Viêm mũi mạn tính là tình trạng niêm mạc của mũi bị viêm từ 12 tuần trở lên, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Đối với một số trường hợp, bệnh viêm mũi dị mãn tính là do cơ địa và rất khó để điều trị hoàn toàn, tuy nhiên, nếu áp dụng điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu, số lần tái phát cũng như nguy cơ tiến triển nặng thành biến chứng nguy hiểm.
1. Tìm hiểu cấu tạo chức năng của mũi
Mũi là bộ phận quan trọng, là cửa ngõ đầu tiên của đường thở, giúp cho không khí đi vào phổi một cách dễ dàng. Mũi có cấu tạo gồm tháp mũi (có khung xương chính mũi, các sụn uốn quanh lỗ mũi và ngành lên xương hàm trên, sụn cánh mũi) và hốc mũi (có vách ngăn chia thành hốc mũi trái và hốc mũi phải, phía trước có 2 lỗ mũi và phía sau có 2 cửa mũi sau).
Hô hấp là chức năng chính của mũi, giúp cho không khí đi từ bên ngoài vào cơ thể được sưởi ấm và lọc sạch trước khi vào phổi. Ngoài ra, lớp niêm mạch nằm ở tầng trên của hốc mũi còn có chức năng để ngửi nhờ các tế bào thần kinh cảm giác và khứu giác. Đặc biệt, mũi có thể tác động đến giọng nói, cộng hưởng và phân tiết âm D, B, P ở con người, điều này lý giải vì sao khi bị ốm thì người bệnh thường sẽ khó phát ra những âm này.
2. Bệnh viêm mũi mạn tính là gì?
Viêm mũi mạn tính là căn bệnh thể hiện tình trạng niêm mạc khoang mũi và lớp niêm mạc bên dưới bị viêm nhiễm bởi một nguyên nhân nào đó. Khi bị viêm mũi mạn tính, người bệnh sẽ kèm theo các bệnh lý như giãn mạch máu niêm mạc mũi, rối loạn chức năng tự chủ của mũi, đồng thời, khả năng xuyên thấu tăng cao làm cho các tế bào Plasma và các tế bào Lympho dễ dàng xâm nhập vào các mạch máu và các tuyến mô xung quanh, khiến cho tuyến giáp hoạt động mạnh hơn và lượng dịch nhầy tiết ra cũng nhiều hơn ở người bệnh viêm mũi mạn tính.
Người bệnh mắc viêm mũi mạn tính nếu kéo dài thời gian mắc bệnh thì có thể kéo theo nhiều bệnh lý khác như lệch vách ngăn mũi, viêm xoang, polyp mũi, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm dây thần kinh, viêm mũi họng và tái phát liên tục…
Đa số trường hợp người bệnh viêm mũi họng mạn tính đều là do dị ứng, khi hệ miễn dịch của người bệnh quá nhạy cảm với các chất hóa học, bụi bẩn, thì sẽ sản sinh viêm nhiễm, sưng nề tổ chức trong mũi. Theo thống kê thì hiện có khoảng 10% dân số bị dị ứng mũi từ lúc còn rất trẻ.
Nguyên nhân khác có thể gây bệnh viêm mũi mạn tính là do di truyền.
3. Triệu chứng cảnh báo bệnh viêm mũi mạn tính
Bệnh viêm mũi mạn tính được chia thành 2 loại chính gồm: viêm mũi mạn tính quá phát và viêm mũi mạn tính xuất tiết. Mỗi loại sẽ thể hiện những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau ở người bệnh, tuy nhiên, về cơ bản thì có thể tóm lược các triệu chứng của viêm mũi mạn tính như sau:
- Đối với viêm mũi mạn tính quá phát
Thường gặp ở những người trưởng thành, do nguyên nhân chủ yếu là dị tật vách ngăn mũi hoặc do người bệnh có cơ địa dị ứng, giảm sức đề kháng mà lại thường xuyên phải tiếp xúc với các chất bụi bẩn, hóa chất… Triệu chứng viêm mũi mạn tính quá phát mà người bệnh hay gặp phải nhất chính là cảm giác ngạt tắc mũi, đôi lúc có xuất tiết.
- Viêm mũi mạn tính xuất tiết
Thường gặp ở đối tượng trẻ em, có thể tái phát nhiều lần hoặc sau khi trẻ mắc bệnh viêm amidan. Bệnh viêm mũi mạn tính xuất tiết có thể gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, niêm mạc mũi bị phù nề, cuống mũi cương to làm hẹp đường thở khiến người bệnh khó thở, ứ đọng nhiều dịch nhầy…
4. Bệnh viêm mũi mạn tính có nguy hiểm không?
Đối với trường hợp người bệnh viêm mũi mạn tính đã điều trị nhưng không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như viêm xoang cấp và mạn tính do bị ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm, tắc các lỗ thông xoang, ngứa mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt…
Đặc biệt, bệnh viêm mũi họng mạn tính còn có sự liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn, bởi các yếu tố gây bệnh viêm mũi mạn tính thường là các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Chính vì vậy, bệnh nhân viêm mũi mạn tính cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn người bình thường và nếu không điều trị tốt thì các cơn hen sẽ bùng phát nặng hơn, nhất là vào mùa lạnh.
Bệnh viêm mũi mạn tính nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì sẽ dễ gây ra hiện tượng khó thở, ngạt mũi kéo dài, khi lượng oxy cung cấp cho cơ thể không đủ (trong lúc người bệnh ngủ) thì sẽ gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ, một vài trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể bị nhồi máu não, đột phát bệnh tim mạch, cao huyết áp và thậm chí là đột tử… do vậy, tuyệt đối không được chủ quan với các bệnh viêm mũi họng mạn tính.
5. Điều trị bệnh viêm mũi mạn tính như thế nào?
Cũng giống như các bệnh lý viêm mũi họng khác, việc phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời bệnh viêm mũi mạn tính sẽ giúp cho quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
Trước tiên, để điều trị viêm mũi mạn tính thì bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tình trạng bệnh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Khi đã biết được nguyên nhân sẽ tiến hành điều trị triệu chứng bằng cách sử dụng một số loại thuốc có tác dụng làm săn se niêm mạc, trường hợp người bệnh là người lớn thì có thể dùng các biện pháp xông mũi, khí dung với tinh dầu thơm.
Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng làm co mạch, chống phù nề niêm mạc mũi, hoặc sẽ phải sử dụng kháng sinh để chống dị ứng đợt cấp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như nào, liều lượng ra sao thì cần phải tuân theo chỉ dẫn từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị ở nhà vì sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng.
Viêm mũi mạn tính là bệnh lý có khả năng tái phát rất cao, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý tới các nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Khi có biểu hiện của bệnh thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có biện pháp điều trị thích hợp.