VIÊM TAI NGOÀI LÀ BỆNH GÌ? TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN

So với viêm tai giữa, bệnh viêm tai ngoài tuy thường gặp nhưng ít trầm trọng hơn. Mặc dù vậy, bệnh có thể làm bạn khó chịu vì cảm giác ngứa, đau hoặc chảy mủ tai. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng viêm có thể lan đến tai giữa và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thính lực.

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm tai ngoài là gì?

Viêm tai ngoài hay còn gọi là viêm khoang tai ngoài. Đây là tình trạng nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm.

Khoang tai bao gồm từ màng nhĩ đến phần bên ngoài tai. Viêm tai ngoài có thể xảy ra vài ngày sau khi bạn đi bơi, có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm tai ngoài là gì?

Các dấu hiệu viêm tai ngoài bao gồm:

  • Đau tai và đau nhiều hơn khi kéo dái tai hoặc khi ấn vào tai;
  • Ngứa trong tai;
  • Sốt nhẹ (thỉnh thoảng);
  • Mủ chảy ra từ trong tai hoặc tai chảy dịch;
  • Mất thính lực tạm thời;
  • Đôi khi có cục u hoặc mụn nhọt nhỏ gây đau dữ dội trong khoang tai. Nếu chúng vỡ ra, một lượng nhỏ máu hoặc mủ có thể chảy ra từ trong tai.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm tai ngoài?

Bơi lội trong vùng nước không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến viêm tai ngoài. Thông thường, nguyên nhân gây nhiễm trùng tai là do Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) và các vi khuẩn khác sinh sống trong nước. Trong một số trường hợp hiếm hơn, nhiễm trùng có thể do một số loại nấm gây ra.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác gồm:

  • Gãi, ngoáy tai;
  • Có vật lạ mắc kẹt trong tai;
  • Làm sạch ống tai quá mạnh bằng tăm bông hoặc các vật nhỏ có thể làm tổn thương da, gây viêm ống tai ngoài.

Những nguyên nhân gây viêm tai ngoài mạn tính gồm:

  • Dị ứng với dị vật trong tai;
  • Các bệnh về da mãn tính như bệnh chàm hoặc bệnh vảy nến.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc viêm tai ngoài?

Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ em và những người hay bơi lội. Ngoài ra, người bị tiểu đường, dị ứng da và những ai có ráy tai ít đều dễ mắc viêm tai ngoài hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của mình.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm tai ngoài?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Đi bơi thường xuyên;
  • Bơi trong vùng nước kém vệ sinh, có lượng vi khuẩn cao;
  • Ống tai hẹp như ở trẻ em sẽ dễ dàng giữ nước lại trong tai làm nguy cơ nhiễm trùng tăng cao;
  • Làm sạch quá mức ống tai với tăm bông hoặc các vật dụng khác;
  • Sử dụng nhiều các thiết bị như tai nghe hoặc máy trợ thính;
  • Dị ứng hoặc kích thích da do trang sức, keo xịt tóc hoặc thuốc nhuộm tóc.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm tai ngoài?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tai ngoài bằng cách kiểm tra tai của bạn. Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng tái phát, bác sĩ có thể lấy mẫu thử của mủ trong tai và gửi đến phòng xét nghiệm để tìm loại vi khuẩn hoặc nấm đã gây ra nhiễm trùng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm tai ngoài?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ cần phải sử dụng thuốc nhỏ viêm tai ngoài chứa kháng sinh trong 10-14 ngày.

Phương pháp điều trị khác có thể là:

  • Uống thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng tai giữa hoặc nhiễm trùng lan ra ngoài tai;
  • Dùng corticosteroid để giảm ngứa và viêm;
  • Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen;
  • Chườm nước ấm có thể giúp giảm những cơn đau nhẹ.

Không được để ướt khoang tai trong vòng 7-10 ngày sau khi tất cả triệu chứng đã mất.

Những người bị viêm khoang tai ngoài mãn tính có thể cần điều trị lâu dài hoặc tái khám thường xuyên để tránh các biến chứng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tai ngoài?

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh:

  • Tránh để nước vào tai bằng cách đeo nút bịt lỗ tai hoặc đội mũ bơi khi đi bơi;
  • Gọi bác sĩ nếu các cơn đau kéo dài mặc dù đã điều trị hoặc nếu tai có cảm giác bị tắc;
  • Dùng thuốc nhỏ tai theo đúng theo chỉ dẫn;
  • Gọi bác sĩ nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê toa;
  • Gọi bác sĩ nếu bạn bị sốt sau khi bắt đầu điều trị.

Tránh để viêm tai ngoài trở thành bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và thính lực.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *