Việc test COVID-19 nhiều không thể “hỏng” mũi như nhiều người vẫn sợ. Tuy nhiên cũng có trường hợp lấy mẫu không đúng, hoặc quá mạnh tay sẽ gây tổn thương đến mũi.
Là người cuối cùng trong phòng bị nhiễm COVID-19, chị Minh Anh (nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) cho biết, hơn một tháng qua chị luôn sống trong thấp thỏm, lo sợ vì cả phòng chị lần lượt thay nhau nhiễm COVID-19, còn mỗi chị chưa bị F0.
Do thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng nên yêu cầu của cơ quan ngày nào chị cũng phải chọc mũi để test COVID-19. Chị cho biết, mình không sợ test mà điều chị sợ nhất là “cứ test nhiều như này không biết sau này có ảnh hưởng gì đến mũi không?”, chị Minh Anh băn khoăn.
Thực tế, việc chọc mũi để test nhanh là nỗi sợ của không chỉ riêng ạ. Anh Nguyên Hải (Tây Hồ) cho biết, anh vốn bị viêm xoang mãn tính. Năm nào cũng vậy, cứ thời tiết nồm như những ngày gần đây là bệnh viêm xoang của anh lại tái phát.
Trong đợt dịch cao điểm vừa rồi, so với biểu hiện của bệnh nhân COVID-19 thì gần như anh có đủ cả. Từ đau đầu, sổ mũi, đau họng, ho, mắc đờm… và giọng nói cũng thay đổi. Nhiều người tiếp xúc với anh đều nghi ngờ và khuyên anh test để kiểm tra COVID-19. Tuy nhiên, anh cho rằng đó là biểu hiện của bệnh xoang mãn tính và nhất quyết không làm vì rất sợ phải động chạm đến xoang mũi.
Việc test COVID-19 nhiều không thể “hỏng” mũi như nhiều người vẫn sợ. Ảnh minh họa
Giải đáp về vấn đề việc test COVID-19 nhiều có sợ hỏng mũi không? BS Trương Hữu Khanh – nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cho biết: Việc test COVID-19 nhiều không thể “hỏng” mũi như nhiều người vẫn sợ. Quá trình đưa que test trong mũi sẽ không tác động lớn tới cấu trúc của mũi. Thực tế nhiều F1 và nhân viên y tế test liên tục, có ngày test 3 lần nhưng mũi họ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên cũng có trường hợp lấy mẫu không đúng, hoặc quá mạnh tay sẽ gây tổn thương đến mũi. Vì vậy, người dân khi test COVID-19 cần chú ý mua sản phẩm kit test đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, quá trình test, khi đưa que vào khoang mũi, người dân nên thực hiện từ từ, nhẹ nhàng, lúc nào chạm đúng điểm cần lấy mẫu theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì rút ra ngay, tránh vội vàng hay làm quá mạnh tay sẽ gây đau, thậm chí chảy máu.
2 thời điểm cần test nhất là thời điểm có triệu chứng và ngày thứ 5 hoặc thứ 7, hoặc thứ 14. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, người dân không nên quá lo lắng để ngày nào cũng làm xét nghiệm. Bởi vì vi rút cần có thời gian để nhân lên. Vừa tiếp xúc với F0 đã vội vàng xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm sẽ không có giá trị. Thậm chí, ngay cả khi xét nghiệm nhanh bị dương tính cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR. Việc test xét nghiệm xuất hiện vạch màu đậm hoặc nhạt cũng không nói lên được là lượng vi rút nhiều hay ít mà phải có ý kiến của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế xác định.
Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn này, mua và sử dụng kít xét nghiệm khi cần.
Khi tự test nhanh Covid-19 tại nhà, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu. Trước khi lấy mẫu bảo đảm khu vực lấy mẫu đủ thông thoáng, người lấy mẫu phải có phòng hộ cá nhân phù hợp để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, kỹ thuật lấy mẫu quyết định trên 90% tính chính xác.
Thời gian đọc kết quả phụ thuộc vào loại test nhanh. Thông thường, test nhanh cần khoảng 15-30 phút để cho kết quả. Nếu âm tính, trên khay thử sẽ chỉ xuất hiện một vạch màu đỏ ở chữ C. Nếu dương tính, khay thử sẽ xuất hiện hai vạch ở chữ C và T. Trường hợp khay thử không xuất hiện vạch ở chữ C và T hoặc chỉ xuất hiện vạch ở chữ T, kết quả không có giá trị.
2 thời điểm nên thực hiện test nhanh COVID-19
+ Thời điểm có triệu chứng: Test nhanh Covid-19 để xem có bị dương tính hay không
+ Thời điểm ngày thứ 5 hoặc thứ 7, hoặc thứ 14: Test nhanh Covid để biết đã âm tính hay chưa, tùy thuộc triệu chứng đã cải thiện vào thời điểm nào.