Vitamin D có vai trò quan trọng với cơ thể. Có hai loại là vitamin D2 và D3. Vậy sự khác nhau giữa hai loại vitamin D này như thế nào và bổ sung thế nào cho an toàn?
1. Vai trò của vitamin D
Vitamin D là một vitamin hòa tan trong chất béo (dầu mỡ), rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến các bệnh về xương, cơ xương khớp, hệ miễn dịch và thậm chí là nguy cơ ung thư.
Vai trò của vitamin D đối với xương, là do vitamin D giúp hấp thụ canxi và phosphate từ ruột, giúp xương chúng ta đậm và chắc. Nếu thiếu vitamin D, cơ thể sẽ không hấp thụ được canxi. Lúc này cơ thể phải lấy canxi từ xương để sử dụng, dần dần làm xương yếu đi, gây ra bệnh còi xương và loãng xương. Nếu bổ sung canxi dạng thuốc mà cơ thể thiếu vitamin D thì không có tác dụng vì canxi không hấp thụ được vào cơ thể.
2. Sự khác nhau giữa vitamin D2 và vitamin D3
Có hai loại vitamin D chính là vitamin D2 và vitamin D3.
– Vitamin D2 (ergocalciferol), có chủ yếu từ thức ăn và chỉ có trong một số ít thức ăn giàu vitamin D. Vitamin D2 chiếm rất ít trong tổng số lượng vitamin D chúng ta có, mà cơ thể chủ yếu có nhiều vitamin D3 hơn.
– Vitamin D3 (cholecalciferol), được tổng hợp ở da từ tiền chất vitamin D dưới tác động của tia cực tím (UVB) của ánh sáng mặt trời; phản ứng với protein 7-DHC, sản xuất ra vitamin D3. Loại vitamin này (D3) cung cấp phần lớn lượng vitamin D cho cơ thể.
Nói cách khác, cơ thể chúng ta cần ánh mặt trời và làn da để tạo ra phần lớn như cầu vitamin D. Nếu chỉ ăn uống thôi thường sẽ không đủ cung cấp vitamin D, vì phải ăn thật nhiều thực phẩm giàu vitamin D2 mới đủ nhu cầu.
3. Nên bổ sung vitamin D như thế nào?
Cơ thể cần cả hai loại vitamin D2 và vitamin D3, tuy nhiên do vitamin D3 được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời và nếu bổ sung vitamin D3 dạng uống sẽ làm tăng nồng độ vitamin D trong cơ thể nhanh hơn là D2, do đó bệnh nhân uống vitamin D3 sẽ bổ sung nhanh lượng vitamin D mà cơ thể cần hơn.
Liều dùng vitamin D tùy theo mức độ thiếu hụt trong cơ thể. Uống vitamin D liều thấp mỗi ngày sẽ hiệu quả hơn uống liều cao một lần. Người càng lớn tuổi, liều vitamin D mỗi ngày cần cao hơn, đến 800IU, trong khi người trẻ chỉ cần khoảng 600IU.
Thức ăn có nhiều vitamin D gồm cá biển, gan, bơ, và lòng đỏ trứng gà hay nấm mọc tự nhiên ngoài trời.
6 cách bổ sung vitamin D
- Phơi nắng và tập thể dục ngoài trời (cần thoa kem chống nắng đúng cách để hạn chế tác hại của tia cực tím lên da)
- Ăn đồ biển và cá có mỡ (cá hồi, cá tuna, tôm…)
- Ăn nấm
- Ăn lòng đỏ trứng
- Ăn/uống thức uống có vitamin D (như sữa và các chế phẩm từ sữa)
- Uống vitamin D bổ sung.
* Cách quy đổi đơn vị của vitamin D từ IU sang mcg : Cứ 1000 IU Vitamin D = 25mcg; 400mg IU = 10 mcg
Chúng ta nên kết hợp 6 cách bổ sung vitamin D ở trên thay vì một cách là uống vitamin D bổ sung.
Cũng không nhất thiết phải kết hợp bổ sung canxi với vitamin D nếu bạn có một chế độ dinh dưỡng đủ canxi và chưa được bác sĩ xác nhận là thiếu canxi, bởi uống canxi nhiều có thể tăng rủi ro bệnh tim mạch và sỏi thận.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D.
Ngoài ra cũng không nên tùy ý bổ sung vitamin D thường xuyên mà nên gặp bác sĩ để kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu. Thường sử dụng ngưỡng đánh giá sau:
– Kết quả xét nghiệm lượng vitamin D là thấp (nếu dưới 30nmol/L)
– Mức nguy cơ thiếu vitamin D trong khoảng từ 30nmol/L đến 50nmol/L.
– Mức bình thường trong khoảng khoảng 50-125nmol/L
– Mức cao là trên 125nmol/L trở lên (có nguy cơ ngộ độc).
Dựa vào nồng độ vitamin D trong máu cùng khai thác mức độ tắm (phơi) nắng, nghề nghiệp, môi trường sống và làn da của bệnh nhân (da càng đậm thì hấp thu UVB càng thấp), bác sĩ sẽ chỉnh sửa phác đồ điều trị thiếu vitamin D thích hợp cho mỗi bệnh nhân.
Với người có chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường rất ít khi có nguy cơ thừa vitamin D. Nếu nồng độ vitamin D trong máu cao thường gặp ở những người uống quá nhiều vitamin và thực phẩm bổ sung chứa vitamin D. Bổ sung vitamin D liều cao có thể gây nguy cơ ngộ độc, có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận của người dùng.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn