Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý di truyền miễn dịch, khá phổ biến hiện nay ở độ tuổi thanh niên và có xu hướng ngày càng tăng. Viêm mũi dị ứng khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.
1. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý có xu hướng xuất hiện nhiều vào mùa xuân, mùa mà những bệnh lý dị ứng thường phát triển nhiều. Bệnh viêm mũi dị ứng có thể gặp ở bất kể độ tuổi nào nhưng nhiều nhất vẫn là những người trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc trung niên.
Viêm mũi dị ứng được giải thích là bệnh lý mũi bị viêm nhiễm, sưng tấy vì dị ứng với những tác nhân gây dị ứng ở bên trong lẫn bên ngoài cơ thể, có thể là khói bụi, lông, tơ, sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí, cũng có thể là những loại thức ăn như tôm, cua, trứng, sữa, những loại thuốc, do cấu trúc giải phẫu của mũi có bất thường, vẹo hoặc gai ở vách ngăn mũi…Viêm mũi dị ứng thường xảy ra lúc chuyển mùa, kéo dài và khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu mặc dù nó không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một số nghiên cứu cho rằng, khi có những tác nhân gây hại xâm nhập vào bên trong cơ thể như vi khuẩn, virus… thì hệ miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại những tác nhân này nhưng đối với bệnh viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại làm xuất hiện phản ứng miễn dịch quá mức với những tác nhân gây dị ứng gây kích thích làm phù nề lớp niêm mạc mũi, xoang và mắt. Ngoài ra, bệnh còn có đặc điểm di truyền, nghĩa là nếu bố hoặc mẹ có tiền sử mắc bệnh viêm mũi dị ứng thì khi sinh con ra, 30% đứa con sẽ có khả năng lây truyền bệnh viêm mũi dị ứng, và nếu cả bố và mẹ đều có tiền sử mắc bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ở con sẽ tăng lên 50%.
2. Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Những triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy mũi nước, nước mũi loãng, trong, chảy mũi nước nhiều hơn sau khi hắt hơi, hắt hơi liên tục không kiềm chế được, ngứa họng, ngứa mắt, ngứa tai… Những dấu hiệu này xuất hiện từng cơn, tăng lên khi có sự thay đổi thời tiết, có thể là trời lạnh hoặc khi tiếp xúc khu vực có nhiều khói bụi. Những trường hợp viêm mũi dị ứng mãn tính thì có thể có triệu chứng loạn khứu giác, ngủ ngáy, hoặc có thể là ù tai, nhức đầu là những triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm xoang dị ứng.
Viêm mũi dị ứng gồm 2 dạng là viêm mũi dị ứng thời tiết và viêm mũi dị ứng quanh năm:
- Viêm mũi dị ứng thời tiết: Tùy theo những mùa khác nhau trong năm mà sẽ có những loại dị nguyên xuất hiện gây nên bệnh viêm mũi dị ứng.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: Bệnh liên quan đến những tác nhân dị ứng là côn trùng, bụi trong nhà, lông động vật nuôi trong nhà…
Những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì cũng có thể tiến triển gây polyp mũi, viêm xoang dị ứng, polyp xoang…
Ngoài những triệu chứng cơ năng như trên, khi thăm khám lâm sàng nhằm chẩn đoán viêm mũi dị ứng không nhầm lẫn với bệnh lý viêm xoang, các bác sĩ khi thăm khám sẽ thấy được tháo mũi có hiện tượng sung huyết, sàn mũi chứa nhiều chất nhầy, trong, niêm mạc mũi nhợt nhạt và cuống mũi cũng có thể có tình trạng phù nề, ánh tím.
3. Phòng bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng hiện này hầu như không thể điều trị dứt điểm mà chỉ điều trị theo hướng làm thuyên giảm triệu chứng để mang lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân. Sau khi điều trị, những triệu chứng này có thể quay trở lại và khiến bệnh nhân cảm giác khó chịu.
Để đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng xảy ra, cần làm thêm những lời khuyên sau đây:
- Không nên nuôi những động vật có quá nhiều lông trong nhà như chó, mèo để hạn chế việc dị ứng.
- Vệ sinh những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như chăn, ga, gối, đệm, bọc ghế…
- Giữ vệ sinh nơi ở thật thoáng mát, sạch sẽ, không để nhà cửa ẩm ướt để ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn.
- Vệ sinh cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là vệ sinh răng miệng đều đặn.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào…
- Không tiếp xúc với những khu vực có nhiều khói bụi, hóa chất độc hại.
- Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi dọn vệ sinh, đi vào những khu vực khói buộc.
- Khi có sự thay đổi thời tiết diễn ra thì cần giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, đặc biệt là vùng cổ và mũi.
- Lựa chọn thực phẩm sao cho không gây dị ứng khi tiêu hóa loại thực phẩm đó.
- Cần bổ sung một số loại thực phẩm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cũng như khả năng tái phát bệnh sẽ bị đẩy lùi, cụ thể là những loại rau quả có chứa nhiều vitamin C, thực phẩm có tính chất ấm như gừng, tỏi… như dân gian vẫn hay áp dụng cách chữa viêm mũi dị ứng bằng gừng, những loại gia vị có tinh dầu, những thực phẩm giàu chất omega-3 như cá hồi, các loại cá khác.
- Cần tránh những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như thức ăn béo, tanh, sữa, đồ ăn có tính cay nóng, những loại thực phẩm có tính chất lạnh như tôm, cua… và một số loại thực phẩm khác gây dị ứng cho cơ thể.
Mặc dù không gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng bệnh lý viêm mũi dị ứng cũng khiến bệnh nhân khó chịu vì những triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi… nên cần được phát hiện, chẩn đoán kịp thời và chính xác, nhất là chẩn đoán phân biệt với bệnh lý viêm xoang, và có hướng điều trị phù hợp.