DỊ ỨNG THỜI TIẾT CÓ LÂY KHÔNG? NÊN LÀM GÌ KHI BỊ BỆNH?

Dị ứng thời tiết có thể gặp ở bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp nhất khi thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột, từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Những biểu hiện dị ứng khiến người bệnh rất khó chịu, nếu không khắc phục sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy dị ứng thời tiết có lây không và cách điều trị bệnh như thế nào?

1. Dị ứng thời tiết có lây không?

Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng dị ứng thời tiết. Những thay đổi thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ thể xuất hiện một số phản ứng sinh ra hàng loạt các kháng thể để chống lại yếu tố kích thích từ môi trường. Bên cạnh đó, cơ chế sản sinh ra histamin trong hệ miễn dịch cũng là yếu tố có thể gây ra những phản ứng dị ứng.

Dị ứng thời tiết xảy ra ở cả trẻ em và người lớn

Rất nhiều người thắc mắc dị ứng thời tiết có lây không? Câu trả lời là dị ứng thời tiết không gây lây lan nhưng bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Do đó chúng ta không nên chủ quan.

Đối với mỗi trường hợp khác nhau, cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau khi bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây dị ứng thời tiết. Đồng thời, ở mỗi người bệnh, mức độ nặng hay nhẹ của triệu chứng dị ứng thời tiết cũng sẽ khác nhau.

Dị ứng thời tiết không gây lây lan từ người sang người

Tình trạng dị ứng thời tiết được chia thành 2 dạng là cấp tính và mạn tính. Những trường hợp mắc bệnh cấp tính, thời gian bị bệnh sẽ kéo dài từ khoảng 24 giờ đến dưới 6 tuần. Những trường hợp cấp tính này không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mạn tính khiến công tác điều trị bệnh khó khăn hơn, triệu chứng bệnh cũng nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ biến chứng.

2. Một số dấu hiệu thường gặp của dị ứng thời tiết

Khi bị dị ứng thời tiết, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như sau:

  • Phát ban: Hiện tượng mẩn đỏ trên da khiến bệnh nhân rất khó chịu, cảm giác ngứa và khiến họ muốn gãi liên tục. Việc gãi quá nhiều ở vùng da bị dị ứng không những có nguy cơ gây tổn thương da mà còn có thể làm lây lan sang những vùng da khác.

Dị ứng thời tiết gây ngứa mũi, hắt hơi nhiều

  • Viêm mũi dị ứng: Những người có cơ địa bị dị ứng thời tiết cũng dễ gặp phải tình trạng viêm mũi dị ứng với một số biểu hiện như tình trạng khô họng, ngứa mũi, thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, mắt khó chịu, mất ngủ, mệt mỏi, hay buồn ngủ vào ban ngày và thường rất kém tập trung,… Nếu tình trạng dị ứng nặng, bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện nhiều đợt viêm mũi dị ứng
  • Nổi mề đay cấp tính: Biểu hiện này được cho là nguy hiểm nhất đối với bệnh dị ứng thời tiết. Tình trạng khắp cơ thể đột ngột nổi mề đay khiến cho bệnh nhân bị tụt huyết áp, khó thở, tăng nguy cơ sốc phản vệ và thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Chàm bội nhiễm: Một số bệnh nhân bị dị ứng thời tiết có thể xuất hiện triệu chứng mụn nước nổi li ti và có hiện tượng chảy dịch vàng. Bên cạnh đó, da đầu bệnh nhân xuất hiện nhiều gàu, đầu gối và khuỷu tay và mặt cũng có hiện tượng bong tróc da. Tình trạng chàm bội nhiễm có thể ảnh hưởng rất xấu đến làn da của người bệnh, gây mất thẩm mỹ và có nguy cơ tiến triển nặng, gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, những bệnh nhân bị dị ứng thời tiết nên được điều trị càng sớm càng tốt.
  • Triệu chứng khó thở, thở khò khè: Nếu cơ thể thường xuyên xuất hiện tình trạng khó thở, thở khò khè khi thời tiết thay đổi, bạn không nên chủ quan mà hãy đi khám sớm vì đây rất có thể là biểu hiện sớm của bệnh hen phế quản. Nếu không được kiểm soát tốt, căn bệnh này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.

3. Phải làm sao khi bị dị ứng thời tiết?

Bệnh dị ứng thời tiết thường không thể điều trị hoàn toàn vì nó còn liên quan đến hệ thống miễn dịch và cơ địa của từng người bệnh. Do đó, đối với những trường hợp bị dị ứng thời tiết thì cách tốt nhất là điều trị triệu chứng theo từng đợt và bệnh nhân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là trong thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết quá khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh).

Nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm

Bệnh nhân cũng nên hạn chế với một số tác nhân có thể khiến cho tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn như khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, đồ uống có cồn, nhất là bia rượu.

Bệnh nhân nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp. Thuốc điều trị dị ứng dạng kem bôi có thể mang đến hiệu quả khá nhanh chóng. Lưu ý không tự ý dùng thuốc để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh và áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh giúp cơ thể được tăng cường sức đề kháng, góp phần cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải kiêng một số loại thực phẩm có nguy cơ làm tăng mức độ triệu chứng bệnh như một số loại hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đậu phộng, lúa mì,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *