TÁC DỤNG CỦA THUỐC KHÁNG SINH LÀ GÌ?

Thuốc kháng sinh là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thuốc kháng sinh có tác dụng gì và cần phải lưu ý gì khi dùng thuốc.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Thuốc kháng sinh là gì?

Kháng sinh là các loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giúp cơ thể con người và động vật có thể chống lại nhiễm trùng. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.

Thuốc kháng sinh có 3 cách dùng như sau:

  • Đường uống: có thể là viên nén, viên nang hoặc hỗn dịch uống.
  • Dùng ngoài: có thể là kem bôi, thuốc mỡ, thuốc xịt dùng trên da hoặc thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai.
  • Đường tiêm: tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch; dùng cho những bệnh nhân nhiễm trùng nặng.
  • Đường đặt âm đạo: viên đạn, viên trứng mềm.

Tác dụng của thuốc kháng sinh là gì?

Bác sĩ thường chỉ định kháng sinh để điều trị các tình trạng nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng ở tai và xoang
  • Nhiễm trùng hô hấp trên, dưới
  • Nhiễm trùng da
  • Nhiễm trùng răng
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm màng não
  • Viêm họng liên cầu khuẩn
  • Nhiễm trùng bàng quang và thận
  • Viêm phổi do vi khuẩn
  • Ho gà…

Tuy nhiên, cũng có một số người bị nhiễm trùng nhưng không cần dùng kháng sinh, chẳng hạn như nhiễm trùng xoang hoặc một số nhiễm trùng tai.

Các bệnh lý cảm, cảm cúm, ho, đau họng, viêm phế quản thường gây ra bởi virus. Trong những trường hợp này, việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Bác sĩ sẽ đánh giá và kê đơn cho bạn thuốc giảm triệu chứng viêm hoặc thuốc kháng virus nếu cần.

Một số trường hợp chưa xác định được nguyên nhân nhiễm là do vi khuẩn hay virus, bác sĩ sẽ cho thêm các xét nghiệm vi sinh trước khi kê đơn thuốc điều trị.

Lưu ý để sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả

Tùy theo những loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ kháng sinh phù hợp với từng người ở từng thời điểm. Bạn nên uống theo hướng dẫn, không dự trữ thuốc dư thừa để sau này dùng, cũng không để người khác dùng thuốc của mình hay uống theo đơn của họ.

Đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, các loại kháng sinh thường được dùng dưới dạng tiêm. Khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, bác sĩ sẽ chỉ định thêm kháng sinh ở dạng viên nén, viên nang hoặc hỗn dịch để uống. Với nhiễm trùng vừa và nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống ngay từ đầu.

Các dạng nhiễm trùng ngoài được chỉ định kháng sinh dùng ngoài, có thể kết hợp với kháng sinh uống để có tác dụng toàn thân nếu cần thiết.

Thuốc kháng sinh cần phải được dùng cho đến khi vi khuẩn lây nhiễm bị loại bỏ khỏi cơ thể hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh phải dùng thuốc ĐỦ liều và ĐÚNG thời gian quy định mà bác sĩ đã kiến nghị, ngay cả khi mới chỉ dùng vài liều nhưng triệu chứng đã hết.

Bạn cần hết sức lưu ý rằng chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thật cần thiết, đúng và đủ liệu trình vì nếu không đảm bảo những yếu tố này, vi khuẩn rất dễ kháng lại thuốc. Lúc này, chúng không hề bị tiêu diệt và còn phát triển mạnh hơn trước.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý nếu viêm không do nhiễm khuẩn thì không dùng kháng sinh. Ví dụ như:

  • Đau họng do hút thuốc lá nhiều, uống nước đá, ngồi trong phòng điều hòa nhiều…
  • Cảm lạnh và sổ mũi, ngay cả khi có chất nhầy đặc, màu vàng hoặc xanh
  • Hầu hết bệnh viêm họng, trừ viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Hầu hết viêm phế quản.

Nên uống thuốc kháng sinh khi nào?

Những loại kháng sinh uống xa bữa ăn

Là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Bạn nên uống 1 tiếng trước bữa ăn hoặc 2 tiếng sau bữa ăn.

Các loại thuốc này gồm có:

  • Nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin…).
  • Nhóm cephalosporin: các thuốc trong nhóm này đều có chữ “cef” đứng đầu tên thuốc gốc, đây là nhóm thuốc được các bác sĩ ưa dùng nhất hiện nay.
  • Nhóm macrolid: tên thuốc gốc thường có nhóm chữ “mycin” đứng cuối, thường dùng nhất là clarythromycin, azithromycin, erythromycin.
  • Nhóm thuốc chống lao cũng nên uống xa bữa ăn.

Những loại kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn

Đây là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn hoặc kích thích đường tiêu hóa.

Các loại thuốc này gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin…); nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol…); nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin…).

Riêng loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào, bạn đều có thể uống lúc no hay đói (tốt nhất là uống lúc đói với 1 ly nước sôi để nguội).

Các phản ứng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh là gì?

Bên cạnh tác dụng chính, các loại thuốc kháng sinh cũng gây ra những tác dụng phụ, vì thế bạn nên chú ý hơn khi dùng.

Các tác dụng phụ phổ biến của kháng sinh như:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Phát ban
  • Đau bụng
  • Nhiễm nấm men ở miệng, đường tiêu hóa và âm đạo (đối với một số loại kháng sinh hoặc sử dụng kéo dài)

Các tác dụng phụ ít gặp nhưng nghiêm trọng hơn của thuốc kháng sinh bao gồm:

  • Hình thành sỏi thận, khi dùng sulphonamides
  • Đông máu bất thường, khi dùng một số cephalosporin
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời khi dùng tetracyclines
  • Rối loạn máu, khi dùng trimethoprim
  • Điếc, khi dùng erythromycin và các aminoglycoside

Một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể bị viêm ruột, dẫn đến tiêu chảy ra máu nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Trong những trường hợp ít phổ biến hơn, penicillin, cephalosporin và erythromycin cũng có thể gây viêm ruột.

Ngoài ra, một số trường hợp bị dị ứng thuốc kháng sinh nào đó, nhẹ là những biểu hiện như phát ban, khó thở, mề đay, ngứa; sưng môi, mặt hoặc lưỡi; ngất xỉu; nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ.

Có thể nói tác dụng của thuốc kháng sinh là rất lớn, nhưng nó chỉ hiệu quả và an toàn nếu được sử dụng đúng vi khuẩn, đủ liệu trình. Do vậy, nếu nghi ngờ nhiễm trùng, bạn nên đi khám bác sĩ để được chỉ định thuốc phù hợp, tránh tình trạng tự sử dụng tại nhà sẽ gây kháng kháng sinh, nhiễm trùng dai dẳng lâu khỏi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *