2 DI CHỨNG Ở PHỔI NẶNG NỀ NHẤT MÀ NGƯỜI MẮC HỘI CHỨNG HẬU COVID-19 KHÔNG THỂ BỎ QUA

Theo chuyên gia với tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng… mọi người không nên chủ quan với 2 di chứng ở nội tạng nặng nề nhất mà hậu COVID-19 gây ra dưới đây.

2 di chứng phổi nặng nề sau COVID-19

Hậu Covid là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là các những bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe sau khi mắc bệnh. Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh công bố, có tới 20% những người bị COVID-19 có các triệu chứng kéo dài hơn 5 tuần và 10% có các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần. Khoảng 300.000 người có các triệu chứng kéo dài từ 5 đến 12 tuần (12/2020). Cũng theo báo cáo của tổ chức này vào tháng 3/2021 ở Vương quốc Anh ước tính 1.100.000 người có các triệu chứng của ‘COVID-19 kéo dài hơn 4 tuần.

Các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần ở 65% và 20% hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Và có tới 20-30% số người không nhập viện trong giai đoạn cấp tính có ít nhất một triệu chứng 1 tháng sau đó và 10% sau 3 tháng. 12% trẻ em từ 2 đến 11 tuổi và 14,5% từ 12 đến 16 tuổi, đã báo cáo các triệu chứng mệt mỏi, ho, đau đầu, đau cơ hoặc mất vị giác hoặc khứu giác 5 tuần sau khi bị COVID-19.

Người mắc COVID-19 dễ gặp di chứng phổi nặng nề.

Các triệu chứng phổ biến sau nhiễm COVID-19 là: mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức và những triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng này có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc COVID-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Nguyên nhân gây hội chứng hậu COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm – cytokines – xơ hóa – rối loạn đông máu. Ngoài ra còn do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo…

Các nghiên cứu đã chỉ ra những di chứng thể chất có thể gặp như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, mệt mỏi… Và những di chứng về tâm lý, tinh thần như suy giảm nhận thức, mất ngủ, vấn đề về trí nhớ, trầm cảm. Tuy gây tổn thương đa cơ quan, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi. Đây là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu COVID-19 với biểu hiện hô hấp thường là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng hô hấp. Cụ thể:

  • Bệnh xơ phổi

Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu COVID-19, gồm: Tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; Bệnh đồng mắc hoặc bệnh phổi kẽ có từ trước; bệnh nhân ở mức độ nặng. Đa số bệnh nhân có bất thường sẽ có các triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và các bất thường chức năng hô hấp. Cần lưu ý nguy cơ xơ phổi hậu COVID-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần bị nhiễm COVID-19 vẫn còn tình trạng: Thở nhanh, ho, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 <95%).

  • Tắc mạch phổi

Tắc mạch phổi là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19 từ mức độ nặng hoặc trung bình trở lên. Thuyên tắc phổi cấp tính cũng có thể biến chứng thành các trường hợp COVID-19 nhẹ và nó xảy ra muộn trong quá trình bệnh. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên kết quả xét nghiệm D-Dimer máu cao, kèm theo dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi, chẩn đoán bằng chụp CT phổi có tiêm thuốc cản quang dựng hình động mạch phổi.

Chăm sóc bệnh nhân hô hấp hội chứng hậu COVID-19

Việc tập phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện sớm cho người bệnh bị xơ phổi hậu COVID-19, giúp cải thiện khả năng dung nạp với gắng sức của người bệnh, tình trạng thở nhanh hậu COVID-19 và tình trạng sức cơ và cơ học hô hấp. Các bài tập phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm:

+ Tập thở chúm môi: Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi. Chúm môi và từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng.

+ Tập thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên. Thở ra chúm môi, đồng thời bụng hóp lại.

+ Kỹ thuật tập ho có kiểm soát:

  • Người bệnh thở chúm môi khoảng 5-10 phút, giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa.
  • Tròn miệng hà hơi 5 đến 10 lần,tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản.
  • Ho: Hít vào thật sâu, nín nở và ho liên tiếp 2 lần, 1 lần nhẹ, lần 2 nhanh mạnh để đẩy đờm ra ngoài.

+ Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát, căng giãn lồng ngực, hà hơi.

+ Tập thở với các dụng cụ hỗ trợ: Bóng, Spiroball.

+ Tập giãn cơ.

+ Tập tăng sức mạnh sức bền với các dụng cụ tập tạ, bóng chày, băng chun, leo cầu thang, tập cơ đùi, tập cơ căng chân.

Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân nên cảnh giác theo dõi sức khỏe trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc cho đến khi đã khỏi bệnh để hạn chế những nguy cơ hậu COVID-19 có thể gây ra và khuyến cáo không tái khám nếu những bệnh nhân này không có bất kỳ triệu chứng hô hấp hay triệu chứng nào khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *