bị vảy nến tốt hơn.
Con bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu bé sẵn sàng trả lời những câu hỏi hoặc lời nhận xét không mấy tích cực từ người khác. Thậm chí một số trẻ còn thực sự thích người khác đặt câu hỏi về căn bệnh của mình. Khi ấy trẻ bị bệnh vảy nến sẽ có cơ hội hướng dẫn các bạn cùng lớp những kiến thức mới, cũng như tự rèn luyện khả năng kiểm soát bản thân.
3. Nói chuyện với các giáo viên trong trường học
Vào đầu mỗi năm học, phụ huynh có con mắc bệnh vẩy nến nên gặp riêng với các giáo viên và thảo luận về một số vấn đề về sức khỏe của trẻ. Cụ thể, bạn cần được nhà trường xác nhận những thông tin sau:
- Có một giáo viên cụ thể chịu trách nhiệm giúp đỡ mà trẻ và phụ huynh có thể liên lạc, nhờ cậy bất cứ khi nào cần thiết ở trường;
- Các giáo viên bộ môn cũng cần nắm được tình trạng bệnh của trẻ, cam kết luôn chú ý theo dõi và giải quyết các vấn đề trong lớp học, như trêu chọc hoặc bắt nạt;
- Giáo viên thể dục sẽ không bắt buộc trẻ mặc đồng phục thể thao ngắn như các bạn khác, hoặc không yêu cầu tham gia một số hoạt động nhạy cảm với trẻ bị bệnh vảy nến.
Nếu sớm thiết lập mối quan hệ với giáo viên trong nhà trường, bố mẹ và thầy cô có thể đưa ra hướng xử lý nhanh chóng hơn khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra.
4. Kết nối với những đứa trẻ bị bệnh vảy nến khác
Đôi khi trẻ bị bệnh vảy nến sẽ cảm thấy cô độc vì nghĩ rằng bản thân chúng là những người duy nhất gặp phải vấn đề này. Bố mẹ hãy giúp con kết nối với những đứa trẻ khác cũng mắc phải tình trạng tương tự.
Phụ huynh có thể tìm kiếm những hội nhóm chăm sóc trẻ bị vảy nến online để kết nối các bé lại với nhau, hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ về các cộng đồng hỗ trợ. Bạn cũng có thể cho bé tham gia trại hè quy tụ những trẻ bị bệnh vảy nến hoặc các tình trạng về da khác. Đây đều là những nơi tuyệt vời để trẻ nhận được sự hỗ trợ, học hỏi những lời khuyên thiết thực và xây dựng sự tự tin.
Điều đó cũng giúp cho cả những người đang chăm sóc trẻ bị vảy nến. Trò chuyện với các bậc phụ huynh khác có con mắc bệnh vẩy nến có thể mang đến cho bạn những hiểu biết và lời khuyên mới.
5. Cân nhắc trị liệu tinh thần
Trẻ em bị bệnh vảy nến hoặc các vấn đề sức khỏe mãn tính khác có nguy cơ cao bị tự ti và trầm cảm. Bố mẹ nên cân nhắc đến các biện pháp trị liệu bổ sung, chẳng hạn như gặp gỡ nhà tâm lý học trẻ em hoặc nhân viên y tế xã hội. Nhất là khi nhận thấy con có biểu hiện:
- Dễ cáu kỉnh và tức giận;
- Dành ít thời gian chơi với bạn bè;
- Có những thay đổi trong thói quen ăn ngủ;
- Gặp nhiều vấn đề ở trường học.
Những liệu pháp về mặt tinh thần có thể hỗ trợ rất nhiều trong chăm sóc trẻ bị vảy nến, cả khi mới được chẩn đoán hoặc đã mắc bệnh trong thời gian dài. Các nhà trị liệu sẽ thay bố mẹ hướng dẫn những bệnh nhi mãn tính cách đối phó với các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như giải quyết mâu thuẫn với bạn bè ở trường học.
6. Lạc quan về tương lai phía trước
Bệnh vảy nến ở trẻ em là một căn bệnh mãn tính suốt đời, vì vậy rất khó dự đoán trước tương lai sẽ ra sao. Đôi khi một điều kỳ diệu có thể xuất hiện mà không cần lý do. Ngược lại, một phương pháp điều trị vẫn đang phát huy tốt hiệu quả có thể đột nhiên ngừng tác dụng. Bên cạnh đó, quan điểm của trẻ bị bệnh vảy nến cũng sẽ thay đổi. Một đứa trẻ có vẻ hoàn toàn ổn với các triệu chứng trong quá khứ, có thể trở nên tự ti và đau khổ hơn rất nhiều khi bắt đầu vào trung học.
Phải sống chung với một căn bệnh về da mãn tính sẽ mang đến nhiều thăng trầm. Mặc dù phía trước sẽ có một số ngày khó khăn, nhưng trẻ bị bệnh vảy nến và chính bản thân bạn, vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai tốt hơn. Đây là một bài học giúp bệnh nhi xây dựng sức bật tinh thần, để dựa vào nguồn sức mạnh tâm lý mà sống tốt cho đến hết cuộc đời.
Tuy rằng hiện nay bệnh vảy nến vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi, tuy nhiên các phương pháp điều trị hiện tại đã phần nào cải thiện được triệu chứng cũng như các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.