Bệnh viêm da cơ địa không lây nhiễm và không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng rất thường xảy ra viêm da cơ địa tái phát, gây nhiều phiền toái lên cuộc sống của bệnh nhân. Viêm da cơ địa mùa đông chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn cho việc điều trị.
1. Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa là bệnh lý tổn thương da do viêm, thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng. Bệnh có nhiều tên gọi khác nhau như eczema, chàm dị ứng, chàm cơ địa, chàm thể tạng hay bệnh liken đơn dạng mãn tính. Bệnh không lây nhiễm khi tiếp xúc giữa người với người thông qua các thương tổn. Viêm da cơ địa được chia thành ba nhóm chính: Viêm da cơ địa do dị ứng, viêm da cơ địa do tiếp xúc và viêm da cơ địa tiết bã nhờn.
Bệnh có tính chất gia đình và là sự kết hợp của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể người bệnh, bao gồm môi trường sống xung quanh và cơ địa dễ dị ứng. Nếu không được theo dõi và điều trị, bệnh sẽ kéo dài và dễ tái phát. Viêm da cơ địa tái phát nhiều vào mùa đông vì da khô do mất nước, dễ bị tổn thương, trầy xước và bội nhiễm vi khuẩn.
2. Viêm da cơ địa dễ tái phát khi trời lạnh
Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh viêm da cơ địa thường không được biết rõ, có sự phối hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau. Người có cơ địa dị ứng từ trước là những người có khả năng cao mắc bệnh. Nhóm đối tượng này thường có các bệnh lý kèm theo như dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, dị ứng với một số loại thức ăn, hóa chất hoặc côn trùng và các loại mạt nhà, … Lý tưởng nhất là xác định được chính xác dị nguyên gây bệnh cụ thể cho từng bệnh nhân, tuy nhiên đây không phải là một điều dễ dàng vì hạn chế về phương tiện và dụng cụ để thực hiện.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng là một yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến bệnh viêm da cơ địa tái phát, cụ thể làm tăng khả năng biểu hiện bệnh. Bệnh viêm da cơ địa rất thường xảy ra vào mùa lạnh, khi môi trường sống khô hanh và độ ẩm thấp. Viêm da cơ địa mùa đông thường đi cùng với nhiều tổn thương da, da khô hơn nên trở nên dễ kích ứng với các dị nguyên bên ngoài. Khi da mất dần độ ẩm, người bệnh thường có cảm giác ngứa, dẫn đến gãi làm da trầy xước và tổn thương nhiều lên. Quá trình này thường đưa đến hậu quả là các đợt cấp của viêm da từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc có xảy ra quá trình bội nhiễm do vi khuẩn hay không. Da bị mất nước là do thời tiết lạnh khô, người bệnh thường không cảm thấy khát nên không cung cấp đủ nhu cầu nước hằng ngày. Một lý do khác được đưa ra để lý giải là nhiều người sử dụng nước quá nóng để tắm vì sợ lạnh, có hoặc không kết hợp với việc sử dụng các chất tẩy rửa có tính sát khuẩn mạnh làm mất độ ẩm của da. Mức độ ngứa tỷ lệ với mức độ mất ẩm trên da, khi đó người bệnh sẽ càng gãi nhiều và tổn thương da sẽ ngày càng nghiêm trọng.
3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh bao gồm cấp tính, bán cấp và mãn tính. Trong giai đoạn cấp tính, da thường nổi nhiều sẩn đỏ, đi kèm với mụn nước nhỏ trên nền ban đỏ và không có vảy da. Các vùng da bị ảnh hưởng bị phù nề, ứ dịch và đóng vảy dạng vảy tiết. Mụn nước và sẩn đỏ xuất hiện phổ biến nhất ở vùng má, trán, cằm, lan ra thân mình và tay chân trong các trường hợp nặng. Khi bệnh viêm da cơ địa tiến triển vào giai đoạn bán cấp, da không còn tiết dịch và phù nề nhiều. Vào giai đoạn mãn tính, bệnh nhân phải đối diện với tình trạng tăng sừng, liken hóa tạo các mảng nổi gồ lên bề mặt da, ranh giới rõ với vùng da lành. Mảng liken da lớn thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt trước sau của nếp gấp khuỷu, hố khoeo và vùng gáy. Đây là hậu quả của quá trình làm tổn thương và trầy xước da do ngứa và gãi nhiều. Tổn thương mãn tính dạng này thường có tỷ lệ đáp ứng điều trị không cao và dễ tái phát. Vòng xoắn bệnh lý do ngứa và gãi làm bệnh khó điều trị dứt điểm, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Chẩn đoán viêm da cơ địa được thiết lập chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh. Tuy nhiên, trước khi kết luận một bệnh nhân mắc bệnh viêm da cơ địa, bác sĩ cần chắc chắn loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự và có khả năng chẩn đoán xác định như viêm da dầu, vảy nến hay u lympho ở da.
4. Phòng tránh viêm da cơ địa tái phát
Cũng như việc điều trị viêm da cơ địa, phòng ngừa bệnh tái phát còn gặp nhiều thách thức vì nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn khó được xác định trong hầu hết các trường hợp. Một số biện pháp được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện, có thể làm giảm khả năng xuất hiện bệnh và rút ngắn thời gian mắc bệnh như:
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế gãi hoặc chà xát làm tổn thương bề mặt da để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn. Có thể cắt ngắn móng tay ở trẻ để tránh gây trầy xước da.
- Luôn ghi nhớ việc cấp ẩm, khóa ẩm cho da. Một khi da trở nên khô hơn, các thương tổn dễ tiến triển nặng nề hơn và mất nhiều thời gian để hồi phục.
- Lựa chọn các loại quần áo làm từ chất liệu mỏng, mềm mại, ít kích ứng.
- Đảm bảo vệ sinh cho môi trường sống xung quanh. Môi trường trong lành, ít bụi bẩn và chất thải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa một cách có hiệu quả.
- Giữ ấm cơ thể, không để gặp lạnh đột ngột.
- Chỉ nên sử dụng nước ấm để tắm rửa và vệ sinh cơ thể hằng ngày, không dùng nước quá nóng gây khô, bong tróc da.
- Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh viêm da cơ địa hoặc các bệnh dị ứng khác thì không nên nuôi chó mèo vì lông của chúng cũng được xem là một tác nhân gây dị ứng trong nhiều trường hợp.
- Không ăn những loại thức ăn gây dị ứng đã biết rõ và hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, cá, sữa,..
- Không sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
- Đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín khi có các triệu chứng bất thường. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, nhất là việc tự ý bôi các thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da vì làm hạn chế việc điều trị chính thống sau này.