Viêm da nhiễm trùng là bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi vào mọi thời điểm trong năm. Thế nhưng, thực tế, có rất nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này vẫn được nhiều người thực hiện và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ngứa, phát ban, thậm chí còn có mủ nên bạn nghi ngờ mình bị viêm da nhiễm trùng và có ý định dùng thuốc để điều trị? Bạn nghe rất nhiều người nói về căn bệnh này nhưng có một vài lời khuyên bạn “không cho là đúng”? Nếu đang rơi vào tình huống này, chắc chắn những chia sẻ dưới đây của Thuanmoc.vn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.
1. Tôi luôn tắm rửa, chăm sóc da mỗi ngày nên chắc chắn rằng da tôi luôn sạch sẽ, không có bất cứ vi khuẩn hay tác nhân gây hại nào khác đang “trú ẩn”.
Sự thật: Da là bộ phận có bề mặt lớn nhất trên cơ thể với chức năng chính là bảo vệ cơ thể khỏi môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng là lý do khiến da trở thành “mảnh đất màu mỡ” của nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus trú ngụ. Theo nghiên cứu, mỗi centimet vuông da có đến khoảng 1 triệu vi sinh vật đang cư ngụ, trong đó loại vi khuẩn thường gặp nhất là tụ cầu (Staphylococcus) và liên cầu (Streptococcus).
Thực tế, việc vệ sinh, tắm rửa, chăm sóc da mỗi ngày chỉ làm sạch bụi bẩn, giữ cho các tác nhân gây hại này “ngủ yên” và không gây bệnh cho da. Thế nhưng, nếu gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, tình trạng vệ sinh da không đúng cách, môi trường nóng nực, da bị chấn thương, mắc bệnh đái tháo đường kết hợp dùng các sản phẩm vệ sinh da thông thường, không có kháng khuẩn… thì các vi khuẩn này sẽ tăng độc tính, gây ra tình trạng nhiễm trùng trên da với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
2. Đây là bệnh chỉ gặp ở trẻ nhỏ do làn da của trẻ còn non nớt, dễ bị vi khuẩn, virus tấn công
Sự thật: Nhiễm trùng da là tình trạng viêm nhiễm do nhiều mầm bệnh gây ra. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ nhỏ do làn da của con còn non nớt, nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ rằng người lớn sẽ không mắc phải bệnh này. Thực tế, bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh viêm da nhiễm trùng, đặc biệt là viêm nang lông, nhọt, chốc… nếu:
- Trên cơ thể có các vết cắt, vết xước do té ngã, chấn thương khiến các vi sinh vật gây hại dễ xâm nhập và “quấy phá”
- Môi trường và điều kiện sống quá chật chội, ẩm ướt, bí bách, thời tiết nóng nực
- Không chú ý đến việc vệ sinh cá nhân, không rửa tay kỹ lưỡng hoặc tắm rửa không sạch khiến các vi sinh vật gây hại vẫn còn tồn tại và phát triển trên da, lâu ngày dẫn đến các bệnh về da một cách nghiêm trọng
- Sử dụng sữa tắm nhưng không tắm kỹ khiến các hóa chất trong sữa tắm vẫn còn tồn đọng trên da, gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng nặng đến làn da.
3. Viêm da nhiễm trùng là bệnh phổ biến, không gây nguy hiểm cho sức khỏe và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt nên không cần quá quan tâm
Sự thật: Phần lớn các trường hợp viêm da nhiễm trùng đều sẽ hồi phục nhanh và không gặp nhiều biến chứng nếu điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh diễn tiến nặng và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm khuẩn huyết: Nguy cơ này ít gặp nhưng thường trực nếu các tổn thương ngoài da rộng, dày và xuất hiện ở những vùng da nhiều mạch máu như mép, miệng, mặt, cằm. Việc nặn hút quá sớm những nốt nhiễm khuẩn dưới dạng “đinh râu” sẽ khiến hàng rào bảo vệ sinh học là các tế bào miễn dịch bao xung quanh và các dịch ngoại bào đầy kháng thể bị phá vỡ dễ dàng. Lúc này, vi khuẩn sẽ lợi dụng những “vết nứt” trên, xâm nhập ồ ạt vào máu và gây ra nhiễm khuẩn huyết. Nhiễm khuẩn huyết là một biến chứng nặng, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát ở gan, tim, não và gây tử vong.
- Nhiễm khuẩn các cơ quan khác: Tình trạng nhiễm trùng da có thể dẫn đến các viêm nhiễm ở màng tim, màng khớp, gây ra viêm tủy xương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vi khuẩn hoặc phức hợp kháng thể – kháng nguyên của vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể theo đường máu hoặc bạch huyết, gây viêm tại các cơ quan có mô liên kết giống nhau như màng tim, màng khớp. Ở những người sức miễn dịch kém, vi khuẩn có thể theo đường máu tới định cư ở đầu các xương dài và gây ra bệnh viêm xương tủy xương. Các dạng tổn thương này càng hay gặp khi một nhiễm khuẩn da dai dẳng, ăn sâu và có thể lan tới cốt mạc xương.
4. Viêm da nhiễm trùng cần phải kiêng nước, kiêng gió để tránh các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn?
Sự thật: Dân gian thường nói người bị viêm da, nhiễm trùng da nên tránh gió, kiêng nước để tránh các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Thế nhưng, thực tế, lời khuyên này không hoàn toàn đúng. Khi bị viêm da nhiễm trùng, làn da đã bị tổn thương nên rất dễ nhiễm khuẩn nếu thường xuyên tiếp xúc với gió, bụi bẩn bên ngoài. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải ở trong phòng kín và hoàn toàn tách biệt với thế giới. Nếu muốn ra ngoài, bạn chỉ cần che chắn cho làn da cẩn thận để tránh tiếp xúc với gió và ánh nắng mặt trời.
Về quan niệm kiêng nước thì đây lại là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi bị nhiễm trùng da, đặc biệt là vào mùa hè, cơ thể tiết nhiều mồ hôi và tích tụ nhiều tế bào chết trên da. Do đó, việc không tắm rửa sạch sẽ làm tuyến bã nhờn tiết ra nhiều kết hợp với vi khuẩn trên da sẽ khiến các tổn thương trở nên nghiêm trọng. Do đó, bạn nên vệ sinh thân thể mỗi ngày bằng các sản phẩm sữa tắm có tính năng bảo vệ da khỏi vi khuẩn và làm sạch sâu hiệu quả. Ngoài tắm rửa, bạn cũng cần chú ý đến việc rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay sạch khuẩn có chứa các thành phần diệt khuẩn để đảm bảo rằng vi khuẩn không bám trên tay và lây nhiễm đến các vùng da bị tổn thương.
5. Khi bị viêm da nhiễm trùng, cứ dùng kháng sinh thì bệnh sẽ nhanh khỏi
Sự thật: Nhiều người nghĩ rằng kháng sinh có thể chữa “bách bệnh”, kể cả nhiễm trùng da. Tuy nhiên, thực tế, kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn chứ không có tác dụng nhiều với virus. Do đó, việc điều trị viêm da nhiễm trùng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng. Thậm chí, một số loại nhiễm trùng da do virus có thể tự cải thiện trong vòng vài ngày hoặc một vài tuần.
Nhiễm trùng do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh bôi trực tiếp lên da hoặc bằng thuốc kháng sinh dùng đường uống. Bạn có thể sử dụng thuốc xịt và kem chống nấm không kê đơn để điều trị nhiễm nấm da. Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa kem dưỡng da lên da để điều trị nhiễm trùng da và ký sinh trùng.