Mạt bụi nhà, phấn hoa hay lông thú nuôi trong nhà là những nguyên nhân khiến bạn bị các cơn dị ứng khó chịu. Nhiều chất chống dị ứng tự nhiên có trong thực phẩm và thảo dược có thể giúp bạn đẩy lùi các triệu chứng khó chịu một cách bất ngờ đấy!
Dị ứng là một phản ứng miễn dịch với một chất khác, ví dụ như phấn hoa, bụi… hay còn gọi là dị nguyên, tiếp xúc với các tế bào trong màng nhầy của mũi, miệng, họng, phổi, dạ dày và ruột. Điều này kích hoạt giải phóng histamin – một phần của hệ thống miễn dịch gây ra tất cả các triệu chứng liên quan đến dị ứng.
Tình trạng dị ứng với các triệu chứng khó chịu và phiền phức như hắt hơi, ngứa mắt, nghẹt mũi, đau đầu do xoang… Những triệu chứng này là cơn ác mộng của nhiều người vì tần suất xảy ra liên tục và kéo dài. Các loại thuốc chống dị ứng theo đơn và thuốc bán không cần kê đơn (OTC) có thể giúp bạn giải quyết tình trạng, nhưng khó sử dụng lâu dài do tác dụng phụ không mong muốn.
Nhiều bằng chứng cho thấy một số chất chống dị ứng tự nhiên sau đây có thể giúp bạn cải thiện hiệu quả mà ít tác dụng phụ, bạn hãy cùng Thuanmoc.vn tìm hiểu nhé!
1. Vitamin C
Vitamin C có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và đồng thời cũng là một chất chống dị ứng tự nhiên. Theo một nghiên cứu năm 2018 về vitamin C, sự stress oxy hóa là một trong những nguyên nhân đóng vai trò chính trong việc gây ra bệnh dị ứng. Vitamin C là một chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, có thể mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị dị ứng.
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng vitamin C tiêm tĩnh mạch liều cao có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng. Đồng thời họ cũng báo cáo rằng sự thiếu hụt vitamin C có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến dị ứng. Một nghiên cứu khác từ năm 2000 khuyến cáo nên dùng 2g vitamin C mỗi ngày để có thể cải thiện các triệu chứng dị ứng thường xuyên.
Vitamin C có trong nhiều loại trái cây và rau quả, bao gồm:
- Dưa đỏ
- Cà chua
- Dâu tây
- Trái kiwi
- Ớt chuông
- Bông cải xanh
- Bông cải trắng
- Trái cây có múi
2. Butterbur
Butterbur là một chiết xuất thực vật từ một loại cây bụi mọc ở châu Á, châu Âu và một số vùng của Bắc Mỹ. Butterbur thường được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và sốt cỏ khô, còn được gọi là viêm mũi dị ứng. Theo Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH), butterbur có tác dụng trong việc chống lại dị ứng.
Một đánh giá năm 2007 về 16 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên 10 sản phẩm thảo dược cho thấy, butterbur là một loại thảo dược hiệu quả cho bệnh sốt cỏ khô. Đánh giá này cho thấy, butterbur có tác dụng tốt hơn giả dược và hiệu quả như thuốc kháng histamin, để làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Hầu hết ai cũng có thể dung nạp tốt butterbur, tuy nhiên một số trường hợp, chiết xuất này có thể gây ra tác dụng phụ như:
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Ngứa mắt
- Bệnh tiêu chảy
Chiết xuất butterbur thô có chứa một số hợp chất gọi là alkaloids có thể gây tổn thương gan và ung thư.
3. Bromelain
Bromelain là một loại enzyme được tìm thấy trong lõi và nước ép của quả dứa, hoặc cũng có sẵn như trong các loại thực phẩm bổ sung. Bromelain là một phương thuốc tự nhiên phổ biến cho các tình trạng sưng hoặc viêm, đặc biệt là viêm xoang, sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng bromelain có thể làm giảm sự nhạy cảm của dị ứng và bệnh đường hô hấp dị ứng nhờ đặc tính chống viêm và chống dị ứng.
Ở một số người, việc bổ sung bromelain bằng đường uống có thể gây ra các phản ứng bất lợi như:
- Nhịp tim tăng
- Rối loạn tiêu hóa
- Thay đổi kinh nguyệt
4. Probiotic
Probiotic là các vi sinh vật có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bằng cách giúp cơ thể duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột. Probiotic có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của một người, có thể giúp cơ thể chống lại dị ứng.
Bạn có thể bổ sung probiotic thông qua sữa chua. Bên cạnh việc bổ sung chất đạm và nhiều vitamin cho cơ thể, sữa chua được tạo nên nhờ vào quá trình lên men sữa, vì thế có thể cung cấp cho cơ thể lượng lớn các vi khuẩn có lợi, duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
5. Quercetin
Quercetin là một flavonoid chống oxy hóa được tìm thấy trong nhiều loại thực vật và thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy rằng việc thêm quercetin vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng. Điều này nhờ vào quercetin có đặc tính chống dị ứng và kháng histamin.
Trong một nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quercetin có thể làm giảm dị ứng trên đường hô hấp ở chuột bằng cách giảm viêm đường thở. Quercetin có mặt trong nhiều loại thực phẩm và thảo dược tự nhiên bao gồm:
- Ớt
- Táo
- Nho
- Trà đen
- Trà xanh
- Quả mọng
- Hành tây đỏ
- Cây bạch quả
- Rượu vang đỏ
- Trà kiều mạch
- Bông cải xanh
Tuy nhiên, bạn uống thông qua thuốc bổ sung quercetin sẽ có tác dụng trong việc điều trị dị ứng tốt hơn là ăn thực phẩm có chứa quercetin. Quercetin thường an toàn cho hầu hết người dùng, một số trường hợp có thể gây đau đầu và ngứa ran ở tay và chân. Nếu dùng liều cao, đặc biệt là khi dùng lâu dài, quercetin có thể gây tổn thương thận.
Phương pháp điều trị và ngăn ngừa dị ứng
Trong trường hợp các chất chống dị ứng tự nhiên không làm giảm các triệu chứng, bạn có thể cần phải tìm giải pháp thay thế như sử dụng thuốc điều trị. Các phương pháp khác để điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng bao gồm:
• Tránh tiếp xúc chất gây dị ứng: Bạn hãy cố gắng xác định chất có thể gây dị ứng cho cơ thể bạn và giảm tiếp xúc với nó càng nhiều càng tốt.
• Thuốc: Thuốc kháng histamin có thể làm giảm các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mắt… Các thuốc này có thể ở dạng thuốc uống, thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mắt…
• Liệu pháp miễn dịch: Trong quá trình trị liệu miễn dịch, bác sĩ sẽ cung cấp một loạt các mũi tiêm có chứa một lượng nhỏ chất gây dị ứng với liều lượng tăng dần. Điều này có thể diễn ra trong vài năm nhằm mục đích giải mẫn cảm cơ thể với chất gây dị ứng.
• Điều trị epinephrine: Những người bị dị ứng nghiêm trọng có thể cần phải mang theo một mũi tiêm epinephrine khẩn cấp như Auvi-Q, EpiPen mọi lúc. Cách này có thể làm giảm các triệu chứng và cứu sống nếu gặp phải sốc phản vệ.
Các triệu chứng dị ứng có thể khiến bạn mất tập trung và cảm thấy mệt mỏi suốt cả một ngày dài. Cùng với việc tránh tác nhân gây dị ứng, bạn nên bổ sung những chất chống dị ứng tự nhiên và gặp bác sĩ sớm nếu các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện nhé!