KHÔNG KHÍ BỊ Ô NHIỄM: THỦ PHẠM GÂY VIÊM MŨI DỊ ỨNG?

Tình trạng không khí bị ô nhiễm góp phần đáng kể vào việc làm gia tăng số ca mắc viêm mũi dị ứng hoặc khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Điều này đã được công nhận bởi một số nghiên cứu gần đây. Vì vậy, các chuyên gia bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với viêm mũi dị ứng và chia sẻ cách kiểm soát bệnh trong thời gian dài.

Ở Việt Nam, các chỉ số về ô nhiễm không khí đều đang ở mức báo động, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Một nghiên cứu ở khu vực miền Bắc Việt Nam cho thấy, việc tiếp xúc với khí, bụi hoặc khói có ảnh hưởng đáng kể đến viêm mũi dị ứng nhưng mọi người lại chưa thật sự quan tâm và nhận biết rõ. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị viêm mũi dị ứng cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ hơn về viêm mũi dị ứng và cách kiểm soát bệnh hiệu quả trong tình trạng không khí ô nhiễm như hiện nay.

I. Thực trạng không khí bị ô nhiễm tại Việt Nam

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vào năm 2018 cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người hít thở không khí chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà chính là là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu.

Riêng Việt Nam, có khoảng 60.000 ca tử vong trong năm 2016 liên quan đến ô nhiễm không khí.

1. Xếp hạng chất lượng không khí ở Việt Nam

Theo nghiên cứu về Chỉ suất hiệu số môi trường (Environmental Performance Index) của Đại học Yale (Hoa Kỳ) công bố năm 2020 nhằm đánh giá xếp hạng các quốc gia dựa trên các vấn đề môi trường, Việt Nam chỉ đạt số điểm là 33,4 và xếp hạng 141/180 quốc gia về chất lượng không khí.

2. Nồng độ bụi mịn ở các thành phố lớn của Việt Nam

Tình trạng không khí bị ô nhiễm gây hại cho sức khỏe hô hấp phần lớn là do việc hít phải nồng độ bụi mịn đang tăng cao vượt mức cho phép. Có 2 loại bụi mịn phổ biến là PM2.5 với đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet (nhỏ hơn so với đường kính sợi tóc con người khoảng 30 lần) và bụi mịn PM10 với đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet.

Do có kích thước quá nhỏ nên bụi mịn trong không khí có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, tim mạch và gây ra một số căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim (có thể dẫn đến đột quỵ), ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp, chứng hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: nồng độ bụi mịn trong không khí ở mức an toàn là 20 µg/m3 đối với PM10 và 25 µg/m3 đối với PM2.5. Thế nhưng, theo cơ sở dữ liệu của WHO năm 2019, chỉ số bụi mịn trung bình cả năm ở các những thành phố lớn của Việt Nam đều đang vượt mức cho phép và đáng báo động:

  • Hà Nội: Nồng độ bụi mịn PM2.5 là 46,9 µg/m3.
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Nồng độ bụi mịn PM2.5 là 25,3 µg/m3.
  • Thành phố Huế: Nồng độ bụi mịn PM2.5 là 28,6 µg/m3.
  • Thành phố Đà Nẵng: Nồng độ bụi mịn PM2.5 là 25,9 µg/m3.

II. Không khí bị ô nhiễm: Thủ phạm gây ra viêm mũi dị ứng

1. Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là do sự phản ứng của hệ thống miễn dịch được kích hoạt khi bạn tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, phấn cây cỏ theo mùa, nấm mốc, mạt bụi hoặc không khí bị ô nhiễm.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng đã được thống kê là khoảng 10 – 30% đối với người trưởng thành ở Hoa Kỳ và châu Âu [5]. Trong thực tế, con số này có thể cao hơn vì chưa bao gồm những người không được chẩn đoán hoặc tự mua thuốc không kê đơn để điều trị tại nhà.

2. Không khí ô nhiễm ảnh hưởng như thế nào đến viêm mũi dị ứng?

Sự ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm (ngoài trời và trong nhà) đối với bệnh viêm mũi dị ứng đã được công nhận qua một vài nghiên cứu gần đây.

Các triệu chứng viêm mũi dị ứng bùng phát trong điều kiện không khí bị ô nhiễm có thể là do người bệnh tiếp xúc với bụi mịn (PM10 và PM2.5) và các hợp chất gây ô nhiễm không khí như NO2, NO, CO2, CO, hạt khí thải diesel (DEP)…. Trong đó, hạt khí thải diesel (DEP) từ các phương tiện giao thông là yếu tố đáng được quan tâm nhất.

DEP là hạt vô cùng nhỏ, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, tạo ra kháng thể Immunoglobulin E (IgE) và stress oxy hóa trong đường hô hấp. Điều này có nghĩa là hạt khí thải diesel có thể khiến đường thở trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với những chất gây dị ứng khác. Từ đó khiến các triệu chứng viêm mũi như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi… trở nên trầm trọng hơn.

Qua một vài nghiên cứu có thể cho thấy rằng rằng tình trạng ô nhiễm không khí là yếu tố làm gia tăng tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng hiện nay.

3. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng

Viêm mũi dị ứng không phải là nguyên nhân gây tử vong nhưng các triệu chứng của bệnh như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau đầu… sẽ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu khi hít thở, sinh hoạt. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ở góc nhìn rộng hơn, viêm mũi dị ứng còn tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội từ việc ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điển hình là căn bệnh này có liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn, một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở nhiều quốc gia. Điều đáng quan tâm ở đây là nếu người bệnh không điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả thì cũng sẽ không thể kiểm soát tốt được bệnh hen suyễn.

III. Bí quyết giúp bạn kiểm soát viêm mũi dị ứng trước tình trạng không khí bị ô nhiễm

Tình trạng không khí bị ô nhiễm có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát viêm mũi dị ứng. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua những lời khuyên hữu ích sau đây:

1. Điều trị viêm mũi dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ

Viêm mũi dị ứng tuy phổ biến nhưng các triệu chứng của bệnh lại khiến bạn dễ nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cảm cúm. Từ đó dẫn đến việc dùng sai thuốc điều trị và không làm giảm được các triệu chứng gây khó chịu. Vì vậy, việc tìm hiểu chi tiết về sự khác biệt giữa viêm mũi dị ứng với cảm lạnh và cảm cúm là điều rất cần thiết.

Nếu bạn bị hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi… thường xuyên mà không cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ho, sốt… thì khả năng cao là bạn đã mắc chứng viêm mũi dị ứng. Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và đề ra phương pháp điều trị phù hợp.

Điều này đặc biệt cần thiết trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam. Việc đi khám khi có các vấn đề liên quan đến hô hấp sẽ ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và giúp bạn điều trị bệnh hiệu quả, kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh.

Bên cạnh đó, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được sử dụng nhóm thuốc kháng histamin thế hệ mới chứa các hoạt chất như Fexofenadine có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng gây khó chịu như hắt hơi, sổ mũi, đỏ mắt… Thuốc có hiệu quả sau 2 giờ uống và ít gây buồn ngủ, rất hữu ích cho người bị viêm mũi dị ứng đang làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao như nhân viên thu ngân, kỹ sư xây dựng, MC, diễn viên, nhân viên văn phòng, tài xế…

Trên thị trường có rất nhiều loại nhãn hiệu thuốc điều trị viêm mũi dị ứng chứa các hoạt chất này mà không cần kê đơn. Do đó, khi chọn mua thuốc, bạn nên ưu tiên thuốc của những công ty dược lớn, có uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới và đảm bảo công dụng của sản phẩm được chứng minh bằng nghiên cứu lâm sàng.

2. Giải pháp ngăn ngừa viêm mũi dị ứng trong môi trường không khí ô nhiễm

Kiểm soát viêm mũi dị ứng bằng cách tuân thủ chỉ định của bác sĩ và dùng thuốc điều trị phù hợp là giải pháp quan trọng hàng đầu. Song song đó, bạn cũng nên duy trì một số thói quen lành mạnh để kiểm soát viêm mũi hiệu quả trong tình trạng không khí ô nhiễm như hiện nay:

  • Vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Bạn nên chọn mua loại khẩu trang chất lượng tốt, có chứng năng lọc bụi mịn.
  • Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, đủ chất kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng.
  • Vào mùa lạnh, gió lớn, bạn nên chú ý giữ ấm cơ thể và vùng cổ để bảo vệ sức khỏe.
  • Vệ sinh nhà cửa và môi trường sống sạch sẽ mỗi ngày. Nếu có thể, bạn nên mua máy lọc không khí cho gia đình để xử lý ô nhiễm không khí trong nhà thải ra từ hoạt động nấu nướng, hóa chất từ các sản phẩm tẩy rửa, không gian có độ ẩm cao…

Các bài viết của Thuanmoc.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *