Viêm mũi họng mãn tính là bệnh lý viêm mũi họng có thời gian kéo dài, tiến triển từ viêm mũi họng cấp tính và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi họng mãn tính.
1. Viêm mũi họng mãn tính
Đối với người bình thường, mũi sẽ có những xoang mặt làm nhiệm vụ hấp thu khí oxy cũng như trao đổi chất với môi trường xung quanh, bên cạnh đó mỗi xoang sẽ có lỗ thông và lớp niêm mạc phủ lên trên nó để bảo vệ sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây bệnh. Đối với người bị viêm mũi họng mãn tính thì vi khuẩn đã xâm nhập vào những vị trí này và gây phù nề niêm mạc trong những xoang này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn những lỗ thông xoang là điều kiện thuận lợi cho những loại vi khuẩn này phát triển, có thể là vi khuẩn yếm khí và vi khuẩn kỵ khí, kết quả cuối cùng là làm dịch, mủ chảy xuống họng gây ra những triệu chứng của viêm mũi họng mãn tính.
Viêm mũi họng mãn tính là bệnh lý có biểu hiện lặp lại nhiều lần sau quá trình viêm họng cấp, kéo dài khoảng trên 1 tháng và tiến triển thành viêm mũi họng mãn tính. Viêm mũi họng mãn tính có thể là ổ viêm ở Amidan, viêm Amidan mạn tính, do nhiễm vi khuẩn, virus, hít phải những khói bụi và hóa chất gây ô nhiễm môi trường, trào ngược dạ dày- thực quản hoặc cũng có thể là do viêm xoang mạn.
- Với viêm mũi họng mãn tính do viêm Amidan thường xuất hiện sau những đợt đau họng, do đến những vùng có không khí lạnh, ngủ máy lạnh nhiều hay uống nhiều nước lạnh.
- Viêm mũi họng mãn tính do trào ngược dạ dày- thực quản thường xuất hiện trên những bệnh nhân có tiền sử mắc những bệnh lý về dạ dày.
- Viêm mũi họng mãn tính do viêm xoang mạn có nguyên nhân do dịch từ những xoang viêm chảy xuống vùng họng gây cho bệnh nhân cảm giác khô rát cổ, vướng trong cổ, ho khan và có thể có khàn tiếng vào buổi chiều.
2. Triệu chứng viêm mũi họng mãn tính
Những triệu chứng của bệnh lý viêm mũi họng mãn tính thường kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần và bao gồm những dấu hiệu điển hình sau:
- Đau họng, đau trong thời gian dài, đau kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa, khô, vướng họng. Những triệu chứng trên thường xảy ra và buổi sáng kèm theo nhiều đàm ở vị trí cổ họng.
- Ho, ho kéo dài, khạc đờm nhiều lần.
- Khàn giọng, có khi nghiêm trọng hơn thì có thể dẫn đến mất giọng nói.
- Cảm giác nóng rát vùng sau xương ức, nhất là đối với những bệnh nhân mắc phải bệnh lý trào ngược dạ dày- thực quản.
- Những triệu chứng toàn thân có thể là sốt trên 38°C, mệt mỏi, đau đầu…
3. Chẩn đoán viêm mũi họng mãn tính
Để chẩn đoán viêm mũi họng mãn tính do viêm xoang mạn hoặc do những nguyên nhân khác thì bên cạnh việc khám lâm sàng, khai thác bệnh sử thì hiện nay còn nhờ vào một số kỹ thuật cận lâm sàng như nội soi, chụp cắt lớp vi tính… để góp phần chẩn đoán xác định, từ đó lựa chọn được biện pháp phù hợp để điều trị viêm mũi họng mãn tính.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần hợp tác với các bác sĩ trong quá trình thăm khám bằng cách cung cấp thông tin về tình trạng bệnh lý của bản thân một cách chính xác nhất, những biểu hiện bất thường của cơ thể ở những vị trí như mũi, họng, đường hô hấp, dạ dày…, những triệu chứng cơ năng hay gặp phải để bác sĩ có thể khám và điều trị hiệu quả hơn.
4. Điều trị viêm mũi họng mãn tính do viêm xoang
Sau khi được khai thác bệnh sử, khám và đưa ra chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được điều trị viêm mũi họng mãn tính theo những phác đồ phù hợp. Có 2 hướng điều trị hiện nay đang được áp dụng đó là điều trị theo nguyên nhân và điều trị triệu chứng:
4.1 Điều trị nguyên nhân
- Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi họng mãn tính như viêm Amidan, viêm xoang mạn… thì sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Những bệnh nhân bị viêm mũi họng mãn tính có tiền sử sử dụng thuốc lá, rượu bia thì cần tư vấn bệnh nhân bỏ những thói quen không tốt này.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc chống phù nề, thuốc co mạch để những lỗ thông được thông thoáng hơn, giúp cho quá trình dẫn lưu dịch được thuận lợi.
- Một phương pháp quan trọng hiện nay đó là rửa xoang mặt dưới áp lực âm, gọi là phương pháp Proetz. Đây là phương pháp được thực hiện để kéo dịch, mủ trong xoang ra bên ngoài. Phương pháp này hoạt động dựa trên nguyên lý bình thông nhau, khi có một lượng dịch được hút từ trong xoang ra thì thuốc sẽ được đưa vào bên trong xoang để thay thế. Phương pháp này thực hiện trong thời gian khoảng 2 tuần thì những dịch, mủ trong xoang được lấy ra đáng kể giúp cho lỗ thông trở nên thoáng, niêm mạc trở về trạng thái bình thường, không phù nề và tiếp tục thực hiện chức năng bảo vệ của nó. Đây là phương pháp hiệu quả, nhẹ nhàng và được sử dụng phổ biến hiện nay.
4.2 Điều trị triệu chứng
- Những triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, ho hay triệu chứng chảy mũi nước, khạc đờm nhiều lần thì cần sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giảm ho cho bệnh nhân.
- Trường hợp bệnh nhân xuất hiện biểu hiện như miệng bẩn kèm hơi thở có mùi thì cần tư vấn bệnh nhân súc miệng thường xuyên mỗi ngày bằng những dung dịch nước muối sinh lý.
- Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để hạn chế chất tiết ở mũi tiết ra ngoài.
Một số trường hợp cũng cần can thiệp của phẫu thuật để mổ nội soi mũi xoang như viêm đa xoang, polyp mũi, viêm xoang nguyên nhân do nấm…
Sau khi điều trị, người bệnh cần lưu ý thực hiện những lời khuyên sau để ngăn ngừa bệnh quay trở lại:
- Vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm xảy ra.
- Không ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
- Không ăn những thực phẩm, món ăn có chứa nhiều dầu mỡ, gia vị…
- Nếu có những biểu hiện bất thường như nghẹt mũi, đau mũi, đau tai… thì cần đến cơ sở y tế để khám và theo dõi.
Viêm mũi họng mãn tính do viêm xoang mạn hay do những nguyên nhân khác nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản cấp, hoặc có thể dẫn đến ung thư. Vì vậy khi có bất cứ dấu hiệu nào của viêm mũi họng, bệnh nhân cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.