NHẬN BIẾT SỚM CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM DA TIẾT BÃ

Những triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã phổ biến như nổi sẩn ngứa và đóng vảy trên da, da ửng đỏ v.v… nhưng thường bị xem thường, không xử lý sớm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Viêm da tiết bã (còn gọi là viêm da dầu, chàm tiết bã), đây là một loại viêm da rất phổ biến. Bệnh là một dạng ban da và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gàu nhiều trên da đầu, đôi lúc gây ra ban da ở vùng mặt. Viêm da tiết bã thường tái đi tái lại. Theo thống kê, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 1 đến 3 người bị bệnh, một tỷ lệ khá cao.

Đúng như tên gọi của nó, viêm da tiết bã là một tình trạng viêm ở da, ảnh hưởng trực tiếp đến những tuyến sản xuất bã nhờn cho da. Nhìn chung, bệnh không gây ra biến chứng quá nặng nề, ngoài việc khiến người bệnh khó chịu, mất thẫm mỹ, nhưng không phải là không có hậu quả. Viêm da tiết bã sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm các vi khuẩn khác hoặc sẽ đeo đuổi người bệnh suốt cả cuộc đời cùng với những phiền toái của nó. Vì vậy, tìm hiểu những triệu chứng của bệnh là một điều cần thiết.

I. Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã

Hiện đã có nhiều cách trị viêm da tiết bã và đây là một bệnh không khó để nhận biết các triệu chứng. Bệnh thường diễn ra ở những vùng da tập trung nhiều tuyến bã nhờn như da đầu, vùng mặt (đặc biệt là vùng xung quanh lông mày và 2 bên cánh mũi), trán, ngực, nách, bẹn.

1. Những dấu hiệu viêm da tiết bã thường gặp

Theo khảo sát, có đến trên 75% bệnh nhân bị viêm da tiết bã thừa nhận rằng, mình đã sớm nhận thấy những triệu chứng dưới đây:

  • Có hiện tượng ngứa da, đau nhức. Người bệnh sẽ cảm thấy vùng da đầu và mặt ngứa châm chích rất khó chịu. Một số trường hợp, do sự bất cẩn cào gãi của bệnh nhân mà khiến vi khuẩn xâm nhập vào, gây nhiễm trùng.
  • Xuất hiện vùng da bị tổn thương: Vùng da này rất dễ nhận biêt bằng mắt thường.
  • Da trở nên nhờn và có nhiều dầu đến nỗi sờ vào có thể thấy lượng dầu dư thừa trên da, nhờn rít.
  • Xuất hiện mảng bám trên da, mảng bám này có thể dùng tay gỡ ra được vì đó là bã dầu kết hợp với bụi bẩn khô lại.
  • Da có vảy màu trắng dễ bong tróc, có khi vàng. Bên cạnh đó, da của người bệnh sẽ hơi ẩm dó có chứa dầu. Các mảng vảy có thể bao trùm cà vùng da đầu hoặc xuất hiện rải rác ở mí mắt, tai, mũi. Ở trẻ em, triệu chứng này được gọi với cái tên dân gian là “cứt trâu”.
  • Có biểu hiện đỏ nhẹ ở da. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy những chỗ da bị đỏ ửng, loang lổ, sờ vào cảm thấy da mỏng hơn bình thường. Dấu hiệu viêm da tiết bã này sẽ lan rộng nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
  • Có hiện tượng rụng tóc do tình trạng viêm nhiễm khiến chân tóc yếu đi. Hầu hết những bệnh nhân bị viêm da tiết bã ở đầu đều phải đối mặt với tình trạng rụng tóc không ai mong muốn. Lượng tóc rụng nhiều hay ít tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Tuy nhiên, biểu hiện viêm da tiết bã này sẽ nhanh chóng biến mất, tóc mọc trở lại khi bệnh được chữa khỏi.

Rụng tóc ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ và tâm lý người bị

2. Triệu chứng viêm da tiết bã diễn tiến theo giai đoạn

Bên cạnh những triệu chứng thường gặp ở trên, bệnh viêm da tiết bã còn biểu hiện bởi những triệu chứng khác nhau theo giai đoạn bệnh.

  • Giai đoạn nhẹ: Ở giai đoạn này, trên da đầu của người mắc bệnh viêm da tiết bã sẽ xuất hiện gàu. Gàu là thuật ngữ dùng để chỉ những vảy nhỏ bị bong ra của da đầu do lượng dầu da đầu tiết ra, gặp bụi bẩn và khô lại. Da đầu sẽ ngứa ngáy châm chích. Các vết bong còn kéo rộng xuống vùng da trán.
  • Giai đoạn vừa: Khi tình trạng diễn tiến xấu hơn, ban da sẽ xuất hiện. Những ban da có màu hồng, hình oval, tập trung thành từng đám có kích thước vài cm. Trên bề mặt của chúng có thể xuất hiện những vảy tiết màu vàng nâu, sờ vào thấy cộm. Da trở nên ngứa ngáy, cảm giác khó chịu lan xuống trán, mặt và cả tai, mắt.
  • Giai đoạn nặng: Với những bệnh nhân có hệ miễn dịch đã bị suy giảm từ trước hoặc do không điều trị viêm da tiết bã đúng cách sẽ dẫn bệnh đến giai đoạn nặng. Lúc này, tình trạng ban da sẽ có thể bao phủ cả vùng mặt, da đầu, cổ, nách, ngực v.v… của người bệnh. Đi kèm với đó là những cơn ngứa dữ dội, có khi đau rát.

II. Khi có dấu hiệu nào thì cần đi gặp bác sĩ?

Tuy là một bệnh ngoài da, không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng đây cũng là một căn bệnh có để lại di chứng. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sỹ khi phát hiện mình hoặc những người xung quanh có những dấu hiệu sau:

  • Cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và đau rát dai dẳng đến mất ngủ, không thể tập trung và các sinh hoạt hằng ngày bị gián đoạn, chất lượng cuộc sống giảm.
  • Luôn luôn cảm thấy lo lắng về căn bệnh của mình, hay nhắc đến trong sự hoang mang, đôi lúc có hiện tượng stress.
  • Nghi ngờ da đã bị nhiễm trùng.
  • Tình trạng viêm da tiết bã ngày một trầm trọng. Các triệu chứng dần đi đến giai đoạn nặng dù đã có những phương pháp điều trị tại nhà.

Người bệnh nên đến bác sỹ khi tình trạng bệnh không thuyên giảm, lo lắng về bệnh v.v…

III. Cần làm gì khi bị viêm da tiết bã?

Khi đã xác định mình bị viêm da tiết bã, tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện da liễu để được chẩn đoán tình trạng bệnh và điều trị theo y học hiện đại. Song song với việc đó, bệnh nhân nên làm những điều sau để nhanh chóng đẩy lùi bệnh.

Xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học

  • Sử dụng dầu gội đầu có chứa tar, selenium sulfide, kẽm pyrithione, acid salicylic, ciclopirox… để điều trị tình trạng gàu trên da đầu. Trên thị trường có khá nhiều loại dầu gội đầu trị gàu, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sỹ và thử nhiều loại để tìm ra dầu gội phù hợp với mình nhất.
  • Dùng kem kháng nấm.
  • Hạn chế làm việc trong môi trường có nhiều bụi bẩn.
  • Có thể sử dụng các loại kem chống ngứa (kem có chứa hydrocortisone) hoặc lotion để cân bằng lượng dầu dư thừa và giảm ngứa.
  • Tránh để hóa chất, phẩm màu, các chất tẩy rửa mạnh tiếp xúc với vùng da đang bị viêm da tiết bã.
  • Đảm bảo rửa sạch xà phòng trên da sau mỗi lần tắm gội.
  • Mặc quần áo có kết cấu nhẹ để giảm thiểu những cọ xát có hại cho vùng da đang bị tổn thương.
    Đối với nam giới, tốt nhất nên cạo râu để việc điều trị diễn ra dễ dàng hơn.
  • Và quan trọng, tuyệt đối không gãi với bất cứ dụng cụ nào. Cắt sạch sẽ móng tay và có thể đeo bao tay vào ban đêm để tránh trường hợp gãi vô thức.
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây để nạp đầy đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cơ thể và làm giảm các triệu chứng viêm da tiết bã.
  • Khi bị viêm da tiết bã, người bệnh nên làm theo chỉ định của bác sỹ, kết hợp với ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Như vậy, dưới sự định hướng của bác sỹ, chúng tôi đã gửi đến bạn một bài viết đầy đủ, chi tiết vể cách nhận biết các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã. Hy vọng từ đây, bạn có thể chủ động trong việc bảo vệ và phục hồi sức khỏe cho chính mình và gia đình. Cuối cùng, viêm da tiết bã là một bệnh không thể xem thường, bất cứ ai cũng phải trang bị cho mình những hiểu biết về triệu chứng của nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *