Hệ tiêu hóa của trẻ em khỏe mạnh không chỉ giúp bé hấp thu chất dinh dưỡng để phát triển tối ưu mà còn là “hàng rào miễn dịch” giúp chống lại bệnh tật và là nhà máy sản xuất hormone “hạnh phúc” serotonin cho cơ thể. Cùng khám phá sự kỳ diệu của hệ tiêu hóa và 5 cách giúp con duy trì bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh.
I. Hệ tiêu hóa của trẻ em có vai trò như thế nào trong sự phát triển?
Cỗ máy kỳ diệu mang tên hệ tiêu hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc của con trẻ. Một số vai trò chính của hệ tiêu hóa là:
- “Nhà máy” xử lý thức ăn và cung cấp dưỡng chất cho mọi tế bào trong cơ thể: Để hoạt động hiệu quả, mỗi cơ quan trong cơ thể cần những loại năng lượng và dưỡng chất khác nhau để hoạt động. Hệ tiêu hóa sẽ xử lý thức ăn thô, chuyển hóa các chất đạm, béo, đường, vitamin và khoáng chất từ thức ăn thành dưỡng chất mà cơ thể có thể hấp thụ được để hoạt động và phát triển khỏe mạnh.
- Nơi “đóng quân” của trên 70% hệ thống miễn dịch: Không phải tự nhiên mà hệ miễn dịch đặt đến 70% “quân số” ở bộ máy tiêu hóa – nơi tiếp nhận thức ăn từ bên ngoài và kèm theo đó là rất nhiều tác nhân có thể gây bệnh và có thể gây rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ giúp các tế bào miễn dịch sinh sôi và làm việc hiệu quả, ngăn cản mầm bệnh mà còn tạo điều kiện cho “đội quân” lợi khuẩn duy trì tỷ lệ áp đảo trong đường ruột, trực tiếp ức chế sự phát triển của hại khuẩn và các loại nấm, vi rút gây hại khác.
- Bộ não thứ hai: Hệ tiêu hóa sản xuất và chứa nhiều chất dẫn truyền thần kinh hơn cả não, nó sản xuất 95% serotonin trong cơ thể. Serotonin là hormone điều chỉnh cảm xúc được mệnh danh là “hormone hạnh phúc” của cơ thể. Vì thế, trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn hạnh phúc, vui vẻ hơn.
II. Mách mẹ 5 cách xây dựng hệ tiêu hóa của trẻ em khỏe mạnh
Ngoài việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ và đa dạng dưỡng chất, mẹ có thể giúp bé tăng cường sức mạnh của bộ máy tiêu hóa bằng cách:
1. Bổ sung lợi khuẩn
Lợi khuẩn là những vi sinh vật tốt cho đường tiêu hóa, góp phần cân bằng hệ vi sinh đường ruột và áp chế sự phát triển của các hại khuẩn, nấm men và vi rút gây bệnh. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, con cần duy trì tỷ lệ 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn.
Mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn cho bé từ 2-6 tuổi bằng cách cho con ăn các thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua, phô mai, natto hoặc uống sữa công thức có bổ sung chủng lợi khuẩn tự nhiên trong cơ thể.
Các lợi khuẩn này cư trú ở hàng rào màng nhầy niêm mạc ruột, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của các lợi khuẩn khác để duy trì, tái lập sự cân bằng vi sinh trong ruột và phối hợp với hệ miễn dịch chống tác nhân ngoại lai xâm nhập, giúp con lớn lên khỏe mạnh và phát triển tối ưu.
2. Thêm thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn
Chất xơ làm phân mềm hơn, dễ dàng di chuyển qua hệ tiêu hóa. Trẻ em từ 2 tuổi trở lên nên được bổ sung lượng chất xơ bằng số tuổi cộng thêm 5g mỗi ngày. Ví dụ, bé 5 tuổi cần ăn 10-15g chất xơ/ngày.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, các loại rau, đậu, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt. Mẹ nên tăng lượng chất xơ từ từ để hệ tiêu hóa của bé có thời gian làm quen, thích ứng, tránh tình trạng đau bụng, đầy hơi.
3. Chia nhỏ khẩu phần ăn
Trẻ ăn quá nhiều một lúc sẽ khiến hệ tiêu hóa bị quá tải, dẫn đến đau bụng, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa… Chưa kể, bé ăn quá nhiều sẽ khó nhai kỹ khiến dạ dày phải vất vả hơn khi nghiền trộn thức ăn.
Với bé 2-6 tuổi, mẹ nên cho bé ăn ít nhất 3 bữa chính và 2 bữa phụ rải đều trong ngày. Các bữa ăn nên cách nhau 2-3 giờ để hệ tiêu hóa có thời gian hoạt động và nghỉ ngơi. Hãy dạy bé nhai kỹ để enzyme trong nước bọt hòa trộn đều với thức ăn, hỗ trợ giải phóng chất dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.
4. Đảm bảo trẻ uống đủ nước
Việc uống đủ nước giúp thức ăn di chuyển trong đường ruột tốt hơn, giảm nguy cơ táo bón. Với bé từ 2-6 tuổi, ngoài 3 cữ sữa mỗi ngày, mẹ nên cho con uống đủ nước để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu con không thích uống nước, mẹ có thể cho thêm vài lát trái cây hay chút nước ép để bé dễ uống hơn.
5. Đảm bảo trẻ có chế độ vận động thể chất đều đặn và đầy đủ
Việc vận động thể chất thường xuyên giúp nhu động ruột của trẻ hoạt động hiệu quả, thức ăn được đẩy đi nhanh chóng và dễ dàng hơn, không bị tắc ứ gây táo bón. Ngoài ra, vận động còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.
Để giúp con hình thành thói quen vận động lành mạnh, bố mẹ nên cho bé ra ngoài chơi đùa ít nhất 30 phút/ngày. Các hoạt động thể chất phù hợp cho bé bao gồm đi bộ, chạy nhảy, bơi lội, đạp xe, đá bóng…
Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.