PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ VIÊM NANG LÔNG NHƯ THẾ NÀO MỚI HIỆU QUẢ?

Viêm nang lông có thể xảy ra với bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, gây ngứa ngáy và ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ. Không dừng lại ở đó, nếu việc xử lý bệnh không được đúng cách còn có thể gây nhiễm trùng, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy đâu mới là phương pháp điều trị viêm nang lông hiệu quả?

1. Nguyên nhân và phân loại viêm nang lông

1.1. Nguyên nhân gây ra viêm nang lông

Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các chân lông trên cơ thể như: lưng, tay, chân,… Ban đầu khi bị viêm sẽ có các nốt mụn nhỏ đầu trắng hoặc các búi nhỏ màu đỏ xuất hiện quanh chân lông trên da.

Đến nay, giới chuyên gia cho rằng viêm nang lông là kết quả của nhiễm trùng chân lông hoặc tình trạng khác về da. Các yếu tố góp phần hình thành bệnh gồm:

Viêm nang lông dễ xảy ra với nhiều người do những tác nhân khác nhau gây nên

  • Mắc một số bệnh lý về da như: mụn trứng cá, viêm da,…
  • Da bị nhiễm ký sinh trùng, virus, viêm nhiễm do lông mọc ngược.
  • Tai nạn hoặc phẫu thuật gây tổn thương da.
  • Cạo lông.
  • Lỗ chân lông cọ xát nhiều với quần áo.
  • Nhiễm trùng lỗ chân lông do sự xuất hiện của vi khuẩn trên da.

1.2. Phân loại viêm nang lông

Có thể phân viêm nang lông thành 2 loại dựa trên mức độ tổn thương và nguyên nhân gây ra bệnh:

Viêm nang lông nông: viêm nhiễm chỉ xảy ra ở một phần nang trứng, tác nhân chính là nấm Pityrosporum, khuẩn Staphylococcus aureus, dùng dao cạo râu sai cách,…

Viêm nang lông sâu: viêm nhiễm xảy ra ở toàn bộ nang trứng, tác nhân là viêm nang lông bạch cầu ái toan hoặc vi khuẩn gram âm,…

2. Phương pháp điều trị viêm nang lông là gì

2.1. Chẩn đoán bệnh viêm nang lông

Để có được phương pháp điều trị viêm nang lông hiệu quả thì trước tiên người bệnh phải chẩn đoán được đúng bệnh. Muốn vậy, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát ở vùng da có dấu hiệu kích ứng và hỏi người bệnh về thời gian mắc triệu chứng, tiền sử với bệnh, loại thuốc đang sử dụng,… Bước sau đó bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi để soi da, tìm nguyên nhân gây bệnh.

Soi da giúp chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị viêm nang lông phù hợp

Những người bị viêm nang lông ở mức độ nặng, có thể sẽ được bác sĩ yêu cầu lấy mẫu dịch ở lỗ chân lông bị viêm để thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu tìm nguyên nhân nhiễm trùng từ đó có cơ sở để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả với tình trạng của từng bệnh nhân.

2.2. Phương pháp điều trị bệnh

Phương pháp điều trị viêm nang lông ở mỗi người không giống nhau vì nó phụ thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh của từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là:

✧ Kết hợp thuốc bôi và thuốc uống

Thường thì người bệnh sẽ được dùng các loại thuốc giảm viêm, sát trùng, ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh như:

  • Thuốc sát khuẩn: là các loại dung dịch như Povidon iod 0.1%, Hexamidine 0.1%, Chlorhexidine 4% với mục đích tiêu diệt tác nhân gây bệnh, làm sạch viêm nhiễm đồng thời hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh. Muốn đạt hiệu quả tốt nhất nên dùng thuốc mỗi ngày 2 – 4 lần.
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ: sử dụng sau khi đã dùng dung dịch sát khuẩn nhằm tiêu diệt vi khuẩn bám sâu ở nang lông để quá trình điều trị sớm đạt hiệu quả hơn và hạn chế nguy cơ tái phát. Thuốc thường được dùng cho các trường hợp viêm nang lông gây tổn thương da nặng và có căn nguyên do tụ cầu vàng. Một số loại thuốc phổ biến là: Amoxicillin, B-lactam, Ciprofloxacin, Cephalosporin, Metronidazol,…
  • Thuốc kháng nấm: có thể là thuốc dạng bôi hoặc uống trong những trường hợp viêm nang lông do nấm thường được khuyến cáo dùng dạng uống để khiến bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi.

Để đẩy lùi viêm nang lông hiệu quả và an toàn người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa

  • Thuốc bôi trong thành phần có chứa Benzoyl peroxide: dùng cho các trường hợp viêm nang lông ở mặt do đã dùng kháng sinh đường uống một thời gian dài. Thuốc có tác dụng sát khuẩn và làm bong lớp sừng, lớp vảy trên da. Việc dùng thuốc cũng sẽ giúp người bệnh không cần uống kháng sinh nữa.
  • Thuốc kháng virus: có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh, nhất là herpes virus. Tùy vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dạng bôi hoặc đường uống.

✧ Các phương pháp khác

Nếu bệnh thường xuyên tái phát trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc về việc thay đổi phương pháp điều trị viêm nang lông bằng cách:

  • Liệu pháp ánh sáng: dùng 2 nguồn ánh sáng sinh học là siêu âm cường độ cao và ánh sáng phổ quang để giảm thời gian điều trị, giúp sớm đạt hiệu quả chữa bệnh. Đây là phương pháp có thể áp dụng để điều trị viêm nang lông toàn thân.
  • Laser: đây là phương pháp điều trị viêm nang lông áp dụng cho các trường hợp viêm nang căn nguyên do nhổ và cạo không đúng cách. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng ánh sáng xung với cường độ cao ở những vùng da có lỗ chân lông to và xù xì. Mục đích của việc sử dụng phương pháp này là đem lại hiệu quả điều trị cao đồng thời kích thích collagen phát triển, giúp da sáng mịn hơn và phòng ngừa bệnh, hạn chế thâm nám, cải thiện tính thẩm mỹ.
  • Tiểu phẫu: phương pháp điều trị viêm nang lông này chủ yếu chỉ áp dụng với những trường hợp có kích thước nốt mụn mủ quá lớn nhằm loại bỏ mủ và hạn chế ngứa rát, giúp cho quá trình hồi phục có hiệu quả tốt hơn.

Về cơ bản thì bệnh viêm nang lông có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau khoảng 2 tuần nếu ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, khi vùng da mắc bệnh trở nên sưng, nóng, đỏ, đau hoặc lan rộng hơn thì tốt nhất là người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.

Một lần nữa chúng tôi muốn lưu ý rằng, tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người không giống nhau, vì thế tuyệt đối không nên tùy tiện tham khảo để áp dụng các phương pháp trị bệnh tại nhà. Việc làm này rất dễ làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *