Chàm là một thuật ngữ để chỉ một số loại viêm da khác nhau. Bệnh chàm còn được gọi là viêm da. Chàm không gây nguy hiểm, nhưng hầu hết các loại chàm đều gây đỏ da, sưng và ngứa.
Bệnh chàm là gì?
Loại chàm phổ biến nhất là viêm da dị ứng, một phản ứng dị ứng. Chàm thường rất ngứa và khi bạn gãi sẽ khiến da bị tấy đỏ và viêm. Chàm thường ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Viêm da dị ứng là một bệnh da mãn tính. Từ dị ứng mang ý nghĩa đây là một bệnh viêm da có xu hướng di truyền và hay kèm với hen suyễn và bệnh sốt mùa hè. “Viêm da” là tình trạng da bị tấy đỏ và ngứa.
Các loại chàm khác bao gồm:
- Chàm dị ứng tiếp xúc: Da bị đỏ, ngứa và rỉ mủ vì da tiếp xúc phải chất khiến hệ miễn dịch chống lại, như chất độc ivy.
- Chàm tiếp xúc: Da mẩn đỏ, ngứa và rát ở chỗ tiếp xúc với chất gây dị ứng, như axit, bụi hoặc hóa chất khác.
- Bệnh tổ đỉa: Vùng da lòng bàn tay và lòng bàn chân bị kích ứng và có các mụn nước sâu gây ngứa, bỏng rát.
- Viêm da thần kinh hay còn gọi là liken hóa: Các mảng da có vảy trên đầu, chân, cổ tay, cánh tay gây ra do ngứa cục bộ (như vết cắn của côn trùng).
- Chàm thể đồng tiền: Da có các đốm kích ứng hình đồng tiền. Các đốm hay bị đóng vảy, lan rộng và rất ngứa.
- Chàm tiết bã: Da này có màu hơi vàng, dầu, các mảng da có vảy trên da đầu, mặt và các bộ phận khác trên cơ thể.
- Viêm da ứ đọng: Da ở vùng dưới đầu gối bị kích ứng, thường là do bất thường trong lưu thông máu.
Những nguyên nhân gây bệnh chàm là gì?
Nguyên nhân gây chàm hay viêm da dị ứng chưa được biết chính xác, thường gây ra do gen (trong gia đình) và các yếu tố môi trường. Bệnh nhân viêm da dị ứng có thể bị bệnh sốt mùa hè và hen suyễn. Chất kích ứng và dị nguyên có thể làm trầm trọng bệnh viêm da dị ứng. Chất kích ứng là những chất khiến da bị đỏ và ngứa hoặc có cảm giác châm chích, bao gồm:
- Sợi len hoặc sợi nhân tạo
- Xà phòng và chất tẩy rửa
- Một số loại nước hoa và mỹ phẩm trang điểm
- Các chất như clo, dầu khoáng, hoặc các dung môi
- Bụi cát
- Hút thuốc lá.
Dị nguyên là các chất gây dị ứng trong thực phẩm, thực vật, động vật hoặc không khí. Chất gây dị ứng thường gặp là:
- Trứng, đậu phộng, sữa, cá, sản phẩm đậu nành và lúa mì
- Mạt bụi
- Mối mọt
- Phấn hoa
- Lông chó hay mèo.
Mạt bụi là vi sinh vật sống trong các loại đồ đạc trong nhà, giường, gối, chăn, thảm trải nhà… Phân và xác của mạt bụi nhà là tác nhân gây dị ứng cho con người
Ngoài ra, căng thẳng, giận dữ, thất vọng có thể khiến viêm da dị ứng chuyển biến xấu hơn, nhưng không phải làm nguyên nhân gây bệnh. Nhiễm trùng da, nhiệt độ và khí hậu cũng có thể dẫn đến bùng phát. Những nguyên nhân gây bùng phát khác là:
- Không sử dụng đủ chất dưỡng ẩm sau khi tắm
- Độ ẩm thấp vào mùa đông
- Khí hậu quanh năm khô
- Tắm lâu hoặc tắm nước nóng
- Bị lạnh khi đang đổ mồ hôi
- Nhiễm trùng do vi khuẩn.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chàm là gì?
Viêm da dị ứng và bệnh chàm bắt đầu bằng triệu chứng khô da, ngứa da. Triệu chứng phát ban này khiên da bị tấy đỏ, sưng và đau. Bạn càng gãi, bệnh sẽ càng trầm trọng hơn. Đôi khi có thể có một chất lỏng trong suốt rỉ ra từ chỗ phát ban. Cuối cùng, phát ban sẽ đóng vảy và bắt đầu lan rộng. Phát ban thường xuất hiện ở trong các nếp gấp khuỷu tay, phía sau đầu gối, trên má và trên mông.
Những yếu tố nguy cơ nào gây bệnh chàm?
Các yếu tố không thể thay đổi được như di truyền trong gia đình, chủng tộc, tuổi tác, giới tính. Các yếu tố có thể thay đổi được là lối sống, các bệnh khác, sức khỏe, tình cảm. Trẻ em có nguy cơ bị rối loạn này nếu phụ huynh đã từng bị bệnh này hoặc bệnh dị ứng như hen suyễn hay sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng). Nếu cả cha và mẹ bị viêm da dị ứng, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Mặc dù một số người phát triển triệu chứng da rất nhanh, nhưng có khoảng một nửa số trẻ em dị ứng viêm da lại xuất hiện sau khi bị sốt cỏ khô hoặc hen suyễn. Yếu tố môi trường cũng có thể gây ra các triệu chứng của viêm da dị ứng ở bất cứ thời điểm nào.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn hoặc con bạn bị viêm da dị ứng và:
- Ngứa làm bạn hoặc con bạn khó chịu
- Ngứa ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày hoặc giấc ngủ
- Có lở loét rỉ nước hoặc khô cứng, vết xước da nghiêm trọng, phát ban lan rộng, đổi màu da, hoặc bị sốt kèm theo phát ban
- Rách da đau đớn hình thành trên tay hoặc ngón tay
- Viêm da dị ứng trên bàn tay ảnh hưởng đến công việc, học hành và hoạt động ở nhà hàng ngày
- Các dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển, bao gồm: bị đau, sưng, đỏ, hoặc nhiệt tăng lên; vệt tấy đỏ từ vùng da này lan rộng ra; có dịch mủ; sốt trên 38°C không có nguyên nhân khác.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh chàm?
Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng. Mỗi người có các triệu chứng khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử để:
- Tìm hiểu về các triệu chứng của bạn
- Biết khi nào triệu chứng xảy ra
- Loại trừ các bệnh khác
- Tìm nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng.
Bác sĩ cũng có thể hỏi về:
- Các thành viên khác trong gia đình có bị dị ứng không?
- Bạn có bị bệnh khác như sốt cỏ khô hoặc hen suyễn hay không?
- Bạn có ở gần các chất gây kích ứng da không?
- Bạn có các vấn đề giấc ngủ không?
- Bạn có từng dùng các loại thực phẩm có thể dẫn đến bùng phát bệnh không?
- Bạn có đang điều trị bệnh da nào khác không?
- Bạn có sử dụng steroid hoặc thuốc trị bệnh chàm nào không?
Những xét nghiệm nào khác có thể chẩn đoán bệnh?
Hiện chưa có xét nghiệm nào được dùng để chẩn đoán bệnh. Nhưng bạn có thể xét nghiệm dị ứng bởi một bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia dị ứng (bác sĩ dị ứng).
Những phương pháp nào điều trị bệnh chàm?
Mục tiêu điều trị viêm da dị ứng là chữa lành da và ngăn chặn bùng phát. Bác sĩ sẽ giúp bạn:
- Xây dựng thói quen chăm sóc da tốt
- Tránh nguyên nhân gây bùng phát
- Điều trị khi triệu chứng xảy ra.
Bạn và các thành viên gia đình nên theo dõi các thay đổi trên da để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.