Bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt là một dạng viêm da mãn tính có thể gặp ở cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành. Tình trạng da liễu này gây khá nhiều ảnh hưởng đến nhan sắc cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Thế nhưng nếu thực hiện tốt những gợi ý trong bài viết dưới đây, bạn có thể loại bỏ được căn bệnh khó chịu này.
Tổng quan về bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Trong hệ thống thuật ngữ y khoa, bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt được hiểu là một trong các loại bệnh viêm da thể mãn tính hay tái phát. Bệnh xuất hiện với biểu hiện đặc trưng là sự tăng tiết bã nhờn trên da mặt kèm theo phản ứng viêm khiến da mặt có biểu hiện tấy đỏ, đóng vảy, bong tróc.
Ở người trưởng thành bệnh còn gây ngứa ngáy làm ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng trên có khuynh hướng phát triển mạnh ở những khu vực có mật độ tuyến bã nhờn dày đặc như trán, mũi, cằm, ria mép hay hai bên má.
Da mặt có nhiều tuyến bã nhờn hoạt động nên dễ bị viêm da tiết bã nhờn nhất
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm da tiết bã nhờn ở mặt. Ở trẻ sơ sinh, bệnh có khuynh hướng ảnh hưởng đến các bé dưới 3 tháng tuổi và một số trường hợp có thể tự khỏi sau 6-12 tháng tuổi. Trong khi đó, ở người lớn bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới từ 20-50 tuổi.
Để điều trị bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt, các bác sĩ thường tập trung vào việc giúp bệnh nhân làm thuyên giảm các triệu chứng. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và loại bỏ căn nguyên để bệnh không tái phát trở lại.
1. Nguyên nhân viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Các nghiên cứu y khoa cho thấy, nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt có liên quan trực tiếp đến sự hoạt động thái quá của tuyến bã nhờn trên mặt. Có rất nhiều yếu tố tác động dẫn đến tình trạng này như:
- Do rối loạn hormone: Các hormone có thể được truyền từ mẹ sang con ngay từ khi còn trong bụng. Chính vì vậy mà một số trẻ khi ra đời đã có hiện tượng tăng tiết bã nhờn trên mặt khiến cho da bị viêm.
- Nhiễm nấm malassezia: Da mặt thường xuyên đổ quá nhiều dầu và chất cặn bã có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nấm malassezia phát triển. Chúng khiến da bị kích ứng và bị viêm.
- Căng thẳng quá mức: Stress làm rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Điều này khiến cho các tuyến bã nhờn trên mũi, trán hay cằm hoạt động mạnh hơn làm da dễ bị viêm.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý liên quan đến thần kinh: Bệnh viêm da tiết bã nhờn trên mặt được bắt gặp ở một số đối tượng đang gặp vấn đề về thần kinh. Chẳng hạn như bệnh Parkinson, hội chứng down, tổn thương tủy sống, động kinh hay bệnh liệt các dây thần kinh trên mặt.
- Khí hậu nóng ẩm: Thời tiết nóng ẩm khiến da bị khô và mất nước. Chính vì vậy các tuyến bã nhờn trên da mặt phải hoạt động mạnh hơn để cân bằng độ ẩm cho da. Trường hợp này nếu da không được làm sạch thì rất dễ bị vi khuẩn tấn công và gây viêm.
- Chăm sóc da mặt không đúng cách: Sử dụng sữa rửa mặt có tính tẩy mạnh, dùng mỹ phẩm không phù hợp, không chống nắng cho da mặt khi ra trời nắng… Tất cả những yếu tố này đều tác động tiêu cực đến hoạt động của tuyến bã nhờn và tạo cơ hội cho bệnh bùng phát.
✧ Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Sở hữu làn da nhờn.
- Có người thân mắc bệnh viêm da tiết bã nhờn ở đầu, mặt hay bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
- Người có hệ miễn dịch suy giảm: Những đối tượng này thường là bệnh nhân bị nhiễm HIV, người bị u lympo, bệnh nhân tiểu đường, người cao tuổi.
- Bệnh nhân bị vảy nến được điều trị bằng liệu pháp psoralen hay tia cực tím A (PUVA).
- Thiếu ngủ, hay thức khuya.
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
2. Triệu chứng bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Bệnh viêm da tiết bã nhờn trên mặt ở trẻ em và người lớn có thể được phát hiện sớm thông qua một số triệu chứng điển hình sau:
✧ Ở trẻ em:
- Da xuất hiện các mảng tróc và vảy dày màu vàng bám dính nhiều trên mặt.
- Khu vực da mặt bị bệnh có thể khô hoặc nhờn dính do da đổ nhiều dầu.
- Tổn thương thường ửng đỏ.
- Các vảy da thường bám dính ở tai, hai bên lông mày, trên mũi hoặc hai bên má.
- Tổn thương thường không gây ngứa nhưng lại rất giống với bệnh chàm ở trẻ em nên các bậc phụ huynh cần lưu ý để không bị nhầm lẫn giữa hai bệnh.
Viêm da tiết bã nhờn thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi
✧ Ở người lớn
- Da đỏ, nhạy cảm và rất khô: Bệnh viêm da tiết bã nhờn có thể khiến da mặt trở nên khô và dễ bị kích ứng làm da có màu đỏ.
- Có hiện tượng bong da, đóng vảy màu xám trắng ở những vùng da có nếp gấp hoặc khu vực tuyến bã nhờn trên mặt hoạt động mạnh. Đặc biệt là cằm, trán, má và hai bên khe mũi.
- Khu vực tổn thương có biểu hiện ngứa ngáy rất khó chịu.
- Trường hợp bệnh xuất hiện ở lông mày hoặc hai bên ria mép thì đóng vảy giống như gàu.
Có thể xảy ra nhiễm khuẩn thứ phát nếu bệnh nhân cào gãi làm trầy xước da.
3. Bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt có nguy hiểm không?
Về bản chất bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt không quá nguy hiểm. Tuy nhiên bệnh lại mang đến những cơn ngứa ngáy khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy khó chịu, bực bội. Đặc biệt là trong những ngày thời tiết oi bức thì da mặt đổ nhiều mồ hôi và dầu khiến càng khiến cho cơn ngứa tăng nặng hơn.
Thêm vào đó, căn bệnh này lại tiến triển rất dai dẳng và hay tái phát. Sự xuất hiện của tổn thương và những nốt vảy bong tróc trên mặt làm ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và khiến người bệnh tự ti, không dám ra ngoài tiếp xúc nhiều vì sợ người khác xa lánh, chê cười.
Đặc biệt nếu không được điều trị sớm, tổn thương do bệnh viêm da tiết bã nhờn trên mặt có thể lan dần lên đầu hoặc lan xuống toàn thân gây biến chứng bệnh đỏ da toàn thân rất khó chữa. Để không phải những rủi ro trên, bệnh nhân nên áp dụng một trong những cách điều trị viêm da tiết bã nhờn dưới đây ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên.
Cách điều trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Các phương pháp điều trị viêm da tiếT bã hiện nay rất đa dạng, bệnh nhân có thể tham khảo một vài gợi ý sau:
Mẹo dân gian cải thiện triệu chứng viêm da tiết bã ở mặt
Những cách chữa viêm da tiết bã nhờn ở mặt tại nhà dưới đây đã được ông bà ta đúc kết và áp dụng từ bao đời. Dù không cho tác dụng nhanh chóng nhưng chúng an toàn, dễ thực hiện và tiết kiệm chi phí:
Điều trị viêm da tiết bã bằng nha đam
Nha đam rất nổi tiếng với đặc tính chống viêm tự nhiên nên được dùng để điều trị mụn trứng cá và các căn bệnh da liễu, trong đó có bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt.
Bạn có thể làm dịu da, giảm kích ứng và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm trên da mặt bằng cách lấy gel lô hội thoa trực tiếp lên những vùng da bị tổn thương. Thực hiện 3-4 lần/ tuần sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh.
Sử dụng các loại tinh dầu
Một số loại tinh dầu thực vật tự nhiên đã được khoa học chứng minh là có tác dụng kháng viêm, chống nấm và kháng khuẩn tự nhiên rất tốt cho những người mắc bệnh viêm da tiết bã ở mặt. Chúng bao gồm:
- Tinh dầu trà xanh:
Chứa hàm lượng cao chất tanin, Flavonoid cùng các loại vitamin nhóm A,B, C, tinh dầu trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào da khỏi tổn thương do tình trạng viêm nhiễm gây ra. Bạn có thể dùng tinh dầu trà pha loãng với một chút nước đun sôi để nguội và thoa lên mặt mỗi ngày 1 lần.
- Tinh dầu ô liu:
Dùng dầu ô liu nguyên chất thoa và mát xa lên vùng da bị ảnh hưởng trên mặt sẽ giúp làm mềm vảy, xoa dịu cơn ngứa. Đây cũng là vị thuốc trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt lý tưởng nhờ tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn tuyệt vời.
- Tinh dầu dừa:
Bên cạnh vitamin E, dầu dừa còn cung cấp nhiều loại enzym có tính năng khử khuẩn, dưỡng ẩm cho da. Bạn chỉ cần lấy dầu dừa thoa lên vùng da mặt bị bệnh, sau một thời gian sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể.
Mẹo trị bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt bằng giấm táo
Bạn rửa da mặt sạch sẽ như bình thường. Sau đó bạn lấy 2 muỗng giấm táo pha loãng với 1 thìa nước sạch thoa lên toàn bộ vùng da bị bệnh. Lưu lại dung dịch này trên mặt 10 phút rồi rửa kỹ lại bằng nước ấm.
Thoa giấm táo lên mặt trị viêm da tiết bã nhờn tận gốc
Lặp lại mẹo chữa viêm da tiết bã nhờn bằng giấm táo 3 lần mỗi tuần có tác dụng giảm viêm, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã.
Điều trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt bằng thuốc Tây
Dùng thuốc tây trị viêm da tiết bã nhờn là sự lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn bệnh đang tiến triển nặng vì thuốc tân dược cho hiệu quả nhanh, giúp làm giảm triệu chứng bệnh tức thì sau vài liều sử dụng.
Mặc dù vậy, việc dùng thuốc tân dược kéo dài tiềm ẩn nguy cơ gặp tác dụng phụ khá cao. Thêm vào đó, vùng da mặt khá nhạy cảm nên cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc để không gây kích ứng cho da mặt, đặc biệt là khi dùng các loại kem trị viêm da tiết bã nhờn. Bệnh nhân cần thận trọng đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng các thuốc dưới đây.
Thuốc trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt
✧ Thuốc giảm ngứa:
Để đối phó với các cơn ngứa, thay vì cào gãi khiến da bị trầy xước và nhiễm trùng thì bệnh nhân nên dùng các thuốc sau:
- Thuốc Hydrocortisone: Đây là một loại kem bôi viêm da tiết bã nhờn ở mặt dạng corticoid có tác dụng giảm ngứa, kháng viêm mạnh. Tuy nhiên người bệnh không nên dùng loại kem thuốc này liên tục trong nhiều tuần liền vì thuốc có thể gây mỏng da, kích ứng da mặt.
- Kem Calamine: Loại kem này có khả năng xoa dịu cơn ngứa, giảm đau và làm se lành bề mặt tổn thương.
- Thuốc kháng histamin: Nếu bị những cơn ngứa ngáy khó chịu làm phiền vào ban đêm, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc kháng histamin. Loại thuốc uống trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt này bao gồm các loại thông dụng như Benadryl hoặc Zyrtec. Loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ. Vì vậy không sử dụng thuốc khi đang vận hành máy móc hoặc lái xe.
✧ Thuốc giảm viêm:
Nếu da mặt có tình trạng sưng đỏ và viêm nhiễm, bác sĩ có thể kê toa các loại kem hoặc thuốc mỡ như Fluocinolone, Desonide (DesOwen, Desonide). Những loại thuốc này có tác dụng kháng viêm tốt nhưng có thể gây mỏng da nếu sử dụng trong thời gian dài. Vì vậy bệnh nhân không nên lạm dụng quá mức hoặc tự ý sử dụng khi chưa được bác sĩ kê đơn.
✧ Dùng thuốc kháng khuẩn trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Loại thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm da tiết bã nhờn ở mặt có biểu hiện bị nhiễm khuẩn. Thuốc được điều chế dưới các dạng kem hoặc gel bôi tại chỗ.
Bệnh nhân có thể dùng các loại kem chứa thành phần metronidazol như MetroLotion hay Metrogel. Liều dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thuốc được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ
✧ Thuốc kháng nấm
Một số bệnh nhân bị viêm da tiết bã nhờn do da mặt bị nhiễm nấm malassezia thì dùng thuốc kháng nấm là điều cần thiết. Loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Ketoconazol, Bifonazo hay Terbinafine thoa lên da mỗi ngày 1-2 lần. Thời gian điều trị thường kéo dài trong 2 tuần.
Tuy nhiên, thuốc này có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng và tổn thương gan. Vì vậy trong quá trình sử dụng nếu thấy bất kì biểu hiện xấu nào nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc gây ra thì nên ngưng dùng ngay.
✧ Thuốc ức chế calcineurin
Nhóm này bao gồm các loại thuốc như Tacrolimus (Protopic), Pimecrolimus (Elidel). Chúng được chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng được với Corticoid nhằm cải thiện tình trạng viêm nhiễm trên da.
✧ Thuốc điều tiết hoạt động của tuyến bã nhờn
Loại thông dụng nhất là Isotretinoin. Thuốc giúp ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn, hạn chế sản xuất dầu nhờn dư thừa trên mặt. Liều dùng là 0,5mg/kg/ngày. Bệnh nhân cần dùng loại thuốc điều trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt này trong ít nhất 8 tháng để duy trì được kết quả lâu dài.
Bên cạnh các thuốc trên thì trong phác đồ điều trị viêm da tiết bã nhờn ở mặt của bác sĩ còn kèm theo một số loại thuốc bổ như vitamin B3, B6, H hay kẽm. Chúng sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ tái tạo da ở khu vực bị bệnh.
Cách chăm sóc da phòng bệnh tái phát
Việc chăm sóc da mặt hàng ngày cùng với lối sống nếu được thực hiện một cách khoa học, bài bản sẽ giúp cho kết quả điều trị thành công hơn, bệnh cũng ít tái phát trở lại. Trong sinh hoạt hàng ngày bệnh nhân cần lưu ý:
✧ Rửa mặt sạch sẽ hàng ngày:
Động tác này giúp làm sạch dầu dư thừa và ngăn chặn các tế bào da chết dính vào bề mặt da hình thành vảy. Việc bạn nên làm là:
- Rửa mặt 2-3 lần một ngày.
- Sử dụng xà bông dịu nhẹ, không có chất tạo bọt sẽ không gây kích ứng cho da mặt.
- Nếu lông mày bị đóng vảy, hãy sử dụng dầu gội đầu cẩn thận làm sạch chúng.
Rửa mặt đúng cách giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt
✧ Chăm sóc và dưỡng ẩm cho da mặt đúng cách:
- Không sử dụng các sản phẩm có cồn thoa lên da mặt. Chúng sẽ gây kích ứng da và làm cho tình trạng viêm da tiết bã nhờn trên mặt tồi tệ hơn.
- Thoa kem dưỡng ẩm cho da hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối. Tốt nhất nên lựa chọn các sản phẩm không chứa dầu và có thành phần phù hợp để không gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Thay vì dùng tay cậy vảy, bạn nên làm mềm chúng bằng cách xông hơi da mặt với nước ấm, thoa dầu ô liu hay dầu dừa… Sau đó thì chỉ việc dùng khăn ẩm lau nhẹ để lớp vảy bong ra mà không làm tổn thương da.
- Thủ sẵn giấy thấm dầu trong túi để sử dụng mỗi khi da mặt bị đổ nhiều dầu.
- Cạo râu hoặc ria mép nếu bạn bị viêm da tiết bã ở những khu vực này.
- Thường xuyên tẩy tế bào chết cho da mặt để chúng không kết dính với dầu nhờn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm da.
- Cột tóc gọn gàng, tránh để tóc mái và không nên đội mũ thường xuyên. Chúng có thể khiến da bị bí bách, bám dính nhiều mồ hôi và dầu. Từ đó tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
✧ Giảm căng thẳng
Như đã đề cập, căng thẳng có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố và làm rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn trên mặt. Bạn có thể thử nghiệm một số cách sau để kiểm soát tốt tâm lý của mình:
- Khởi đầu ngày mới với 30 phút tập thể dục mỗi sáng.
- Cố gắng đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày bao gồm cả giấc ngủ trưa và tối.
- Xem phim hay đi du lịch cùng người thân, bạn bè.
- Luôn hướng suy nghĩ tới những điều tốt đẹp.
- Ngồi thiền, tập yoga, mát xa da mặt và đầu cũng là cách giúp kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng.
✧ Chú ý đến chế độ ăn uống khi bị bệnh viêm da tiết bã nhờn ở mặt
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học có thể giúp kiểm soát cơn bệnh bùng phát. Do vậy, khi lên thực đơn bạn cần chú ý:
- Hãy thử ăn nhiều sản phẩm chống viêm bao gồm gừng , tỏi, nghệ , dầu dừa và giấm táo .
- Bạn cũng nên thêm nhiều trái cây và rau củ lành mạnh vào chế độ ăn uống của bạn. Sự lựa chọn tốt nhất bao gồm bơ, táo và các loại rau lá màu xanh.
- Dầu cá giúp ngăn ngừa bệnh viêm da tiết bã nhờn bùng phát. Nó có đầy đủ các chất dinh dưỡng tuyệt vời, đặc biệt là axit béo omega-3 có tác dụng kháng viêm tự nhiên.
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm chế biến bởi các chất bảo quản có thể thúc đẩy các phản ứng miễn dịch gây viêm da. Ngoài ra bạn cũng không nên ăn đường, nước ngọt có ga, cà phê hay các loại đồ ăn cay vì chúng gây kích thích tuyến dầu nhờn trên mặt hoạt động mạnh mẽ hơn.
Mặc dù khó chữa trị dứt điểm song nếu can thiệp sớm và áp dụng đúng phương pháp thì viêm da tiết bã nhờn sẽ được đẩy lùi. Do vậy, khi nhận thấy dấu hiệu bệnh, mỗi người nên chủ động thăm khám để được bác sĩ hỗ trợ, lên phác đồ phù hợp.